Theo cuốn lịch sử Đảng bộ xã Cát Thịnh, tháng 3 năm 1945, phong trào cách mạng ở Văn Chấn phát triển rất mạnh; đến giữa năm 1945 đã thành lập được 2 đội tự vệ và đội thanh niên cứu quốc ở một số xã vùng ngoài. Ở Cát Thịnh, lớp thanh niên trung kiên đã trực tiếp ra căn cứ Vần Hiền Lương, được học tập, giáo dục và giao nhiệm vụ.
Trên địa bàn xã, lực lượng vũ trang của ta hợp quân để tiến đánh địch, giải phóng các địa phương phía tây của tỉnh, phong trào cách mạng lan rộng nhanh chóng, khí thế sục sôi cùng nhân dân toàn huyện vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, giải tán chính quyền cũ do Nhật - Pháp lập ra.
Ngày 28/2/1946, Bộ Nội vụ quyết định sáp nhập hai xã Cát Lợi, Kim Thạch thành xã Cát Thịnh. Hưởng ứng Lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chủ tịch, nhân dân các dân tộc xã Cát Thịnh theo Đảng, đứng lên "diệt Pháp, trừ tề”; thành lập nhiều khu căn cứ cách mạng, nổi bật là Khu căn cứ Đá Xô, để quân và dân trụ vững kháng chiến lâu dài đến giải phóng Nghĩa Lộ.
Ngày 30/9/1947, Đảng bộ huyện Văn Chấn được thành lập, đã lãnh đạo trực tiếp đối với phong trào cách mạng của huyện. Trong điều kiện vô cùng cấp bách và khó khăn, chính quyền cách mạng còn non trẻ, đòi hỏi tất yếu xã Cát Thịnh phải có tổ chức Đảng để trực tiếp lãnh đạo nhân dân, xây dựng lực lượng.
Ngày 25/1/1949 Huyện ủy Văn Chấn quyết định thành lập Chi bộ đảng xã Cát Thịnh gồm 5 đảng viên, là đồng chí Ngô Quang Đào, Sa Quang Đức, Hà Văn Út, Hoàng Hữu Hưng, Lò Văn Đích. Đồng chí Ngô Quang Đào (cán bộ tăng cường của tỉnh về phụ trách xã Cát Thịnh) làm Bí thư Chi bộ xã.
Động viên nhân dân đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, vừa chiến đấu vừa tham gia phục vụ chiến đấu, Chi bộ và nhân dân xã Cát Thịnh đã lập nhiều chiến công, góp phần quan trọng trong giải phóng Nghĩa Lộ năm 1952. Sau Chiến thắng Tây Bắc, quân và dân xã Cát Thịnh tích cực tham gia mở đường qua Đèo Lũng Lô huyền thoại, đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, lập lại hoà bình ở miền Bắc.
Còn những tư liệu lịch sử qua các cuộc chiến tranh được lưu giữ phòng truyền thống xã Cát Thịnh (Ảnh TL)
Thực hiện chủ trương của Đảng và Huyện uỷ Văn Chấn, Chi bộ xã đã lãnh đạo nhân dân khắc phục những hậu quả của chiến tranh, củng cố chính quyền nhân dân, tăng gia phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống văn hoá mới, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện cho miền Nam ruột thịt.
Chi bộ Cát Thịnh thành lập ngay đội tự vệ gồm 151 đội viên trực chiến bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, chính quyền. Ngày 6 tháng 8 năm 1965, 3 đội tự vệ 3 xã: Cát Thịnh, Đại Lịch, Thượng Bằng La đã phối hợp bắn cháy 1 máy bay Mỹ. Đặc biệt, ngày 31 tháng 5 năm 1966, bằng quyết tâm và hành động anh dũng, chiến đấu kiên cường, tổ dân quân đã bắn rơi chiếc máy bay F105 của Mỹ. Với chiến công đó, Chi bộ, nhân dân cùng lực lượng dân quân Cát Thịnh được nhận cờ thưởng của Bác Hồ, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Cùng với chiến đấu, lao động, sản xuất, học tập, Chi bộ xã luôn tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng đảng viên "Bốn tốt”, chi bộ "Bốn tốt”, thường xuyên thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hoàng Thị Vĩnh và lãnh đạo huyện Văn Chấn, Văn phòng HĐND và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng hoa và quà chúc mừng nhân dân thôn Khe Đắc. ảnh TL
Ngày 2/3/1967 là mốc quan trọng đánh dấu bước đường trưởng thành của Chi bộ Cát Thịnh. Huyện uỷ Văn Chấn Quyết định nâng cấp chi bộ xã Cát Thịnh thành Đảng bộ với 67 đảng viên. Từ ngày thành lập Chi bộ (25/01/1949) đến khi có quyết định thành Đảng bộ (2/3/1967), Chi bộ đã trải qua 16 kỳ đại hội.
