Bà Nghiêm Thị Lan – Bí thư Đảng ủy phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: Để chuẩn bị cho các hội nghị lấy ý kiến Nhân dân lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, phường đã thành lập Tổ chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Đề án do đồng chí Bí thư Đảng ủy phường làm tổ trưởng; các đồng chí lãnh đạo phường, trưởng các tổ chức đoàn thể phường, các cán bộ công chức chuyên môn phường làm tổ viên. Các thành viên trong Tổ có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, trọng tâm là Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Yên Bái. Đồng thời, lập báo cáo kết quả thực hiện lấy ý kiến Nhân dân trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bà Nguyễn Thị Dung – người dân Tổ 10, phường Minh Tân rất phấn khởi khi trong dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Yên Bái có một phường được lấy tên là phường Yên Bái. Theo dự thảo Đề án, thành phố Yên Bái sẽ có 4 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, giảm 13 đơn vị; tỷ lệ giảm 76,5%, đồng thời sáp nhập thêm 2 xã của huyện Trấn Yên và 1 xã của huyện Yên Bình.
"Tôi thấy việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để có quy mô hợp lý, đảm bảo việc triển khai các chương trình, chính sách hiệu quả, giảm bớt sự phân tán nguồn lực, thực hiện công tác quản lý Nhà nước được hiệu quả hơn. Đơn vị hành chính đủ quy mô sẽ giúp triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương. Các xã sau khi sắp xếp lại sẽ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn do tối ưu hóa được nguồn lực. Tôi rất phấn khởi khi trong 4 phường của thành phố Yên Bái có một phường mang tên Yên Bái. Bởi cái tên "Yên Bái” có sự kế thừa lịch sử, văn hóa gắn bó với cội nguồn và có nét đặc trưng riêng của vùng đất” – bà Dung bày tỏ.
Thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Đề án của Chính phủ và chỉ đạo của tỉnh; huyện Trạm Tấu đã xây dựng dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Dự kiến sắp xếp sáp nhập các xã như sau: sắp xếp sáp nhập 4 xã: Hát Lừu, thị trấn Trạm Tấu, Bản Công và Xà Hồ thành xã Hạnh Phúc, trụ sở xã mới đặt tại Trung tâm huyện hiện nay. Sắp xếp các xã: Túc Đán, Pá Lau, Trạm Tấu và Pá Hu thành xã Trạm Tấu; trụ sở đặt tại xã Pá Lau hiện nay. Sắp xếp các xã: Bản Mù, Làng Nhì và Phình Hồ thành xã Phình Hồ, trụ sở đặt tại xã Làng Nhì hiện nay. Giữ nguyên xã Tà Xi Láng do có vị trí biệt lập, khó kết nối giao thông với các xã giáp ranh.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng bộ huyện, các các chi bộ; thôn, bản, tổ dân phố đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, các cuộc họp thôn, bản về sắp xếp sáp nhập chính quyền địa phương hai cấp. Qua nắm bắt tình hình, các cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn huyện đều đông tình, thống nhất cao và sẽ tích cực tham gia đầy đủ việc lấy ý kiến vào sáng 24/4.
Nhiều cuộc họp thôn bản tuyên truyền về các nội dung của dự thảo Đề án được xã Bản Mù tổ chức ngay trong đêm đã thu hút đông đảo người dân tham gia
Ông Hoàng Văn Đông – Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cho biết: Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của huyện, chúng tôi đã chỉ đạo các thôn, bản tổ chức ngay việc tuyên truyền rộng rãi cho Nhân dân về các nội dung của dự thảo Đề án; tuyên truyền nhân dân tích cực tham gia lấy ý kiến vào dự thảo. Mặc dù, nhiều cuộc họp thôn bản được tổ chức trong đêm song đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Qua công tác tuyên truyền, Nhân dân trên địa bàn đã hiểu rõ chủ trương của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là để mở rộng không gian phát triển kinh tế, để người dân được phục vụ tốt hơn và để chính quyền gần với dân hơn.
Đồng chí Giàng A Vừ - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu khẳng định: Việc sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Huyện Trạm Tấu đã yêu cầu các đơn vị, các xã, thị trấn tập trung quán triệt, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, tạo sự đồng thuận cao trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp để phục vụ Nhân dân tốt hơn. Các xã, thị trấn tập trung tổ chức tốt các điều kiện để tổ chức việc lấy ý kiến lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã đảm bảo nhanh gọn, chính xác và đạt hiệu quả cao.
Thực hiện Kết luận số 137 ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết số 60 ngày 14/4/2024 của Hội nghị Trung ương lần thứ 11, chỉ trong thời gian rất ngắn, với sự vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc với quyết tâm chính trị rất cao, Yên Bái đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh. Trong đó: Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Yên Bái đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến 3 lần và có sự đồng thuận, nhất trí cao của các huyện, thị, thành ủy. Theo dự thảo Đề án, dự kiến sau sắp xếp, toàn tỉnh sẽ còn 51 xã, phường (trong đó có 6 đơn vị hành chính không thực hiện sắp xếp), giảm khoảng 69,6% đơn vị hành chính hiện nay.
Đối với Đề án hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, hai tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức nhiều cuộc làm việc để xây dựng các đề án thành phần, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh cho ý kiến thống nhất lần cuối ngày 19/4 vừa qua, làm cơ sở để Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo tổng hợp, xây dựng Đề án hợp nhất tỉnh Lào Cai và Yên Bái thành tỉnh mới có tên gọi Lào Cai, trung tâm chính trị hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái theo đúng định hướng của Trung ương.
Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều bày tỏ sự đồng thuận, phấn khởi, tin tưởng vào tương lai phát triển sau sáp nhập. Việc các đợn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã không chỉ mang ý nghĩa về mặt hành chính, mà còn mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng một chính quyền mạnh hơn, gần dân hơn, phục vụ Nhân dân được tốt hơn, lấy người dân làm trung tâm để phát triển.
Mạnh Cường