Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt doanh nhân tiêu biểu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/10/2024 | 8:55:42 PM

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn các doanh nhân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Ngày 11-10, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10-2004 - 13-10-2024).

Tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhắc lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới Công Thương vào ngày 13-10-1945, trong đó có đoạn "Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng", qua đó khích lệ, động viên và khẳng định sự hỗ trợ tận tâm của Chính phủ, nhân dân và của Bác Hồ đối với giới kinh doanh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định sự ra đời của ngày Doanh nhân Việt Nam cách đây tròn 20 năm đánh dấu sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, cũng là sự công nhận của xã hội về vai trò và những đóng góp lớn lao của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng và tự hào khi nước ta có được đội ngũ doanh nhân đông đảo, lớn mạnh, khẳng định vai trò, đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế đất nước. Nhiều doanh nhân tài năng đã đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trở thành trụ cột trong một số ngành và lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Việt đã vươn ra thị trường toàn cầu, khẳng định được thương hiệu Việt vươn tầm khu vực và thế giới như PVN, Viettel, BRG, Vietcombank, Trường Hải, Sungroup, Vingroup, FPT, Hòa Phát, TH và nhiều doanh nghiệp khác.

Trọng chặng đường phát triển đã qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ các đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh những đóng góp về kinh tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, giúp đỡ người yếu thế, đóng góp lớn, san sẻ khó khăn, mất mát của người dân trong đại dịch COVID-19, siêu bão Yagi vừa qua và nhiều đợt thiên tai khác.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói chuyện với các đại biểu doanh nhân tiêu biểu. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng ghi nhận và biểu dương các thành tích, kết quả quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển đất nước; cũng như những đóng góp xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh của VCCI cùng các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả lớn lao mà cộng đồng doanh nghiệp đã đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, trong đó cho rằng đội ngũ doanh nhân vẫn còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, năng lực quản trị hạn chế, chưa có nhiều doanh nhân vươn tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, thời gian qua nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân đã có những thay đổi tích cực. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện; quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hoạt động kinh tế của tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ.

Cùng với đó, phương thức quản lý của Nhà nước phù hợp hơn với cơ chế thị trường; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện; quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ rõ đội ngũ doanh nhân vẫn còn ít cơ hội tham gia trực tiếp vào việc hoạch định chính sách; tiếng nói của doanh nhân vẫn còn ít được lắng nghe ở nhiều cấp nhiều ngành hoặc được lắng nghe nhưng không tiếp thu đáng kể, thực chất. Những vướng mắc về thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh chậm được sửa đổi, trong đó có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu tính thực tiễn của một số văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng phải cải cách tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế và pháp luật. Quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng hướng tới những chuẩn mực quốc tế; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới theo đúng tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.

Trong bối cảnh hiện nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định tương lai của đội ngũ doanh nhân Việt Nam là rất hứa hẹn nhưng cũng nhiều thách thức. Khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho sự thịnh vượng của quốc gia.

Đánh giá đây chính là thời điểm để định hình lại vai trò của nhà lãnh đạo doanh nghiệp và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng rằng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng kỳ vọng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp sẽ tiếp cận, đón đầu xu hướng và tạo vị thế trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây... đã mở ra tiềm năng khai thác các thị trường toàn cầu mà không gặp nhiều rào cản về địa lý đáng kể.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, đề cao đạo đức kinh doanh, có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành mẫu mực của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn, có trách nhiệm; luôn giữ vững niềm tin đối với cơ nghiệp của bản thân, cơ đồ và tương lai đất nước.


Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn các doanh nhân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển; tinh thần đổi mới, sáng tạo và nghệ thuật tiếp thị sản phẩm; đề cao quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ, thực thi chính sách lao động công bằng, chú trọng xây dựng thương hiệu.

Báo cáo tại cuộc gặp mặt, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết được sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đến nay, VCCI có mạng lưới hội viên rộng lớn trên toàn quốc với hơn 200 hiệp hội doanh nghiệp và hơn 200.000 doanh nghiệp hội viên thuộc mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề, mọi thành phần kinh tế.

Theo ông Phạm Tấn Công, Việt Nam hiện có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Đại diện cho giới doanh nhân, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, chia sẻ trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn BRG đã phát triển với đội ngũ hơn 22 ngàn lao động trong nỗ lực trở thành một công dân doanh nghiệp kiểu mẫu.

Doanh nhân Nguyễn Thị Nga khẳng định cam kết phát huy cao nhất tinh thần tự chủ, tự tin tự lực, tự cường, tự hào dân tộc để luôn sẵn sàng đồng hành cùng Đảng, Nhà nước góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước.

(Theo NLĐO)

Các tin khác

Sáng 11/10, tại Sở Tài chính, đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật sẽ trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Sáng 11/10, Đoàn cán bộ, giảng viên, học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh khóa 97, Học viện Quốc phòng do Trung tướng, Tiến sĩ Đào Tuấn Anh - Phó Giám đốc Học viện làm Trưởng đoàn đã đến nghiên cứu thực tế và có buổi Tọa đàm trao đổi về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Yên Bái  khen thưởng 43 tập thể, 105 cá nhân có thành tích trong công tác ứng phó bão số 3 trên địa bàn thành phố.

Chủ động hoàn tất mọi công việc để triển khai được ngay Đề án sáp nhập phường Hồng Hà vào phường Nguyễn Phúc thành phường Hồng Hà ngay sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Đó là một trong những nhiệm vụ từ nay đến cuối năm của thành phố Yên Bái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc gặp.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam - Lào - Campuchia là tài sản quý giá, là nền tảng phát triển quan hệ hợp tác, tin cậy lẫn nhau và là yếu tố then chốt trong thúc đẩy đoàn kết, gắn bó giữa ba nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục