Sau khi Nghị quyết số 37 (NQ 37) của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung NQ đến đối tượng cán bộ chủ chốt của tỉnh tại Hội nghị BCH mở rộng.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin tuyên truyền. Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tập trung phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên (CBĐV), đoàn viên, hội viên và nhân dân nhằm hiện thực hóa nội dung NQ 37.
Theo đó, đến hết tháng 8/2021, 100% các chi, đảng bộ cơ sở trong tỉnh đã hoàn thành việc triển khai, quán triệt với tỷ lệ CBĐV tham dự đạt trên 95%. Trong quá trình triển khai thực hiện, BTV các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát nắm tình hình, đôn đốc việc quán triệt, triển khai thực hiện NQ 37 và các nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án của Tỉnh ủy, các chương trình hành động, kế hoạch của cấp mình.
Nhằm cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các nội dung NQ 37, nhất là các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định, BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã ban hành 5 nghị quyết chuyên đề, 1 chỉ thị, 10 quy định, 8 đề án, 4 kế hoạch, chương trình hành động toàn diện về nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm phù hợp với quy định của Trung ương và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của Đảng bộ.
Trong đó, một số nội dung là vấn đề mới, vấn đề khó có tính tiên phong trong cả nước như: Quy định số 09 về trách nhiệm nêu gương của CBĐV; Quy định số 16 về thực hiện văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị, Đề án số 06 về xây dựng Trường Chính trị tỉnh...
Đồng thời, ban hành các quy chế phối hợp bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả, ngoài 4 chỉ tiêu được đánh giá vào cuối nhiệm kỳ, đến nay, đã có 16/25 chỉ tiêu thuộc 8 nhóm chỉ tiêu vượt và đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, 5/25 chỉ tiêu và 1 chỉ tiêu thành phần đang tiếp tục thực hiện.
Cùng với việc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định, chỉ thị của Trung ương Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, kịp thời kiện toàn, duy trì hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo 35; tổ chức thực hiện nghiêm túc Đề án số 03 của BTV Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch giai đoạn 2021 - 2025.
Qua đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ CBĐV được tăng cường, kiên quyết đấu tranh, phản bác hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, thù địch với nhiều cách làm hay, sáng tạo như: Ban Chỉ đạo 35 huyện Lục Yên hàng năm tổ chức chương trình gặp mặt quản trị viên của 13 hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook liên quan đến các hoạt động trên địa bàn huyện, tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật liên quan đến an toàn an ninh mạng; Huyện ủy Văn Chấn thành lập trang thông tin thu hút hàng nghìn lượt người xem, đăng tải nhiều bài viết có ý nghĩa tạo sức lan tỏa về những việc làm thiện nguyện, về giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là cho giới trẻ; thường xuyên đưa tin, bài viết, hình ảnh đẹp về đất và người Văn Chấn, góp phần định hướng dư luận, phục vụ hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền của địa phương...
Định kỳ hàng tháng, rà soát tiến độ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của các nghị quyết gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm, đánh giá đúng kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, bảo đảm nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống. Theo đó, nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên.
Trên cơ sở Quy chế làm việc của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã kịp thời xây dựng quy chế làm việc của cấp mình và quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc. Ban hành các quy chế phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao hằng năm; khơi dậy tinh thần chủ động, đổi mới, năng động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc theo cơ chế "Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể với yêu cầu về tiến độ, thời gian hoàn thành và chất lượng, sản phẩm cần đạt được.
Qua đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị được thực hiện thường xuyên; nội dung, phương thức, chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với CBĐV và nhân dân ngày càng được nâng lên. Căn cứ Quy định số 08 của BTV Tỉnh ủy về việc bí thư, phó bí thư, ủy viên BTV, cấp ủy viên các cấp dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; Kế hoạch số 48 của BTV Tỉnh ủy về việc tổ chức thực hiện Chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn tỉnh đã cụ thể hóa bằng các quy định, hướng dẫn, kế hoạch để triển khai thực hiện ở cấp mình. Kết quả, sau 2 năm đã có 7.010 lượt các đồng chí là bí thư, phó bí thư, ủy viên BTV, ủy viên BCH, đại biểu HĐND các cấp; 61.008 lượt các đồng chí là đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, thành viên đoàn công tác cấp tỉnh, cấp huyện dự sinh hoạt tại các tổ chức đảng trong toàn tỉnh.
Qua đó, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; đồng thời, giám sát tốt việc thực hiện nhiệm vụ và nắm chắc tình hình ngay từ cơ sở, nhất là ở thôn, bản, tổ dân phố; nền nếp, chế độ, nội dung, hình thức, chất lượng sinh hoạt của nhiều chi bộ đã có chuyển biến tích cực, phù hợp, hiệu quả; nội dung, chuyên đề sinh hoạt gắn với nội dung công tác lãnh đạo thưc hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 51 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 11 về "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái", từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của đảng viên về việc chuyển đổi số trong các lĩnh vực công tác và đời sống; giúp đảng viên tiếp cận, nghiên cứu, học tập các nghị quyết, cập nhật kịp thời, chính xác những thông tin thời sự của Đảng, Nhà nước và của địa phương.
Đến nay, đã có 1.299/2.903 chi bộ thuộc 8/12 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh thí điểm triển khai, sử dụng ứng dụng nền tảng số trong sinh hoạt. Nổi bật là các đảng bộ: thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai thực hiện tại 100% chi bộ. Đây là giải pháp mới vừa thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, đi đầu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên về chuyển đổi số vừa khẳng định sự quyết tâm đưa nhiệm vụ chuyển đổi số vào công tác Đảng trong tỉnh và là điều kiện quan trọng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ.
Thực tế triển khai thực hiện các chỉ thị, quy định, kết luận, hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh ủy về đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ cho thấy, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình về yêu cầu đối với chất lượng sinh hoạt; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn về nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt của từng loại hình tổ chức đảng; duy trì và thực hiện nền nếp việc sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ trên cơ sở thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện nghiêm việc đánh giá, chấm điểm sinh hoạt chi bộ theo thang điểm cụ thể làm cơ sở để cuối năm đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng. Chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ, sinh hoạt chuyên đề có chuyển biến tích cực, nhất là chi bộ thôn, bản, tổ dân phố, đơn vị lực lượng vũ trang.
Tinh thần trách nhiệm, phương pháp điều hành, kỹ năng tổ chức sinh hoạt của nhiều bí thư cấp ủy có tiến bộ, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng đơn điệu, hình thức, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt; nâng cao nhận thức cho đội ngũ đảng viên, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Thanh Hương