70 năm sau ngày Giải phóng: Hà Nội đang đứng trước cơ hội vươn mình, bứt phá

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/10/2024 | 7:42:30 AM

Nhìn lại 70 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển, người dân Hà Nội và nhân dân cả nước càng có quyền tự hào về Hà Nội yêu dấu, Thủ đô văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

70 năm sau ngày Giải phóng, Hà Nội đã trở thành một đô thị hiện đại mang tầm vóc quốc tế.
70 năm sau ngày Giải phóng, Hà Nội đã trở thành một đô thị hiện đại mang tầm vóc quốc tế.

70 năm kể từ ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Hà Nội đã vững vàng vượt qua bao gian lao, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị, viết lên trang sử hào hùng, ghi dấu son trên bản đồ thủ đô các nước trên thế giới. Bạn bè quốc tế ngày nay biết đến Hà Nội và vinh danh Hà Nội là "thành phố vì hoà bình”, "thành phố sáng tạo”…

Với tầm nhìn và tư duy mới, Hà Nội đang đứng trước những vận hội lớn để phát triển mạnh mẽ thành một Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới và trở thành thành phố toàn cầu.

Tầm nhìn mới, tư duy đột phá để phát triển Thủ đô Hà Nội

Trong tham luận gửi tới Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” được tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết: Trong suốt 70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn kiện quan trọng về Thủ đô Hà Nội với tầm nhìn mới và tư duy đột phá. Đặc biệt trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã đề ra định hướng phát triển đô thị Hà Nội: Lấy Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông; xây dựng mô hình thành phố trong Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng...

"Những định hướng quan trọng trên được dựa trên cơ sở khoa học và dựa trên tổng kết thực tiễn lịch sử phát triển Thủ đô gắn với bối cảnh của thời đại và điều kiện hiện nay của Hà Nội, là cơ hội để Hà Nội tập trung nguồn lực phát triển, thể hiện tầm nhìn và khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước"; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Có thể nói, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị như một bản Cương lĩnh mới cho phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ mới”, bà Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.

Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, là một bước cụ thể hóa những tư tưởng của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Luật Thủ đô quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Đặc biệt là mở ra cho Hà Nội được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong tổ chức bộ máy, trong phân cấp, phân quyền, trong huy động và khai thác các nguồn lực, trong thu hút và sử dụng nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao…, phù hợp với những đặc thù của Hà Nội và yêu cầu của thực tiễn xây dựng, phát triển Thủ đô.

Bên cạnh đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trong thời gian tới, mở ra nhiều không gian phát triển mới. Trong đó nổi bật là phân bố không gian phát triển kinh tế - xã hội theo cấu trúc tâm - tuyến các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng, kết nối văn hoá và kết nối không gian số, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển hài hoà đô thị và nông thôn. Phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái.

Đồng quan điểm này, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước về Thủ đô Hà Nội đã nêu những quan điểm chỉ đạo phù hợp với từng giai đoạn phát triển, tổng hợp lại thành một hệ thống tư tưởng chỉ đạo, phương châm phát triển nhất quán, hoàn chỉnh, có giá trị định hướng về nhận thức, hành động.

Căn cứ vào mục tiêu chiến lược chung của đất nước trong mười, hai mươi năm tới, Đảng, Nhà nước định hướng mục tiêu phát triển của Thủ đô đến năm 2030: trở thành Thủ đô "văn hiến, văn minh, hiện đại”; đóng vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Phát huy vai trò đi đầu, dẫn dắt của Thủ đô trong tiến trình phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Đảng đưa ra tầm nhìn: Đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; đạt trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nhận diện đúng khó khăn, thuận lợi để có quyết sách đưa Thủ đô bứt phá

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi để phát triển Thủ đô đến năm 2030, Hà Nội sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới.

Việc phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, Thành phố toàn cầu đặt ra trong bối cảnh thực trạng Hà Nội còn rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị : tăng trưởng chưa thực sự ổn định, bền vững; các vấn đề về phát triển đô thị, nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình đô thị hóa nhanh; mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển…


Hội nhập sâu rộng cũng khiến Hà Nội đối mặt với nguy cơ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng, đồng thời không bảo vệ được sản xuất trong nước khi các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, các hàng rào kỹ thuật lại kém hiệu quả; Sức ép về gia tăng dân số đã và đang tạo nhiều áp lực trong quá trình phát triển của Hà Nội; Các giá trị về lịch sử - văn hóa của quốc gia hội tụ ở Thủ đô ngàn năm văn hiến đặt ra các yêu cầu về bảo tồn, phát huy; Các vấn đề về an ninh phi truyền thống là thách thức rất lớn trong quá trình phát triển…

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, với những cơ hội và thách thức đan xen như vậy, Thủ đô Hà Nội cần phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ các cơ hội và tận dụng xu thế phát triển của thời đại để xây dựng và phát triển Thủ đô.

Cần thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế và hội nhập quốc tế có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.

Phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, bao trùm, hội nhập quốc tế, gắn với quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Khai thác và sử dụng hiệu quả các lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên. Bảo tồn, phát huy bản sắc, văn hóa, lịch sử nghìn năm văn hiến, các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Văn hoá và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực đặc biệt quan trọng để phát triển Thủ đô với con người là trung tâm, hạt nhân của sự phát triển. Giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài là trụ cột cốt lõi trong xây dựng và phát triển Thủ đô.

Phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, là động lực phát triển chính của Thủ đô, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết với các đô thị vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phát triển nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, có bản sắc. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối, giao thông công cộng, hạ tầng số, hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nói về cơ hội để Hà Nội bứt phá, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Thế giới chuyển sang một thời đại phát triển mới, đặt ra mọi quốc gia, mọi chủ thể phát triển trước vạch xuất phát mới, với những thách thức và cơ hội phát triển có nội dung và bản chất khác trước.

Việt Nam nhận thức sớm và ngày càng rõ cơ hội lịch sử này, trên cơ sở đó, định hình đường lối phát triển và đưa ra những cam kết mục tiêu mạnh mẽ: Trở thành nước phát triển hiện đại, thu nhập cao, kinh tế xanh, kinh tế số, "thế lực công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, … ở những mốc thời gian khá cụ thể.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trong không gian phát triển hiện đại đầy hứng khởi đó, chức năng đi đầu - vượt trước và dẫn dắt phát triển của Hà Nội càng nổi bật; đồng thời, khía cạnh thách thức cũng như cơ hội phát triển được định hình rõ nét theo đúng tương quan "thuyền to - sóng lớn”, thách thức càng cao, cơ hội càng lớn.

Tại điểm ngoặt then chốt này, càng nổi bật lên lợi thế phát triển đặc biệt của Hà Nội ngàn năm văn hiến, hội tụ tinh hoa của một dân tộc thông minh, giàu năng lực ứng biến và sáng tạo.

Với "Luật Thủ đô” và "Quy hoạch Phát triển Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, Hà Nội đã bắt nhịp quỹ đạo phát triển mới. Với những Văn kiện đó, định hướng lớn, khung khổ thể chế, hệ giải pháp chiến lược đã được xác lập.

Nhấn mạnh một số hành động ưu tiên, theo định hướng đột phá, tạo bước ngoặt - bứt phá cho giai đoạn phát triển mới của Thủ đô, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: Trước hết cần làm rõ hơn các đặc trưng chất lượng đã được định cho Thủ đô - văn hóa, văn hiến, văn minh, hiện đại, trong đó đặc biệt chú trọng định hình rõ nét chân dung phát triển của Thủ đô theo các tiêu chuẩn thời đại; đáp ứng yêu cầu hội nhập - đua tranh quốc tế trong vai trò đại diện cho một Quốc gia đang cam kết rất mạnh cho mục tiêu "tiến vượt để tiến cùng thời đại, tiến kịp thế giới”. Hà Nội cần nhận diện, đánh giá lại tiềm năng và lợi thế phát triển của Thủ đô trên quan điểm hiện đại (tổng thể, động, hướng tới tương lai - và - từ tương lai).

"Để thực hiện sứ mệnh, Hà Nội cần sự hỗ trợ đặc biệt to lớn và khác thường từ Trung ương, trong đó, có việc dành ưu tiên về nguồn lược quy mô lớn, cung cấp các dự án phát triển đặc biệt để tạo khai thông - đột phá và những thể chế, giải pháp vượt trội nhằm tạo không, mở cơ hội phát triển mới cho Hà Nội. Cách tiếp cận "xin cải cách thể chế”, "xin thêm quyền chủ động - sáng tạo” sẽ giúp Hà Nội mở rộng không gian đổi mới và cơ hội phát triển đúng theo tinh thần của thời đại mới”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, người dân Hà Nội cũng như cả nước, có quyền tự hào về những thành tựu to lớn mà Thủ đô đã đạt được. Trước mắt vẫn còn nhiều thách thức và cơ hội đan xen. Hà Nội cần tiếp tục đổi mới, phát triển theo hướng bền vững, phấn đấu trở thành một Thành phố Thông minh, hiện đại, văn minh và giàu bản sắc, xứng đáng là trái tim của cả nước, là biểu tượng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng trong thời đại mới.

(Theo VOV)

Các tin khác
Lớp Trung cấp lý luận chính trị 131, Trung tâm Chính trị thành phố Yên Bái, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đi thực tế tại Khu di tích K9 - Đá Chông.

Chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2024), kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), ngày 9/10, Lớp Trung cấp lý luận chính trị hệ không tập trung khóa 131, niên khóa 2023 – 2024, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã đi nghiên cứu thực tế tại Khu di tích K9 – Đá Chông, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Đây là địa điểm gìn giữ thi hài của Bác Hồ từ năm 1969 – 1975.

3 tháng cuối năm, Yên Bái sẽ quyết liệt, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; tập trung bố trí tái định cư cho người dân bị thiệt hại về nhà ở sau bão.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp hẹp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 45.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị ASEAN cần đoàn kết, phát huy tiếng nói chung kêu gọi chấm dứt chiến tranh, xung đột và tìm kiếm các giải pháp mang lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Người dân thôn Làng Chẹo, xã An Thịnh chủ động hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn.

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã An Thịnh, huyện Văn Yên đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường và các hoạt động văn hóa, để không chỉ nâng cao ý thức cộng đồng mà còn tạo động lực để người dân tham gia tích cực vào quá trình phát triển địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục