Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024)

Đóng góp của quân và dân Yên Bái trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/4/2024 | 7:18:28 AM

YênBái - Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn, kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nhân dân Yên Bái tự hào vì đã đóng góp được 29 vạn tấn lương thực, 15 vạn tấn thực phẩm; tiễn đưa gần 25.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 4 tiểu đoàn mang tên Yên Ninh tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam.

Thanh niên miền Bắc, trong đó có thanh niên Yên Bái hưởng ứng Phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. (Ảnh: T.L)
Thanh niên miền Bắc, trong đó có thanh niên Yên Bái hưởng ứng Phong trào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. (Ảnh: T.L)

Giữa những ngày tháng 4 lịch sử này, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đang ra sức thi đua lao động, sản xuất, lập nhiều thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024). Trong không khí vui tươi phấn khởi ấy, mỗi người dân Yên Bái lại bồi hồi nhớ về những năm tháng hào hùng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của cả dân tộc.

Với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", trong những năm tháng hào hùng ấy, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, tập trung sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử 30/4 vô cùng oanh liệt, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất giang sơn, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Những ngày cuối năm 1967, cả miền Bắc dồn sức chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên mọi nẻo đường ra trận, những đoàn xe phủ xanh ngụy trang lăn bánh đưa vào Nam các binh đoàn chủ lực và hàng vạn tấn vũ khí, vật chất, trong số đó có những người con ra đi từ quê hương Yên Bái, với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Trước yêu cầu của chiến trường, ngoài nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và củng cố xây dựng lực lượng, Yên Bái lúc này còn được giao nhiệm vụ tổ chức, xây dựng các tiểu đoàn huấn luyện quân đi B. Nhiệm vụ mới mẻ, khẩn trương, tỉnh phải rút cán bộ từ cơ quan tỉnh và các đơn vị để thành lập Tiểu đoàn Yên Ninh 1 (tháng 6/1967); mặt khác, gấp rút tổ chức tuyển quân. Trong thời gian ngắn đã tiếp nhận 600 tân binh.

Sau 3 tháng học tập, huấn luyện tiểu đoàn hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và trong một thời gian không dài, toàn tỉnh đã có 3.345 thanh niên lên đường nhập ngũ. Sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, không ngừng tăng cường củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) ngày càng lớn mạnh với 32.880 người; nâng cao chất lượng mọi mặt của lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng và củng cố hậu phương ngày càng vững mạnh.

Tại các địa bàn trọng điểm, ngoài bộ đội chủ lực, tỉnh đã tổ chức 90 trận địa trực chiến của DQTV. Từ tháng 2/1968 - 6/1968, tỉnh liên tiếp thành lập các Tiểu đoàn Yên Ninh 2, 3, 4 để kịp thời chi viện cho chiến trường tại Long An, Thừa Thiên - Huế và miền Đông. Vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, vừa xây dựng và củng cố hậu phương, với truyền thống đoàn kết, kiên cường chống giặc ngoại xâm, quân và dân Yên Bái đã giành được nhiều thắng lợi to lớn. Lực lượng vũ trang đã đánh thắng ngay từ trận đầu, đã bắn rơi 99 máy bay các loại của đế quốc Mỹ, bắt sống nhiều tên giặc lái.

Trên mặt trận sản xuất, toàn tỉnh đã kịp thời chuyển các hoạt động kinh tế từ thời bình sang thời chiến, bảo vệ và xây dựng thêm một số cơ sở kỹ thuật, thực hiện khẩu hiệu "Tay cày, tay súng", "Tay búa, tay súng", duy trì sản xuất ổn định đời sống tinh thần cho nhân dân; sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế vẫn giữ vững và có bước phát triển.

Ngay sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, quân và dân Yên Bái vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, vừa ra sức củng cố quốc phòng, không ngừng chi viện sức người, sức của cho miền Nam, làm tròn trách nhiệm của hậu phương đối với tiền tuyến lớn. Tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua "Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang", "Phụ lão ba giỏi", góp phần động viên con em tòng quân giết giặc.

Điển hình như Phong trào "Thanh niên Văn Chấn mở hội tòng quân cứu nước" ... đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp và có sức lan toả trong toàn tỉnh. Năm 1972, trước tình hình địch đánh phá trở lại miền Bắc, Đảng bộ tỉnh kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triệt để sơ tán nhân dân ở các khu vực, mục tiêu trọng điểm, kiểm tra chặt chẽ nghiêm ngặt công tác phòng không và công tác sẵn sàng chiến đấu, huy động 1.200.000 ngày công của nhân dân đào 77.244 hầm, 25.937 m giao thông hào, tiêu biểu là nhân dân các xã Nam Cường, Nga Quán, Tuy Lộc, Cường Thịnh được giao nhiệm vụ chiến đấu và phối hợp với bộ đội chiến đấu tại Sân bay Yên Bái. Các trận địa phòng không của ta bắn rơi một máy bay F4, tự vệ Nhà máy Z1 bắn rơi một chiếc F4. 

Qua 7 tháng kiên cường chiến đấu, quân và dân Yên Bái đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Trong 3 năm (1971 - 1973), tỉnh đã có 7.336 thanh niên tham gia quân đội. Đầu năm 1975, do yêu cầu của chiến trường, Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng bổ sung cho bộ đội thường trực. Các cấp, các ngành theo chức năng tổ chức đợt vận động thanh niên tòng quân, kết hợp với thực hiện phong trào toàn dân bàn việc đánh Mỹ, toàn dân tham gia ý kiến bình cử người đi bộ đội. 

Kết quả, đã huy động 1.869 thanh niên nhập ngũ, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, quân và dân Yên Bái đã góp phần cùng với quân và dân  cả nước đã thực hiện xuất sắc "Di chúc” của Bác Hồ "Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà". 

49 mùa xuân đã đi qua nhưng dư âm của những chiến thắng oanh liệt đó vẫn đang là động lực tinh thần to lớn cổ vũ, khích lệ nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cùng chung sức, đồng lòng, đoàn kết, ra sức thi đua phấn đấu lao động, học tập, cống hiến chung tay xây dựng một Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái kháng chiến chống Mỹ Tiểu đoàn Yên Ninh

Các tin khác

Ngày 20/5/2024, Quốc hội đã thông qua nghị quyết bầu ông Trần Thanh Mẫn giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu nhậm chức.

Phát biểu nhậm chức sau khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội, ông Trần Thanh Mẫn chia sẻ đây là niềm vinh dự to lớn, đồng thời là trách nhiệm cao cả của ông trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức.

Chiều 20/5, ngay sau khi Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết về việc bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV, ông Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức theo quy định.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Sáng 20/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục