Năm 1950, khi hồi tưởng lại những ngày sôi động của cuộc cách mạng vĩ đại tháng Tám năm 1945, nhà cách mạng Nguyễn Văn Nguyễn, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ đã viết:
"Chính Đảng của Nguyễn Ái Quốc từ trong lòng người, xuất hiện ra từ ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, hòa lẫn với đất trời Việt Nam… Cách mạng tháng Tám được nghiền ngẫm, tưởng tượng, mơ mộng, ao ước, hy vọng trong nhà tù, trong trại giam, trong rừng thẳm, trong hang núi. Chết khô, chết đói, chết lạnh, chết súng, chết gươm.
Cuộc đời tràn ngập nơi họ nhiều quá nên họ khinh cái chết. Họ phải khinh vào cái chết và đời sống của họ là kỷ luật. Kẻ thù săn bắt, tra tấn, tù đày, giết mòn, giết tại trận. Giết họ thì được nhưng không thể giết được kỷ luật của Đảng họ. Kỷ luật của Đảng Nguyễn Ái Quốc đã thắng tất cả. Họ ở trong trái tim của một anh hùng mãi mãi, vô địch trong thời gian và không gian. Ấy là nhân dân”.
Chính niềm tin ấy đã nung nấu trong lòng bao thế hệ người Việt Nam để bùng lên thành sức mạnh tạo nên thành công nhanh chóng của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tin vào ngày toàn thắng của dân tộc
Kể từ năm 1858, khi tiếng súng xâm lăng của thực dân Pháp và Iphanho (Tây Ban Nha) bắn vào cửa biển Đà Nẵng cho đến năm 1945 là gần 80 năm.
Trong gần 80 năm ấy, biết bao những lớp người Việt Nam yêu nước đã không chịu kiếp nô lệ vùng lên chống lại quân thù. Khi một lãnh tụ nào đó – dù theo con đường nào – ra lời hiệu triệu chống xâm lăng đều được đông đảo người dân hưởng ứng. Tất cả các phong trào yêu nước của cha ông chúng ta khi ấy đều lần lượt thất bại, biết bao người yêu nước lần lượt ngã xuống, lớp lớp các bậc cha anh nối nhau vào nhà tù của thực dân, đế quốc, nối nhau ra pháp trường…
Niềm tin của người dân vào các phong trào ấy dần phai nhạt, đến mức lịch sử đã phải sử dụng hình ảnh con đường cách mạng Việt Nam khi ấy đen tối như không có đường ra.
Giữa bối cảnh khủng hoảng niềm tin vào con đường cứu nước trước những năm 1930 của thế kỷ 20, chính Đảng của Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Trong Tháng Tám trời mạnh thu, nhà văn, nhà báo tài hoa Nguyễn Văn Nguyễn đã viết: "Từ lâu và từ lâu, ở nhà trường, công xưởng, ở đồn điền, ở đồng ruộng, người ta thì thầm một cái tên, đập nhịp theo trái tim của người ta: Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc ở trong lòng của mỗi người nô lệ”.
Niềm tin này đã đi theo những lớp người Việt Nam khi ấy làm cho họ coi khinh cả cái chết, bởi trong sâu thẳm lòng họ, họ tin vào ngày toàn thắng của dân tộc.
Cũng bởi tin vào ngày toàn thắng của dân tộc nên trước khi qua đời ở tuổi 27 sau khi chịu cực hình tra tấn của thực dân Pháp, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Cũng chính niềm tin ấy mà Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Lê Hồng Phong trước khi trút hơi thở cuối cùng ở nhà tù Côn Đảo cũng đã nhắn nhủ: "Tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước được truyền đi khắp nơi trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Ảnh tư liệu
Như thế, niềm tin vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tin vào chính Đảng sẽ mang lại độc lập tự do cho dân tộc đã thôi thúc và truyền thêm sức mạnh để những lớp người Việt Nam khi ấy nhất tề đứng lên. Nếu không có niềm tin ấy, chắc chắn, cuộc Cách mạng tháng Tám không thể thành công nhanh chóng.
