Phát biểu của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Lễ đón Bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 1

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/12/2023 | 6:29:53 PM

YênBái - Chiều 29/12, tại Lễ đón Bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 1, Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Yên Bái xin trân trọng gửi tới bạn đọc!

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Lễ đón Bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 1.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Lễ đón Bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 1.

>> Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đón Bằng công nhận đạt chuẩn mức 1

Kính thưa đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái. 

Thưa các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo các địa phương, 

Thưa các đồng chí!

Hôm nay, trong không khí của những ngày cuối năm 2023, chuẩn bị chào đón năm mới 2024 và xuân Giáp Thìn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Lễ đón bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 1. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo các địa phương; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái, các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái có mặt tại buổi lễ trang trọng hôm nay lời chào thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí một năm mới: sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Thưa các đồng chí! 

Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn được Ban Bí thư ban hành ngày 19/5/2021, đến nay, qua 2,5 năm triển khai thực hiện với tỉnh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, mục tiêu xây dựng trường chính trị thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn duy nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hệ thống các trường chính trị trong cả nước đã thực sự có bước chuyển mình, bứt phá rất mạnh mẽ, nhanh chóng, đầy quyết tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, thực hiện văn hóa trường Đảng đến xây dựng cơ sở vật chất của mỗi nhà trường đạt chuẩn.

Việc đánh giá trường chính trị đạt chuẩn mức 1 với 55 chỉ tiêu, 6 nhóm tiêu chí theo Quy định 11 là rất quan trọng, cần thiết, qua đó, đánh giá, nâng cao chất lượng trường chính trị, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị - 1 trong 27 nhóm biểu hiện suy thoái trong cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra. Đây là quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tính đến thời điểm này, đã có 8 trường được công nhận chuẩn mức 1, có 60 trường được các tỉnh, thành phê duyệt Đề án, nhiều trường đã và đang cố gắng thúc đẩy đạt chuẩn sớm hơn mục tiêu, lộ trình Đề án.

Trường Chính trị tỉnh Yên Bái thuộc khu vực miền núi phía Bắc, nơi có điều kiện còn khó khăn so với các trường chính trị khác trong cả nước nhưng lại vinh dự là đơn vị thứ 8 trong cả nước, thứ 2 trong khu vực miền núi phía Bắc được công nhận trường chính trị chuẩn mức 1.

Trường Chính trị tỉnh Yên Bái bắt đầu triển khai Quy định số 11, chỉ đạt 35/55 chỉ tiêu chuẩn mức 1 (63,6%), thuộc nhóm trung bình của cả nước. Nhưng sau hơn hai năm thực hiện, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã bứt phá đề được công nhận đạt chuẩn mức 1 với đủ 55 chỉ tiêu của 6 nhóm tiêu chí, trong đó 8 chỉ tiêu vượt chuẩn, tiệm cận chuẩn mức 2. Điều đáng nói là, không chỉ dừng lại ở số lượng các tiêu chí đã đạt, qua đánh giá của Hội đồng thẩm định, cũng như qua theo dõi, quản lý chuyên môn đối với trường thì chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu cũng rất yên tâm.

Trong công tác xây dựng, chuẩn hoá đội ngũ, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thường trực Tỉnh ủy trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, viên chức nhà trường. Tỉnh ủy có cơ chế thu hút cán bộ, giảng viên chất lượng cao về cho Trường, điều động 2 đồng chí có trình độ tiến sĩ từ các cơ quan, đơn vị trong tỉnh về, trong đó 1 đồng chí được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng; đã tổ chức kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp riêng cho 18 viên chức của Trường; phê duyệt danh sách giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh gồm 51 đồng chí là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương. 

Theo đó, tiêu chí đội ngũ của Trường đã có những chỉ tiêu vượt Quy định 11 và có những chỉ tiêu dẫn đầu cả nước. Cụ thể là, Trường có 38/45 giảng viên, chiếm 84,44%, vượt 20% so Quy định 11 và đây là 1 trong 2 trường có tỉ lệ giảng viên cao nhất trong hệ thống trường chính trị cả nước; có 26/38 giảng viên chính, đạt 68,42%, vượt so với Quy định. Gần 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ, trong đó có 2 tiến sĩ, 3 nghiên cứu sinh; 100%, giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Tại nhiều kỳ Hội thi giảng viên giỏi toàn quốc, Trường luôn có giảng viên đạt danh hiệu giảng viên xuất sắc. Với đội ngũ cán bộ, viên chức đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái không ngừng nỗ lực, vươn lên, xứng tầm là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của tỉnh.

Trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, Trường có sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô và chất lượng. Điểm nổi bật trong đào tạo, bồi dưỡng là Trường đã chủ trì xây dựng được các chương trình bồi dưỡng như: Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng cấp tỉnh, cấp huyện; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho các chức danh công chức cấp xã... 

Các chương trình bồi dưỡng bảo đảm tính cập nhật, tính thực tiễn, sát đối tượng người học, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Từ việc ban hành các chương trình, tài liệu, Trường thực hiện đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng. Đặc biệt, Trường tham gia tổ chức thành công các lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn theo Đề án số 11 của Tỉnh uỷ, như: bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ trẻ; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số... Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi 1 trong 2 khâu đột phá - đó là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh mà Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định.

Đối với nhóm tiêu chí về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, là nhóm tiêu chí trong khi rất nhiều trường đang gặp khó khăn thì Trường Chính trị tỉnh Yên Bái cũng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ này, có giải pháp để qua những kết quả nghiên cứu khoa học thành nội dung tham mưu, kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong hoạch định các chủ trương, chính sách xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng tại địa phương. Từ các kết quả nghiên cứu đề tài khoa học, nhà trường chủ động biên soạn thành các sách tham khảo, chuyên khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Những kết quả trên đây thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên về mọi mặt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái và sự phối hợp rất hiệu quả của các ban, sở, ngành; sự chỉ đạo chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đặc biệt, là sự cố gắng, tinh thần chủ động, tích cực, quyết tâm cao cùng cách làm sáng tạo, quyết liệt, đột phá của Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giảng viên trường qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều thế hệ. Đó là kết quả của sự đồng lòng, quyết tâm đổi mới, tập trung xây dựng, triển khai từng bước các nhiệm vụ cụ thể, thể hiện sâu sắc hơn bản chất văn hóa của trường Đảng, khẳng định khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tôi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường; sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Xin nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái.

Thưa các đồng chí!

Từ quá trình triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, từ sự thành công trong xây dựng trường chính trị chuẩn, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, để xây dựng trường chính trị chuẩn cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Ban Thường vụ, của Thường trực Tỉnh ủy và nhất là vai trò người đứng đầu. Đây chính là yếu tố quan trọng, quyết định đến triển khai Quy định số 11 của Ban Bí thư. Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt bằng chương trình, nghị quyết, bằng các các giải pháp thiết thực, đồng bộ, khả thi, kịp thời; bằng công tác kiểm tra, đánh giá. Chỉ đạo các ban, sở, ngành, địa phương phối hợp, ủng hộ, tạo điều kiện để trường chính trị hoàn thiện các chỉ tiêu chuẩn. 

Cần khẳng định rằng, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã sớm nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của trường Đảng, quan tâm thiết thực, sâu sát, hiệu quả trong việc ban hành Đề án cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để Trường Chính trị tỉnh Yên Bái hoàn thành các tiêu chí trường chuẩn. Yên Bái là một trong 10 tỉnh phê duyệt Đề án sớm nhất cả nước; chỉ hơn 5 tháng sau khi Ban Bí thư ban hành Quy định 11, tỉnh đã ban hành được Đề án. Cùng với quan tâm về xây dựng đội ngũ, quan tâm chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tỉnh đã phê duyệt đầu tư xây dựng trường ở địa điểm mới với diện tích khuôn viên 4ha, hướng tới chuẩn mức 2.

Thứ hai, phát huy vai trò chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thực hiện có hiệu quả phương châm "tăng cường quản lý, kết nối hệ thống" bằng nhiều phương pháp, cách thức phong phú, đa dạng, linh hoạt; chú trọng tổng kết các mô hình điển hình. Quan tâm hoàn thiện thể chế tốt nhất về công tác trường chính trị; đẩy mạnh xây dựng chương trình, giáo trình; triển khai có hiệu quả các chương trình, hoạt động hỗ trợ các trường, nhất là hỗ trợ các trường chính trị hoàn thiện các tiêu chí và đội ngũ và nghiên cứu khoa học. 

Thứ ba, phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, viên chức trường chính trị, thống nhất quyết tâm xây dựng trường chính trị trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở địa phương. Đảng ủy, Ban Giám hiệu có cách làm bài bản, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, chủ động từ sớm, từ xa, chú trọng chất lượng. Đây là khâu then chốt giúp các trường từng bước chuẩn bị, tích luỹ và hoàn thiện các tiêu chí chuẩn.

Thứ tư, sự phối hợp, ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan trong tỉnh. Xây dựng trường chính trị chuẩn thành công là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương dưới sự lãnh đạo của cấp ủy và sự hướng dẫn của Trung ương. Trong đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy hỗ trợ xây dựng đề án Trường Chính trị chuẩn, hoàn thiện các chỉ tiêu về đội ngũ, về đào tạo, bồi dưỡng; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bảo đảm định hướng tư tưởng; phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hướng dẫn về chuyên môn đối với các trung tâm chính trị cấp huyện; Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn, triển khai các đề tài khoa học cấp tỉnh...

Thưa các đồng chí!

Yên Bái là tỉnh nằm giữa vùng Tây Bắc - Đông Bắc và Trung du Bắc bộ; là vùng có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh. Trong các tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi Bắc bộ, tỉnh Yên Bái đã được Chính phủ quy hoạch là 1 trong 5 tỉnh phát triển hàng đầu của khu vực. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; "dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu”. Theo đó, trước hết cần tiếp tục tập trung quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đó chính là Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, để nơi đây thực sự là một "địa chỉ đỏ" về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cán bộ "có tâm, có tầm”, có khát vọng xây dựng tỉnh Yên Bái giàu đẹp, xanh, hài hòa, văn minh, hạnh phúc.

Trong thời gian tới, tôi đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và các ban, sở, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư, duy trì, giữ vững trường chính trị chuẩn mức 1, tiến tới xây dựng Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 2, đây chính là sự chuẩn bị tốt nhất về đội ngũ cán bộ để phục vụ thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ "đưa Yên Bái trở thành tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc”. Muốn vậy, tôi đề nghị các đồng chí quan tâm lưu ý một số vấn đề sau:

* Đối với Trường Chính trị tỉnh Yên Bái:

Ngay sau hôm nay, các đồng chí cần tham mưu Tỉnh ủy xây dựng Đề án trường chính trị chuẩn mức 2. Tôi xin lưu ý một lần nữa, để duy trì, giữ chuẩn, tiến tới xây dựng đạt chuẩn mức 2 là những khó khăn, thách thức rất lớn đối với tập thể cán bộ, viên chức của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái. Vì vậy, ngay từ bây giờ, tôi đề nghị các đồng chí rà soát các tiêu chí chuẩn mức 2, phân chia các tiêu chí đã đạt, sắp đạt chuẩn mức 2 để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực phù hợp để phấn đấu thực hiện. 

Trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tôi đề nghị Trường tiếp tục kế thừa, phát huy bề dày truyền thống gần 70 năm, đặc biệt những thành tựu nổi bật của đơn vị trong thời gian gần đây; tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh và khu vực. Muốn vậy, Trường cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, làm thế nào để có nhiều hơn nữa các giảng viên dạy giỏi, xuất sắc bởi vì muốn có trò giỏi thì trước hết phải có thầy giỏi. Giảng viên là nguồn cảm hứng để cán bộ, học viên thấy rằng học lý luận là hấp dẫn, thú vị, không hề khô khan. Giảng viên phải thuần thục về phương pháp, tăng cường trao đổi, tương tác với học viên, khơi dậy tính tự giác học tập của học viên. Đồng thời, giảng viên cũng cần đặc biệt chú ý xây dựng văn hóa trường Đảng, kỷ luật phát ngôn, nói, viết, làm theo đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó, giúp học viên củng cố lập trường, bản lĩnh chính trị của học viên. 

Trong thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm đến những khâu then chốt, những điểm nghẽn về xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm; cơ chế, chính sách đối với cán bộ, giảng viên; tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hiện đại. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện nghiêm quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong học tập và giảng dạy. 

Trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, cần tập trung tham gia xây dựng, góp ý kiến cho Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV; các đề tài, đề án, hội thảo cần tập trung vào các vấn đề thực tiễn của tỉnh Yên Bái, như: nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi số, chất lượng tổ chức cơ sở đảng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc... Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cần chú trọng chất lượng. Phải có nhiều hơn các đề tài, đề án được chuyển giao, có nhiều kiến nghị và giải pháp đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, gắn với mọi hoạt động của nhà trường và mỗi giảng viên.

* Đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái: 

Một là, sớm ban hành Đề án xây dựng trường chính trị chuẩn mức 2. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, có thêm các giải pháp phù hợp, cụ thể để Trường Chính trị tỉnh Yên Bái tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt được, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí thiếu để sớm đạt chuẩn mức 2. 

Hai là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát để Trường Chính trị tỉnh trở thành nơi kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của một trường Đảng kiểu mẫu ở địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục rà soát, bố trí cán bộ đảm bảo tính kế thừa, ổn định và phát triển bền vững của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp trong trường. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho trường có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại để thực hiện nhiệm vụ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thể giao cho trường tham mưu, nghiên cứu những vấn đề lớn mang tính chiến lược liên quan đến công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; đặc biệt là công tác tổng kết thực tiễn (có những việc giao, có việc "đặt hàng” để Trường Chính trị thực hiện).

Thưa các đồng chí!

Dự và phát biểu tại Lễ công nhận Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 1, chung vui cùng lãnh đạo tỉnh, cán bộ, viên chức, người lao động nhà trường và quý vị đại biểu, tôi mong rằng chúng ta sẽ lan toả niềm phấn khởi, tự hào và quyết tâm cao đến tất cả các trường chính trị trong khu vực và cả nước. Một lần nữa, kính chúc quý vị đại biểu và toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công! 

Xin trân trọng cảm ơn!

Tags Trường Chính trị tỉnh Yên Bái Bằng công nhận chuẩn mức 1

Các tin khác

Chiều 29/12, Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đạt chuẩn mức 1.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Ngày 29/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Theo thông tin từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 sẽ được tổ chức ngày 30-12 tại Hà Nội.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Từ năm 2009 đến năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục