Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo, nhà khoa học với nhiều tác phẩm mang tầm chiến lược, có giá trị thực tiễn, thể hiện tư duy sắc bén, nhãn quan chính trị, tầm nhìn sâu rộng của người đứng đầu Đảng ta về nhiều vấn đề trọng đại của đất nước.
Trong đó, có một tác phẩm đặc biệt, tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (ra mắt ngày 9/2/2022)”. Tác phẩm đã tổng kết lý luận về đường lối đổi mới, những phát triển sáng tạo riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời trong tác phẩm, Tổng Bí thư chỉ rõ con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội và tương lai của đất nước.
Tác phẩm gây tiếng vang rất lớn
Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể từ khi chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến nay về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Tác phẩm đã đề cập các vấn đề chung cũng như các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hoá, con người; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tác phẩm với cách viết chính luận, logic, quyết liệt, thẳng thắn nhưng rất dung dị, dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, truyền cảm hứng cho người đọc.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, tác phẩm khẳng định chủ trương đúng đắn từ khi Đảng ta ra đời với quan điểm giải phóng dân tộc, làm cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, người cày có ruộng, chúng ta đã giành được độc lập dân tộc. Cho nên trong tác phẩm này, Tổng Bí thư nhắc đi nhắc lại rằng, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.
Tổng Bí thư cũng đưa ra dẫn chứng rất rõ ràng, từ một đất nước mà cách đây khoảng 40 năm tỷ lệ hộ nghèo đói trên 50- 60%, bây giờ là dưới 3% theo chuẩn mới. Từ đất nước bị bao vây cấm vận, nghèo nàn lạc hậu, bây giờ tổng GDP của chúng ta là 430 tỷ USD, GDP đầu người cũng rất cao, bắt đầu bước vào thu nhập trung bình.
Đặc biệt, trong ngoại giao, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 193/193 thành viên Liên Hợp Quốc, làm ăn kinh tế với hơn 220 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những số liệu ấy đã được chứng minh, vì thế tác phẩm vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn rất cao. Qua đó khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn.
"Tác phẩm thực sự là một công trình khoa học, là thông điệp mà Tổng Bí thư với tư cách là người đứng đầu Đảng ta gửi cho nhân dân, cho hệ thống chính trị và nhân dân thế giới về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với những nhiệm vụ quan trọng, chiến lược để thực hiện con đường đó thành công trên đất nước này. Cho nên tác phẩm gây tiếng vang rất lớn. Qua tác phẩm, bạn bè quốc tế hiểu về đường lối phát triển của đất nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng", ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Không xa lạ và ai cũng có thể hiểu
Tác phẩm là kết tinh trí tuệ sâu sắc, kế thừa qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tiến sĩ Bùi Nghĩa, Phó Trưởng Khoa Xã hội học và phát triển, Học viện Chính trị Khu vực II cho rằng, tác phẩm này của Tổng Bí thư vừa là kim chỉ nam vừa là phương châm, ở tầm chiến lược, tầm chính sách, tầm kế hoạch lớn. Nội dung tác phẩm đề cập vấn đề lý luận ở tầm rộng lớn nhưng cũng rất cụ thể, rất chi tiết. Ở đó, mỗi đảng viên, kể cả quần chúng cũng có thể thấu hiểu được.
Khi đảng viên, quần chúng nhìn thấy được, hiểu được thì sẽ hành động một cách tốt nhất, đáp ứng câu Tổng Bí thư đã nói "Nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng”, tạo nên một thể thống nhất, tạo nên sự đoàn kết.
"Đại hội XIII đã đề ra, phấn đấu đến 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập Nước, chúng ta có thu nhập ở mức khá trở lên. Cao hơn nữa, xã hội đồng thuận, cuộc sống không chỉ dừng lại ở câu chuyện nhiều tiền nhiều bạc, đời sống vật chất khá lên, mà tạo nên sự đoàn kết xã hội. 100 triệu dân Việt Nam không đơn thuần về số lượng mà là mối quan hệ giữa 100 triệu dân của các dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội đều có mẫu số chung là "đoàn kết". Cùng nhau đoàn kết, cùng nhau là một, cùng nhau hiểu theo đúng nghĩa của khái niệm "đồng bào”, "đồng chí”", ông Bùi Nghĩa cho biết.
Theo TS Trịnh Đăng Khoa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, tác phẩm của Tổng Bí thư đã đề cập vấn đề lý luận vĩ mô một cách rất cụ thể. Qua đó, các Đảng ủy, chi bộ, mỗi đảng viên và người dân có thể hiểu và góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Đảng ta.
"Chủ nghĩa xã hội không mơ hồ mà là một đích đến. Để đi được đến đích thì hành động của chúng ta phải giữ vững lý tưởng như quan điểm ban đầu đặt ra. Những đúc kết thực tiễn từ cuốn sách rất quan trọng, khẳng định một lần nữa Việt Nam đang đi đúng đường", ông Trịnh Đăng Khoa cho biết.
Cũng theo ông Trịnh Đăng Khoa, vẫn có những dư luận, phản ứng ngược chiều khiến một số người cảm thấy hoang mang về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng khi đọc cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi người đều thấy rằng chúng ta đang đi đúng, không có gì hoang mang, với mô hình lý tưởng, mục tiêu đang đi đến chứ không phải mô hình có sẵn mà chúng ta đang đi theo.
Tác phẩm có ý nghĩa quốc tế
Tác phẩm của Tổng Bí thư được dịch ra nhiều thứ tiếng, được nhân dân đón nhận, các nhà nghiên cứu đánh giá cao về tư duy sắc bén, về tổng kết lý luận và đề ra chiến lược đối với vấn đề trọng đại của đất nước.
Truyền thông đã trích dẫn rất nhiều phát biểu của các chính khách trên thế giới, kể cả của quan điểm của Mỹ và nhiều chính khách, học giả còn khuyên các nước nên học tập con đường Việt Nam. Vì họ nhìn thấy một điều rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Điều mà chủ nghĩa xã hội Việt Nam đang đạt được, đang hướng tới chính là chân- thiện- mỹ- nhân đạo- phát triển vì con người. Cho nên, đây là một con đường đúng cho tất cả các nước chứ không riêng Việt Nam.
Một trong những nổi bật của tác phẩm này là khẳng định "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một luận điểm đúng đắn, vừa phù hợp với xu thế phát triển của loài người nhưng đồng thời chịu sự chi phối về bản chất và tính chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đi lên chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có gì là khiên cưỡng.
Nhiều nhà nghiên cứu của nước ngoài cho rằng, đã là kinh tế thị trường là tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường không thể tồn tại trong chủ nghĩa xã hội được, thì Tổng Bí thư đã chỉ ra rất rõ về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hiểu như thế nào. Đó là một nền kinh tế thị trường hiện đại, đồng bộ, tiếp thu những quy luật chung của thế giới và hướng đến một đất nước phát triển.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, Tổng Bí thư đã chỉ ra đây là một đột phá về mặt lý luận. Kinh tế thị trường ở Việt Nam chịu sự chi phối bởi tính chất chủ nghĩa xã hội và những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Vì thế kinh tế thị trường Việt Nam không phải lợi nhuận bằng mọi giá.
Trong tác phẩm này, Tổng Bí thư nói rất rõ: Chúng ta cần một xã hội mà ở đó thật sự phát triển vì con người chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột, chà đạp phẩm giá con người. Chủ nghĩa xã hội này là phục vụ đại đa số con người chứ không phải đi vào phục vụ một số ít người.
"Đó là những quan điểm rất lớn, rất chung mà bạn bè quốc tế tìm kiếm được một lý thuyết phát triển cho đất nước của họ trong điều kiện từ bài học của Việt Nam. Đây là một ý nghĩa rất lớn về mặt quốc tế của tác phẩm này", ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết.
Theo Đại tá Phan Tùng Sơn, Trưởng Ban đại diện Báo Quân đội nhân dân tại TP.HCM, việc cuốn sách đã được xuất bản bằng 8 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh, Trung Quốc, Lào, Nga, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan, cho thấy tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của cuốn sách không chỉ đối với Việt Nam mà lan tỏa đến các nước trên thế giới với mục đích để cho quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam vươn tầm ra thế giới.
"Cuốn sách vươn tầm ra với bạn bè quốc tế như là một sứ giả để chúng ta đẩy mạnh việc quảng bá về văn hóa, con người Việt Nam, nâng tầm vị thế của dân tộc Việt Nam, của đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Giúp bạn bè quốc tế, bạn đọc trong và ngoài nước và kiều bào ở nước ngoài hiểu thêm, hiểu sâu sắc hơn về đất nước, con người, về đường lối chính trị, về văn hóa, về sự nghiệp đổi mới và phát triển của chúng ta", ông Phan Tùng Sơn cho biết.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng tác phẩm "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của ông đã khẳng định vai trò của chủ nghĩa xã hội hiện thực, khẳng định chủ nghĩa xã hội là xu thế phát triển của lịch sử loài người.
"Ði lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” trong thời đại của chúng ta.
(Theo VOV)