Nếu tính từ khi lệnh tổng khởi nghĩa được ban ra cho đến khi cuộc cách mạng thành công trên cả nước, thời gian chỉ diễn ra trong mười mấy ngày. Tin vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc, thể theo khát vọng và niềm tin của người dân nên vua Bảo Đại cũng đã nhanh chóng chấp nhận thoái vị để trao quyền cho chính phủ dân chủ cộng hoà với tuyên bố nổi tiếng: "Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị”.
Với niềm tin vào sức mạnh của nhân dân, tin vào chính nghĩa của dân tộc nên nhiều quan lại của triều đình nhà Nguyễn đã tự động đứng về phía nhân dân. Tin vào dân tộc, tin vào Mặt trận Việt Minh, vào những nhà lãnh đạo của Việt Minh nên nhiều gia đình giàu có của đất nước khi ấy đã không tiếc tài sản, sẵn sàng đóng góp, ủng hộ rất lớn cho cách mạng…
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình vang lên lời Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thế giới về sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Hàng chục vạn người với cờ hoa khoe sắc, băng rôn, khẩu hiệu thể hiện tinh thần của người dân Việt Nam ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Ảnh tư liệu
‘Mất niềm tin của dân là mất tất cả’
Người dân Việt Nam có cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề vốn đơn giản. Các chủ trương của Đảng phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng chắc chắn người dân sẽ tin và đi theo Đảng.
Đối với Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Vì vậy các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đều được thể chế hoá, cụ thể hoá thành chính sách, pháp luật.
Các chính sách, pháp luật thúc đẩy xã hội phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân thì chắc chắn người dân sẽ tin, tuân thủ thực hiện. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của nhà nước thực hiện việc công một cách minh bạch, dân chủ, tôn trọng người dân sẽ làm cho người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức.
Những năm qua, nhất là từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, mọi mặt của đời sống xã hội đã ngày càng đổi thay theo chiều hướng tích cực. Các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước đã thúc đẩy kinh tế phát triển - xã hội giữ được ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
Tất cả những thành tựu ấy đã củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng, vào chế độ.
Khi bộ máy Đảng, nhà nước xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực, nhất là tình trạng tham nhũng, lãng phí, Đảng đã tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công cuộc phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, việc nói đi đôi với làm trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã làm cho nhân dân vững tin vào Đảng.
Phải khẳng định rằng chính đường lối đúng đắn đã quy tụ và phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc làm nên chiến thắng vĩ đại của Đảng, dân tộc ta. Lúc sinh tiền, trong một lần tiếp xúc cử tri, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Làm việc gì hợp lòng dân thì mới thành công, mất niềm tin của dân là mất tất cả”.
Niềm tin của dân nhìn từ Cách mạng tháng Tám
Đường phố Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa đón mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: TTXVN
Mới đây, khi được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu sau đó đã khẳng định Đảng cần huy động toàn bộ trí tuệ của dân tộc vào công cuộc xây dựng đất nước.
Một Đảng cho dù có sức mạnh tới đâu cũng không phải là toàn bộ dân chúng, một chính Đảng mạnh là một chính Đảng biết tập hợp sức mạnh đại đoàn kết, khai mở sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân.
Trong Cách mạng tháng Tám, Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, trong đó có nhiều người vẫn còn đang bị giam cầm trong các nhà tù thực dân, đế quốc. Song sở dĩ cuộc Cách mạng tháng Tám thành công nhanh chóng là nhờ ở đường lối đúng đắn của Mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chỉ sau ngày công bố Tuyên ngôn độc lập đúng một tháng rưỡi, trong "Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Trong bối cảnh hiện nay, dù đất nước đã đạt nhiều thành tựu lớn, song vẫn còn đó những khó khăn, bất cập mà các nghị quyết của Đảng gần đây đã thẳng thắn chỉ ra. Để dân tin, chắc chắn Đảng cần nhận thức rõ những khó khăn, bất cập hiện nay, tìm ra nguyên nhân để đề ra các giải pháp phù hợp. Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám cũng nhắc nhở chúng ta về điều ấy.
(Theo PLO)