Trong thời kỳ 1954 - 1975, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong Khu tự trị Thái - Mèo (sau đổi thành Khu tự trị Tây Bắc), trong đó có xã Cát Thịnh đã chỉ đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế, củng cố xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, đẩy mạnh công tác quốc phòng toàn dân, tăng cường chi viện cho miền Nam đánh Mỹ, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên Đại thắng mùa xuân 30 tháng 4 năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, làm nghĩa vụ quốc tế và bảo vệ biên giới phía Bắc, xã Cát Thịnh đã có hơn 1 ngàn người đã xung phong tòng quân, lên đường đánh giặc, tham gia dân công phục vụ chiến đấu, tham gia lực lượng dân quân du kích bảo vệ quê hương.
Cùng với những thanh niên lên đường tòng quân, nhiều lương thực, thực phẩm được nhân dân Cát Thịnh đóng góp cho các chiến trường. 64 người con ưu tú của Cát Thịnh đã hy sinh anh dũng; 34 thương binh, bệnh binh. Địa bàn xã có 6 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Những thành tích và đóng góp to lớn ấy, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cát Thịnh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Từ Đại hội Đảng bộ xã lần thứ IX tháng 6/1975, đến hết nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XV (1984 - 1986), nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và nhân dân Cát Thịnh chuyển sang một giai đoạn mới, đó là tập trung vào công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.
Người dân xã Cát Thịnh đóng góp tiền, ngày công thắp sáng đường điện an ninh thôn Khe Nước. ảnh TL
Vào thời kỳ đổi mới (năm 1986 đến nay), Đảng bộ xã đã trải qua 8 kỳ đại hội. Kế thừa và phát huy truyền thống, cùng với thành quả của công cuộc đổi mới, Đảng bộ Cát Thịnh tiếp tục, đoàn kết, khắc phục khó khăn để lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, vững bước đi lên, giành được nhiều thành tựu quan trọng, kết quả toàn diện.
Toàn Đảng bộ xã Cát Thịnh hiện có 625 đảng viên, 23 chi bộ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và phục vụ nhân dân.
Công tác kiểm tra, giám sát, dân vận được quan tâm, chú trọng. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới. Đoàn kết trong Đảng, đại đoàn kết trong nhân dân được củng cố, tăng cường. Công tác quốc phòng, an ninh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Nhiều năm liền tốc độ tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách 820 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 4.000 tấn; đàn gia súc đạt 8.100 con; trên 350 hộ có mô hình nuôi ba ba đặc sản.
Cát Thịnh trở thành điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững; bình quân hằng năm trồng trên 200ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 75%. Trong 5 năm gần đây, nhân dân trong xã trồng mới được trên 800 ha quế. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp: cam, chè, cây dược liệu; xây dựng chỉ dẫn địa lý ba ba gai Cát Thịnh. Nhờ đó nhiều hộ dân thoát nghèo trở thành hộ khá, hộ giàu.
Tham quan mô hình nuôi ba ba gai của gia đình anh Nguyễn Ngọc Nam ở thôn Ngã Ba. ảnh TL
Phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa, hiện xã hiện đạt 11/19 tiêu chí, có 5 thôn bản đạt tiêu chí nông thôn mới. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, kinh tế có bước phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao; thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng từng bước được nâng lên; phát huy hiệu quả, truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp được bảo tồn và phát huy...
Công tác giáo dục và đào tạo có bước phát triển, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao, Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học là 1 trong 5 nhà trường trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia mức độ I; giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chăm lo.
Người dân được bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ ngay từ cơ sở. Công tác xóa đói giảm nghèo bền vững đạt được kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên. An sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh thường xuyên được đảm bảo và tăng cường.
Kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Đảng bộ quan tâm, chú trọng. Kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thông tin, thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư; an sinh xã hội được đảm bảo, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với mức bình quân chung của xã.
Ghi nhận những thành tựu, kết quả đã đạt được trong 75 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang xã Cát Thịnh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Nhất; 6 cờ Đơn vị quyết thắng. Trên 500 huân, huy chương các loại đã được trao tặng cho các cá nhân, trong đó có 1 Huân chương Độc lập hạng ba; 1 Huân chương Quân công hạng ba…
Những phần thưởng cao quý đó chính là sự ghi nhận, biểu dương sự trưởng thành cũng như tinh thần nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn, ý chí vươn lên mạnh mẽ của các thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong xã.
Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, Đảng bộ xã Cát Thịnh đã rút ra những bài học về củng cố và phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng bộ; là sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn địa phương trong từng giai đoạn cách mạng, quan tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Cùng đó là bài học trong việc khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp; không ngừng tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân…
Với truyền thống 75 năm vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Cát Thịnh có quyền tự hào về một vùng quê anh hùng, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV bằng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể quyết tâm thực hiện định hướng phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” mà Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện đã đề ra.
Minh Quang