Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng trên 70 nông dân tiêu biểu đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên hội nông dân trên cả nước.
Dự tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Nguyễn Thế Phước - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu chia sẻ những tự hào, ấn tượng, cũng như những băn khoăn, trăn trở về nông nghiệp, nông dân, nông thôn kể từ sau Đại hội XIII của Đảng; đồng thời đánh giá tình hình, những việc đã làm một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, bao trùm; đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới để thực hiện mục tiêu "nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái”.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đối thoại thực chất, đi thẳng vào tình hình, những nút thắt, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, sau đối thoại phải có tiến bộ, điều cuối cùng là phải ra sản phẩm cụ thể, ra tiền bạc, lúa gạo, đường sá…, thay đổi hơn nữa bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân với tinh thần nông dân là trung tâm, là chủ thể, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực.
Tại Hội nghị, gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng, kiến nghị của nông dân cả nước đã được gửi tới Thủ tướng. Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan đã trực tiếp đối thoại, trả lời các câu hỏi, nhóm câu hỏi của nông dân và đại diện các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào các vấn đề như: Những chính sách để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị; những giải pháp để đáp ứng vấn đề quy hoạch vùng trồng cà phê đảm bảo phát triển bền vững trong thời gian tới; chính sách để hỗ trợ nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, có sự hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới; hay cần có giải pháp trong việc xử lý ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; vấn đề quan tâm, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân;…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 5 năm 2023 (lần thứ 2 trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV) có ý nghĩa rất quan trọng để cụ thể hóa nhiều vấn đề lớn, tầm chiến lược về nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo các nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú trọng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vừa qua.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước; trong đó nổi bật là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X, Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị Quyết 20 Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về kinh tế tập thể; Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Điểm lại thành tựu nổi bật của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước và là trụ đỡ, tiền đề, nền tảng để góp phần đất nước phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tăng trưởng GDP nông nghiệp năm 2023 ước đạt tới 3,83% cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản luôn duy trì ở mức cao với 10 nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên, giá trị thặng dư thương mại năm 2023 ước đạt 11 tỷ USD; đã có 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 05 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh bày tỏ vui mừng và tự hào về những thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục như: phát triển nông nghiệp vẫn theo "tư duy sản xuất”, chưa chuyển đổi sang "tư duy kinh tế”; quy hoạch phát triển nông thôn còn bất cập, tình trạng ô nhiễm môi trường, vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa nông thôn, an ninh trật tự ở nông thôn đang đặt ra nhiều thách thức mới…
Nhắc lại các lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân dân nói chung và nông dân nói riêng, cũng như nội dung các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao ý chí quyết tâm, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện khát vọng làm giàu góp phần phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững và nông dân thật sự có đời sống ấm no, hạnh phúc.
Trong đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong nông dân, nhất là phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Thủ tướng cũng đề nghị nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch và an toàn, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng mọi cơ hội, biến nguy thành cơ và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn, người dân tích cực tham gia triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác và doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; quán triệt phương châm "muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương nhận thức đầy đủ vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Cùng với đó, chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân; tập trung triển khai nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt các đề án, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến các chương trình, đề án về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; trong đó ngành nông nghiệp cần triển khai có hiệu quả kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khí mê-tan trong sản xuất nông nghiệp.
Các bộ, ngành, tổ chức, địa phương tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, xác định là yêu cầu thực tiễn khách quan của sự phát triển, là lĩnh vực ưu tiên thực hiện chuyển đổi số, làm thay đổi mạnh mẽ chuỗi sản xuất- chế biến- kinh doanh nông sản, hướng tới mục tiêu "Mỗi người nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng”.
Thủ tướng tin tưởng, với khí thế mới, động lực mới, từ Đại hội dại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, nông nghiệp, nông thôn nước ta ngày càng phát triển và nông dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế ngày càng quan trọng như lời chúc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Chúc giai cấp nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới!”.