Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Đức Duy thảo luận ở tổ về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/1/2024 | 11:41:12 AM

YênBái - Sáng nay - 16/1, trong phiên thảo luận ở tổ cùng với đại biểu các tỉnh Hòa Bình, Bình Thuận, Bình Phước, tán thành với Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tham gia trực tiếp vào nội dung các khoản của Điều 4.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy chủ trì thảo luận ở tổ gồm đại biểu các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bình Thuận, Bình Phước.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy chủ trì thảo luận ở tổ gồm đại biểu các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Bình Thuận, Bình Phước.


Tại Khoản 2 quy định về điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, đại biểu Đỗ Đức Duy đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm vào Điểm c theo hướng trong trường hợp nếu như nguồn chi thường xuyên cho các dự án đã hết nhiệm vụ chi trong năm hoặc không đủ điều kiện giải ngân, hoặc tỷ lệ giải ngân thấp thì HĐND tỉnh được phép quyết định điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn còn dư này sang để thực hiện chi cho đầu tư trong cùng một chương trình, với điều kiện không vượt quá tổng mức giao cho từng chương trình. Như vậy sẽ đảm bảo linh hoạt hơn và cũng sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn giao cho từng chương trình.

Về quy định tại Khoản 3, về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, đại biểu cho rằng, thực tế đây là giải quyết các khó khăn hiện nay là theo các văn bản quy định thì chưa thống nhất, có những văn bản thì giao cho HĐND, có văn bản lại giao cho UBND và nghị quyết này sẽ giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên cần bổ sung thêm quy định về xử lý chuyển tiếp sao cho hài hòa và không vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Tại khoản 4 quy định về sử dụng ngân sách Nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa cho hoạt động phát triển sản xuất, đại biểu đồng tình với quy định tại điểm b, nếu chủ dự án phát triển sản xuất trực tiếp sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi thì cơ quan quản lý dự án thanh toán trực tiếp chi phí sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi theo giá thị trường tại thời điểm thực hiện dự án hoặc theo mức hỗ trợ theo quy định của HĐND tỉnh.

Đối với trường hợp chủ dự án ký kết hợp đồng mua sắm hàng hóa với bên cung cấp hàng hóa không phải là thành viên tham gia dự án phát triển sản xuất thì dự thảo nghị quyết quy định chủ dự án có văn bản hoặc đơn đề xuất kèm theo bản gốc hợp đồng mua bán có chứng nhận của cơ quan quản lý dự án gửi cơ quan quản lý dự án để thực hiện thanh toán cho bên cung cấp hàng hóa. Được hiểu là cơ quan quản lý phương án sẽ thanh toán trực tiếp cho bên bán hàng theo hợp đồng mua bán và theo hóa đơn, chứng từ.

Đại biểu cho rằng quy định như thế này không thực sự phù hợp. Bởi vì đã thiết lập hợp đồng là quan hệ kinh tế thì việc thanh toán nên giao cho chủ dự án thực hiện. Còn cơ quan quản lý dự án, cơ quan tài chính các cấp chỉ kiểm soát để việc thanh toán ấy đúng theo tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ cũng như theo đúng địa chỉ và theo đúng sản phẩm hàng hóa chủ dự án đã mua.

Đại biểu để nghị: "Chúng tôi đề nghị điều chỉnh nội dung này theo hướng cơ quan quản lý dự án chỉ kiểm soát việc thanh toán bảo đảm theo đúng hội đồng theo đúng nội dung mua bán và theo đúng định mức hỗ trợ mà do HĐND cấp tỉnh quy định chứ không để cơ quan quản lý dự án thực hiện thanh toán cho việc bán hàng như trong dự thảo hiện nay".


Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu thảo luận.

Chọn phương án 1 đối với Khoản 5 quy định về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đại biểu phân tích, trong trường hợp nguồn hỗ trợ của Nhà nước mà dưới 500 triệu đồng thì không quản lý như là tài sản công mà chỉ kiểm soát để bảo đảm nguồn hỗ trợ của Nhà nước này được thực hiện hiệu quả. Thực tế hiện nay, các chương trình mục tiêu quốc gia, rồi các chính sách hỗ trợ của địa phương cũng đều thực hiện theo phương án này, ngay kể cả trong ba chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, nguồn hỗ trợ cho hộ nghèo để làm nhà ở cũng hỗ trợ trực tiếp và không kiểm soát tài sản hình thành từ nguồn vốn Nhà nước.

Thống nhất với các ý kiến phát biểu tham gia quy định tại Khoản 7 về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu cho rằng, việc thực hiện thí điểm trong giai đoạn này là rất cần thiết và nếu việc thí điểm này phát huy hiệu quả rõ rệt thì trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ đưa thành quy định để thực hiện thống nhất trên địa bàn cả nước.

Tại Khoản 8 quy định về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hàng năm đối với dự án đầu tư xây dựng có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, đại biểu Duy cho biết, thực tế tại tỉnh Yên Bái, các dự án phát triển giao thông nông thôn quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, tỉnh chỉ giao tổng nguồn; về cấp huyện, cấp xã tự lựa chọn số lượng dự án, quy mô của dự án cho phù hợp với nguồn vốn được giao và thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật mà cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ban hành. 

"Như thế rất là thuận lợi sau này và phát huy được vai trò của Ban Thanh tra nhân dân. Tuy nhiên, định nghĩa thế nào là kỹ thuật không phức tạp thì cần có hướng dẫn để tránh khi các cơ quan thanh tra, kiểm toán cho rằng như thế không phải là kỹ thuật đơn giản mà thực hiện việc giao tổng nguồn cho các dự án thì có thể dẫn đến vướng mắc trong quá trình phải kiểm tra, thanh tra và giải trình về việc thanh quyết toán” - đại biểu Đỗ Đức Duy nêu ý kiến.

Hoàng Sâm - Quang Tuấn

Tags Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Duy thảo luận mục tiêu quốc gia

Các tin khác
Phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Sáng 18/5, Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức gặp mặt truyền thống, kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái (18/5/1949-18/5/2024).

Vsports U18 thỏa sức đam mê bóng đá cho không ít bạn trẻ Yên Bái

Với sự tham gia của hàng trăm bạn trẻ tuổi học đường và sự ủng hộ của cộng đồng, Giải bóng đá Vsports U18 khu vực Yên Bái đã giúp thanh thiêu niên rèn luyện kỹ năng bóng đá, xây dựng tinh thần đồng đội và sự giao lưu, học hỏi.

Đồng chí Trần Ngọc Luận - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,  Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, tham mưu và phục vụ cấp ủy qua 19 kỳ đại hội, Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái đã luôn nỗ lực, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; trong đó đã có nhiều đổi mới về công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; cải tiến phương pháp làm việc theo hướng khoa học, hiệu quả, nâng cao chất lượng và phù hợp với yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục