Là người con của quê hương Cát Thịnh (Văn Chấn) anh hùng, năm 1968 chàng thanh niên Hoàng Minh Thủy nhập ngũ và biên chế vào Trung đoàn 335, Quân khu Tây Bắc và hành quân sang nước bạn Lào. Với vai trò cán bộ tác chiến, ông đã tham mưu tốt cho chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ chống càn ở vùng cánh đồng Chum, tỉnh Xiêng Khoảng, đồng thời huấn luyện lực lượng sẵn sàng giúp bạn trong thời điểm khó khăn nhất.
Vui mừng với Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, nhưng với trọng trách của đơn vị, ông Thủy tiếp tục cống hiến cả tuổi xuân, làm nhiệm vụ quân tình nguyện trên đất Lào.
Đến năm 1988, ông Thủy được điều chuyển sang đơn vị giúp bạn củng cố chính quyền địa phương và trực tiếp tham gia xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hữu nghị. Tháng 6/2010, ông chính thức được nghỉ hưu với quân hàm đại tá và trở về quê hương cư trú ở thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh. Nghỉ hưu, ông tích cực tham gia hoạt động xã hội ở địa phương với niềm vinh dự, tự hào của người lính Cụ Hồ.
Năm 2012, ông tham gia công tác Chi hội Người cao tuổi. Được chính quyền tin tưởng, hội viên tín nhiệm, năm 2017, ông đi tập huấn theo Đề án "Xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” của UBND tỉnh theo chủ trương của Chính phủ.
"Tôi cảm thấy rất vinh dự, là sĩ quan nghỉ hưu nhưng tiếp tục được Đảng ủy, chính quyền tin tưởng giao cho nhiệm vụ được coi là đặc biệt lúc bấy giờ. Tôi đã cùng với thường trực Hội Người cao tuổi, lãnh đạo UBND cố gắng khắc phục khó khăn, động viên mọi người tham gia”- trong ánh mắt tự hào, ông Thủy kể.
Với tinh thần người đi trước làm điểm tựa cho thế hệ đi sau, người giàu giúp đỡ người nghèo, tương trợ lẫn nhau nhằm cải thiện cuộc sống; các thành viên được tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu các ngành nghề phù hợp với sức khỏe của người cao tuổi.
Từ đây, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới. Bản thân gia đình ông có kinh tế ổn định, 2 người con đều được nuôi dạy trưởng thành, xây dựng gia đình hạnh phúc và có nhiều đóng góp cho địa phương và xã hội.
Giờ thôi nhiệm vụ ở Câu lạc bộ nhưng ông Thủy vẫn tích cực trong các hoạt động bảo tồn văn hóa, xây dựng dòng họ khuyến học ở địa phương. Đặc biệt, ông là một trong những cán bộ hưu thường xuyên được cấp ủy, chính quyền tham vấn cho những công tác ở địa phương.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Lộc - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Đại Lộc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân cựu chiến binh thành phố Yên Bái tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.
Cùng xã Cát Thịnh với đại tá Thủy, ngôi nhà của Thiếu tướng nghỉ hưu Sa Minh Trắc khiêm nhường ẩn mình trong vườn cây ngang đồi ở thôn Ngã Ba. Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, sau 42 năm cống hiến trong quân đội, năm 2004, ông về quê hương vui thú tuổi già. Bên bàn trà cùng với những cựu chiến binh, sinh hoạt ở địa phương, ông tự hào trải lòng về cuộc đời binh nghiệp, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ oanh liệt.
Nhập ngũ khi vừa tuổi 20, huấn luyện tại Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, người thanh niên dân tộc Thái cùng đồng đội được tăng cường cho Lữ đoàn 335 trong mũi đánh tiến công của trận đánh oanh liệt phía Tây Nam, cánh đồng Chum đất bạn Lào năm 1964.
Trong thời gian đó, ông vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và được cử đi học sĩ quan lục quân, học chính trị. Đầu những năm bảy mươi, ông ra chiến trường đi thực tế, rồi lại tham gia chiến đấu ở Bắc Lào. Với Thiếu tướng Sa Minh Trắc, chiến đấu nơi nào cũng vậy, thiệt hại là không thể tránh. Ở cương vị Chính trị viên phó Đại đội, giải quyết vấn đề thương binh liệt sĩ là nhiệm vụ để lại ấn tượng sâu sắc, không bao giờ quên trong thời chống Mỹ.
"Ác liệt khi đánh nhau, nhưng để lấy được thi hài đồng đội hy sinh sau những trận đánh còn cam go hơn nhiều. Điều đó đòi hỏi phải có trí tuệ, có can đảm, nhất là phải có cái gốc là tình thương yêu đồng chí của mình, không nỡ để anh em nằm đấy, dù mình có bị thương, hy sinh cũng phải đưa anh em về! Mình là đảng viên, mình phải gương mẫu xung phong nhiệm vụ ấy!” - ông Sa Minh Trắc ngậm ngùi kể.
Có lẽ sự khắc nghiệt của chiến tranh tôi luyện người lính để họ xả thân vì Tổ quốc, để một dải non sông thống nhất trọn vẹn 50 năm trước. Điều kính trọng hơn cả là ông Trắc trở thành người cha mẫu mực, người thầy nghiêm khắc cho các con ông tiếp bước quân hành. Ông chia sẻ: "Bố mẹ phải làm gương cho các con, định hướng và tạo môi trường cho các con chứ mình không thể theo các cháu mãi được”.
Ông Trắc có 4 người con trai, anh nào cũng học hành đầy đủ và tất cả đều là sĩ quan quân đội. Người con cả Sa Minh Chính hiện là Trưởng ban Chính sách - Bộ CHQS tỉnh Yên Bái; anh thứ Sa Minh Nghĩa là Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Sơn La; con thứ ba Sa Minh Trung là Phó tham mưu Trưởng (Ban CHQS huyện Yên Bình) và con út Sa Minh Thành hiện công tác tại Cục Hậu cần kỹ thuật Quân khu 2. Ông Trắc luôn tự hào là hầu hết thành viên trong gia đình đều là đảng viên, con trai, con dâu, các cháu đều ngoan ngoãn, thành đạt.
"Có những lúc ngồi ăn cơm cả nhà tôi từng nói, bố mẹ rất cảm ơn các con vì các con vâng lời bố mẹ! Các con không làm điều gì để bố mẹ bận lòng!”. Vinh quang ra khỏi cuộc chiến chính nghĩa, các cựu chiến binh như ông Trắc, ông Thủy đã phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ.
Ông Sa Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Văn Chấn khẳng định: "Toàn huyện Văn Chấn hiện có trên 4.910 hội viên cựu chiến binh, trong đó gần 18% cựu chiến binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ở địa phương, các bác, các ông vẫn luôn là những gương sáng, những người tiên phong đi đầu vận động bà con nhân dân làm ăn phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới”.
Rời Văn Chấn về thành phố Yên Bái, chúng tôi tìm đến ông Phạm Văn Cường - Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hồng Hà cũng là một trong những thanh niên hăng hái tòng quân đánh Mỹ. Tuy chưa được tham gia những trận chiến ác liệt của thời kỳ này, nhưng ý chí ra trận luôn thường trực trong ông. Chiến tranh giải phóng đất nước kết thúc, ông tiếp tục đóng góp cho quân đội và kinh qua nhiều đơn vị.
Sau hơn 35 năm cống hiến, ông rời quân ngũ ở vị trí Chính ủy Trung đoàn 121. Không được nghỉ ngơi bao lâu, ông lại xắn tay vào công việc địa phương, trước là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, rồi làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Nguyễn Phúc, nay sáp nhập hai phường, ông lại đảm đương trọng trách Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hồng Hà mới. Toàn phường có gần 3.000 hội viên người cao tuổi, sinh hoạt ở 16 chi hội, gấp 2 lần khi chưa sáp nhập. Công việc nhiều, nhưng nhiệm vụ nào ông cũng đều gương mẫu đi đầu với tinh thần không nhận thì thôi, đã nhận thì làm cho tử tế.
"Trong quân đội cũng như về địa phương, chúng tôi cho rằng mình còn sức khỏe, còn khả năng đến đâu thì tích cực tham gia đóng góp cho địa phương đến đó. Tinh thần của người lính thì bất kỳ ở chỗ nào cũng được phát huy rất đáng tự hào” - ông Cường tâm sự.
Tỉnh Yên Bái có trên 10 ngàn cựu chiến binh chống Mỹ giờ đều ở tuổi trên dưới bảy mươi. Sức khỏe không còn như những năm vượt Trường Sơn đi cứu nước, nhưng tinh thần tiến công thì chưa hề giảm sút. Nếu không còn tham gia công tác thì những người lính vẫn luôn nêu gương sáng cho con cháu, đi đầu trong các phong trào ở địa phương, là chỗ dựa cho chính quyền cơ sở.
Ông Nguyễn Minh Quyết - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Yên Bái thông tin: "Đây thực sự là trụ cột lan tỏa tinh thần cách mạng cho hội viên cựu chiến binh và nhân dân về một thời hào hùng của dân tộc. Các đồng chí đã gắn bó cả cuộc đời với quân ngũ, trở thành những tướng lĩnh tiêu biểu như Thiếu tướng Sa Minh Trắc, Thiếu tướng Lý A Sáng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỳ, Thiếu tướng Vũ Lục Quốc cùng nhiều cán bộ cao cấp khác. Những đồng chí chuyển ngành, chuyển công tác, tham gia công tác xã hội, làm kinh tế đã trở thành những cốt cán, những doanh nhân, đó là những tấm gương tiêu biểu tỏa sáng mọi lúc, mọi nơi cho lớp cựu chiến binh sau này và thế hệ trẻ noi theo”.
Vinh dự là những người cầm súng kết thúc cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, mỗi suy nghĩ, hành động, việc làm của mỗi người lính năm xưa càng khẳng định giá trị tư cách đạo đức của người quân nhân cách mạng "Trung với Đảng, hiếu với dân”. Họ sẽ mãi là những người lính đi đầu.
Quang Tuấn