Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", "Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng".
Tiếp tục khẳng định vai trò của cán bộ và công tác cán bộ giai đoạn hiện nay, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, "Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ" lần đầu tiên được nhắc đến với tư cách là nội dung thứ năm nhằm tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh hơn nữa vị trí, vai trò của cán bộ và công tác cán bộ mà Đảng ta đã vốn coi là "nhiệm vụ then chốt của then chốt".
Thấm nhuần các quan điểm trên, những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Yên Bái, Huyện ủy Văn Yên đã có nhiều giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là việc điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ từ huyện về cơ sở; giữa các phòng, ban đã tạo nên một luồng gió mới, đưa đất quế phát triển lên một tầm cao mới.
Cũng như câu chuyện của Bí thư Đỗ Cao Quyền ở xã Mỏ Vàng, tháng 7/2022, đồng chí Lê Hoàn - Phó phòng Nội vụ huyện được Huyện ủy điều động đến xã Đại Sơn công tác và giữ chức Chủ tịch UBND xã.
Chủ tịch UBND xã Lê Hoàn chia sẻ: "Sau nhận nhiệm vụ mới, tôi cùng tập thể lãnh đạo UBND xã tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ xã rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025, sửa đổi, ban hành lại quy chế hoạt động của UBND xã, điều chỉnh phân công lại một số nhiệm vụ của công chức xã theo quy định tại Nghị định 34 của Chính phủ; thường xuyên gặp mặt, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ những già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để có các giải pháp, cách làm phù hợp với điều kiện địa phương”.
Đặc biệt, khi Chủ tịch Hoàn về xã, nhiệm vụ chính trị được giao là Đại Sơn phải hoàn thành cán đích nông thôn mới (NTM) vào tháng 12/2023, trong khi đây là 1 trong 10 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện: địa hình 70% đồi núi, dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn. Khi triển khai xây dựng NTM, không ít cán cán bộ, công chức xã, cán bộ thôn còn nhiều bỡ ngỡ dẫn đến việc nắm bắt các thông tin và cách thức triển khai xây dựng các tiêu chí còn nhiều lúng túng; một bộ phận nhỏ người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý chí tự lực vươn lên.
Đặc biệt trong xây dựng NTM, tiêu chí số 2 về giao thông với xã là khó nhất. Theo tiêu chí này, tỷ lệ đường thôn, bản và đường liên thôn, bản ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm (100% được cứng hóa, trong đó tối thiểu 70% được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo chiều rộng nền đường tối thiểu 4m, mặt đường tối thiểu 3,0m).
Theo Chủ tịch Hoàn, đây là một tiêu chí khó. Đơn cử như tuyến đường trục liên thôn đi từ thôn Khe Phầy vào thôn Làng Bang rất khó khăn, hiện trạng giai đoạn trước năm 2022, nền đường chỉ đủ đi được xe máy (rộng 1,5m), trời mưa không đi được, các cán bộ, công chức xã lên thôn làm việc là phải mang theo quần áo đi, 2 -3 hôm sau mới về.
"Tuyến này dài 13,1 km, để đảm bảo hoàn thành được tỷ lệ 70% được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo chiều rộng nền đường tối thiểu 4m, mặt đường tối thiểu 3,0m), tôi đã tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ xã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Tân Hợp hỗ trợ toàn bộ phần mở rộng nền đường từ 1,5 - 5 m".
Hơn nữa, 13 km của tuyến đường hầu hết đi vào diện tích quế của dân từ 5 -10 tuổi. Chủ tịch Hoàn đã chủ động, phối hợp, chỉ đạo MTTQ, các ngành, đoàn thể, nhất là vai trò của trưởng thôn, bí thư chi bộ, người có uy tín trong đồng bào Dao để tuyên tuyền, vận động người dân tự nguyện hiến đất làm đường. Sau hơn 1 năm, nhân dân đã chủ động hiến đất để phần nền đường mở rộng ra 5 m. Bằng nguồn vốn giao thông nông thôn hằng năm từ 2022- 2024 và các nguồn vốn xã hội hóa, xã đã bê tông hóa được 10/13,1 km tuyến đường này vừa đảm bảo đi lại phát triển kinh tế - xã hội cho nhân dân thôn Làng Bang mà còn góp phần quan trọng giúp xã hoàn thành tiêu chí 2 về giao thông theo chuẩn NTM.
Với trình độ kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cao cấp lý luận chính trị, chỉ trong thời gian ngắn, Chủ tịch Hoàn đã tìm hiểu và nắm bắt thực trạng của địa phương và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp thực tế cùng với tập thể lãnh đạo UBND xã tham mưu cho Đảng ủy, kết hợp các nguồn lực của Nhà nước, sự cộng hưởng tích cực của nhân dân và cán bộ để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các năm 2022, 2023, đặc biệt là đưa Đại Sơn về đích NTM vào cuối năm 2023.
Hiện nay, không chỉ đội ngũ cán bộ ở 100% xã, thị trấn đang phát huy được năng lực, sở trưởng, "đều tay xoay việc" mà cán bộ ở các phòng, ban của huyện Văn Yên đang nêu cao tinh thần "đã nói là làm”, "đã làm là có kết quả”, "chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tránh việc họp hành xong để đấy, nói nhiều làm ít mà biết "biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể". Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện là một ví dụ như thế.
Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp UBND huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực: quy hoạch xây dựng, kiến trúc, hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, công sở, vật liệu xây dựng, giao thông vận tải, công thương, khoa học- công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn, trong những năm qua, 8 cán bộ của Phòng Kinh tế và Hạ tầng luôn vượt khó hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ, nhất là từ 2021 đến nay, Văn Yên đang phấn đấu đạt huyện nông thôn mới.
Bà Nguyễn Bích Thảo - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện khẳng định: "Để hoàn thành 5 tiêu chí chính trong bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM và 4 tiêu chí trong bộ tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, cán bộ của Phòng, nhất là người đứng đầu luôn nâng cao ý thức tự rèn luyện, học tập để đáp ứng yêu cầu công việc. Trong đó, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao, Phòng phân công rõ người, rõ việc, có hướng dẫn, có kiểm tra, có đôn đốc, có đánh giá kết quả theo tháng, quý, năm nên công việc luôn trôi chảy”.
Cùng với sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, thời gian qua, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đã kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình thực hiện và phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ nên đạt nhiều kết quả. Nổi bật là tham mưu kiên cố hóa giao thông nông thôn được 398,52km, vượt 13,86% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; thu hút đầu tư hoạt động sản xuất 2 cụm công nghiệp, nâng tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 74%, trong đó có 2 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài đầu tư công nghệ sạch...
Bước vào thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, cũng như nhiều địa phương khác, Đảng bộ huyện Văn Yên gặp không ít khó khăn và thách thức khi bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Song cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện đã nỗ lực khắc phục khó khăn thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra.
Đến nay, toàn huyện có 20/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết quý III năm 2024, 100% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới (về đích trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra); thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu/năm; tỉ lệ hộ nghèo còn chiếm 6,93%.
Nhiều năm liền, Văn Yên đứng trong top 1 bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện. Đảng bộ 3 năm liên tục được xếp loại Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2023, huyện Văn Yên là 1 trong 2 địa phương dẫn đầu về kết quả thực hiện Chương trình hành động 135 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện vụ chính trị của năm đã đạt thưởng ở mức cao nhất (mức 10) và là 1 trong 9 đơn vị, địa phương được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước.
Bí thư Huyện ủy Luyện Hữu Chung cho biết: "Đạt được những thành tựu đó, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút mọi nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; kịp thời cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn địa phương. Đặc biệt, phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở nói chung và đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp cơ sở nói riêng, nhất là đội ngũ cán bộ được luân chuyển từ huyện về cơ sở”.
Hiện toàn huyện Văn Yên có 636 cán bộ, công chức, trong đó cấp huyện 140 cán bộ ( cán bộ có trình độ Thạc sỹ chiếm 29,3%, Đại học 70,7%); cấp xã 496 cán bộ ( cán bộ có trình độ Thạc sỹ chiếm 2,2%; Đại học 91,5%; Cao đẳng, trung cấp 6,3%)
|
Xác định công tác điều động, luân chuyển cán bộ là một trong những việc quan trọng, thường xuyên của công tác tổ chức cán bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, huyện Văn Yên đã thực hiện luân chuyển, điều động đối với 57 lượt cán bộ, trong đó từ huyện về xã 7 đồng chí; xã lên huyện 2 đồng chí; từ xã sang xã 26 đồng chí; điều động giữa các cơ quan, đơn vị 22 cán bộ. 100% cán bộ, công chức điều động, luân chuyển đều được phân công giữ chức vụ cao hơn hoặc tương đương. Cùng với đó, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp về chủ trương bí thư hoặc chủ tịch UBND xã, thị trấn không phải là người địa phương, đến nay cả 25/25 xã, thị trấn của huyện Văn Yên đều đã thực hiện.
Kết quả đến nay, việc điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ từ huyện về cơ sở trên địa bàn huyện Văn Yên đã phát huy hiệu quả, khi hầu hết cán bộ đã nhanh chóng tiếp cận với môi trường làm việc mới, nắm bắt những bất cập, nguyện vọng chính đáng của người dân. Từ đó, cùng với cấp ủy địa phương đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Đặc biệt, thông qua việc điều động, luân chuyển đã làm thay đổi tư duy và nhận thức của đại đa số cán bộ cơ sở, không còn tình trạng cục bộ, bè phái. Thực tế cho thấy, nhờ thực hiện tốt công này, gắn với quy hoạch, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc đã tạo sự thay đổi trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Vì vậy, phần lớn cán bộ sau thời gian luân chuyển, điều động đều trưởng thành rõ rệt về mọi mặt, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.
Có thể khẳng định, những cán bộ được Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn, bố trí luân chuyển đa phần là cán bộ trẻ, có chuyên môn, kinh nghiệm công tác nên khi được luân chuyển về địa phương, đã phát huy được trình độ, năng lực và sở trường công tác của bản thân; quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; có tinh thần trách nhiệm cao; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lãnh đạo đảng bộ, chính quyền và nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn thể, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền ở địa phương.
Đó cũng cơ sở, tiền đề vững chắc để huyện Văn Yên tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; đủ về số lượng, có chất lượng, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ theo hướng "Cán bộ đều tay, công việc trôi chảy”, để cùng với các địa phương khác, quyết tâm xây dựng Yên Bái thành tỉnh phát triển khá trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới.
Văn Tuấn