Thủ tướng và thông điệp đầu Xuân
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2008 | 12:00:00 AM
"Dù đã đạt được một số thành tựu nhưng kinh tế - xã hội trong năm qua phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng. Trong đó, có nguyên nhân từ sự yếu kém trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Tôi nhận lỗi về sự yếu kém này", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận, trong cuộc gặp gỡ với báo chí chiều cuối năm (31/1).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Báo chí đã có sự hợp tác tin cậy, hiệu quả với Chính phủ".
|
Không thoả mãn với những thành tựu đã đạt được. Nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng, nói thật về những yếu kém còn tồn tại, tâm huyết và quyết liệt tăng tốc trong thời gian tới để đưa đất nước tiến nhanh là thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ muốn chia sẻ với giới truyền thông trong cuộc gặp gỡ đầu Xuân Mậu Tý.
Thủ tướng "nhận lỗi" điều hành còn yếu kém
Chia sẻ với báo chí, người đứng đầu Chính phủ đồng thời báo tin, thống kê sơ bộ trong tháng đầu năm này, sức mua hàng hóa và dịch vụ bán lẻ đã tăng lên 27%, cao nhất trong nhiều năm qua. Thu nhập người dân năm 2007 cũng tăng bình quân 6%.
Tuy nhiên, ông thẳng thắn thừa nhận, để lạm phát lên tới 12,6% một phần là do điều hành của Chính phủ còn kém hiệu quả. "Năm 2006, GDP tăng 8,2% thì tổng dư nợ tín dụng chỉ tăng 26%. Đến 2007, GDP tuy đã tăng 8,5% nhưng dư nợ tín dụng lại tăng lên 38,5%". Theo đó, tiền vay hầu hết chỉ đổ vào chứng khoán và bất động sản mà "thị trường chứng khoán thì phập phù, còn giá bất động sản cao không thua Tokyo".
Thủ tướng cũng khẳng định, thuận lợi mới của hội nhập là nguồn vốn đầu tư dồi dào, song đáng tiếc là khả năng hấp thụ vốn còn thấp. "Trước kia, ta cứ kêu ca là làm gì cũng thiếu vốn. Nay đã có vốn rồi mà tiêu không hết, không thấy biến thành công trình, thành cơ sở vật chất cụ thể. Năm 2007, tổng đầu tư toàn xã hội lên tới 40% GDP nhưng tốc độ tăng trưởng mới đạt 8,5%. Chính phủ phải có trách nhiệm trước hiện tượng này", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ nghiêm túc đánh giá: "Tốc độ tăng trưởng, nhu cầu đầu tư thì cao mà cơ sở hạ tầng lẫn nhân lực đều thấp". Bài toán quy hoạch sân bay quốc tế Nội Bài là một minh chứng. Trong dự kiến khi xây dựng, ước tính đến 2015 Nội Bài sẽ đạt 6 triệu khách nhưng chỉ đến 2007 đã đạt 6,2 triệu.
Thậm chí, trong quy hoạch Cảng Hải Phòng cũng dự kiến đến 2020 đạt 30 triệu tấn. Song đến nay đã đạt tới 24 chục triệu tấn. "Vậy là chỉ cần đến 2008, tàu bè muốn ra vào cảng là phải xếp hàng, phải xin - cho".
Về nhân lực, Thủ tướng cho biết, tiếp sau Intel, nhiều tập đoàn công nghệ cao như Samsung, Hồng Hải... đang sẵn sàng chờ đầu tư 5 - 7 tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, họ đòi hỏi phải có 50.000 - 70.000 lao động đã qua đào tạo.
Trong khi đó, vừa qua, Intel, tập đoàn đầu tư 1 tỷ USD xây nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam, có nhu cầu tuyển dụng 4000 lao động kỹ thuật cao nhưng mới chỉ tuyển được hơn 90 kỹ sư công nghệ khi sát hạch hơn 300 sinh viên tốt nghiệp.
"Đây là một thách thức rất lớn. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ trở thành một bức xúc lớn đối với phát triển nếu chúng ta không giải quyết kịp thời", Thủ tướng lo lắng.
Về cải cách hành chính và chống tham nhũng, dù Đảng và Chính phủ đã có những nỗ lực nhất định, nhưng theo Thủ tướng "nhân dân vẫn còn nhiều bức xúc vì nạn nhũng nhiễu, tiêu cực".
2008: Không thay đổi sẽ có lỗi với sự phát triển
Vậy nên, giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng là một trong các giải pháp chính để năm bản lề 2008 sẽ đạt được hầu hết mục tiêu của kế hoạch năm năm.
Theo đó, tháng 3 tới sẽ cho khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, tiếp nữa là hàng loạt công trình: đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng)...Một sân bay với công suất 15 triệu khách cũng sẽ được xúc tiến xây dựng trong vòng 2 năm.
"Cơ sở hạ tầng phải chạy theo đáp ứng đúng nhu cầu, không thể giậm chân tại chỗ. Nếu chậm trễ sẽ có lỗi với sự phát triển", Thủ tướng khẳng định.
"Chúng ta hoàn toàn có thể làm được với điều kiện thủ tục, cơ chế thông thoáng", Thủ tướng nói.
Ngay sau khi Quốc hội ra Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã hoạch định ngay 10 nhóm nhiệm vụ chính với 232 giải pháp cụ thể để thực thi. Trọng tâm là năm nhóm giải pháp đột phá vào "hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hành chính và chống tham nhũng".
Ông khẳng định quyết tâm của Chính phủ sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2010. Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến chất lượng tăng trưởng kinh tế khi ông đặt mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vì đây là "điểm quyết định đối với chất lượng tăng trưởng", đồng thời đảm bảo phân phối công bằng thành quả của tăng trưởng đến mọi người dân.
"Chính phủ sẽ dành nguồn lực thích đáng và giải pháp thiết thực để phát triển vùng sâu, vùng xa, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là giảm nghèo".
Về cải cách hành chính, ông cho biết sẽ tập trung cải tổ đồng bộ từ thể chế, luật pháp, thủ tục. Nhưng, Người đứng đầu Chính phủ băn khoăn, "cải cách hành chính chú trọng nâng cao chất lượng công chức nhà nước song ngay cả Văn phòng Chính phủ hiện cũng đang chảy máu chất xám".
Cải cách tiền lương trong điều kiện hiện nay cũng không kịp "đua" với sức hút của khu vực ngoài nhà nước. "Muốn có công chức giỏi, nhưng từ tuyển dụng cho đến lương bổng đều hết sức khó khăn. Ngân sách dành cho quỹ lương cũng có giới hạn", Thủ tướng chia sẻ.
Trong điều kiện đó, Chính phủ cũng sẽ tập trung vào các giải pháp chống tham nhũng để lấy lại uy tín, lòng tin của nhân dân với Đảng.
Báo chí hãy luôn là diễn đàn của nhân dân
Chia sẻ những vấn đề trọng đại của đất nước, Thủ tướng đề nghị báo chí tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn vai trò, sứ mệnh đóng góp vào tiến trình phát triển của đất nước.
"Hơn một năm qua, báo chí chính là một kênh thông tin rất thiết thực, quý giá với tôi trong chỉ đạo, điều hành. Thông tin báo chí giúp Chính phủ điều hành nhanh hơn, nhạy bén hơn, hiệu quả và thiết thực hơn".
Thủ tướng khẳng định "sự hợp tác hiệu quả, tin cậy của báo chí với Chính phủ thời gian qua vừa hỗ trợ cho điều hành Chính phủ, đưa Chính phủ đến gần với người dân hơn, vừa giúp nâng cao vị thế đất nước".
Đặc biệt, những thông tin thiết thực, hữu ích trên báo chí thời gian qua đã góp phần điều chỉnh hành vi xã hội. Đoạn phim ngắn về cảnh bạo hành trẻ em ở Đồng Nai vừa qua là một minh chứng. "Tôi đã xem đoạn phim và băn khoăn, lo lắng về trách nhiệm của mình với thế hệ trẻ. Nhiều bài báo khác cũng làm tôi phải xúc động".
Thủ tướng bày tỏ hy vọng, thời gian tới, báo chí vừa cạnh tranh thông tin vừa đảm bảo nâng cao chất lượng, sắc sảo và có tác dụng xã hội tốt hơn.
Trong bối cảnh loại hình báo chí ngày càng đa dạng, đội ngũ nhà báo ngày càng đông đảo, Thủ tướng lưu ý "đội ngũ báo chí phải rèn luyện hơn nữa về chuyên môn, ngoại ngữ, ý chí, lòng tự tôn dân tộc, dũng cảm dám đấu tranh với cái ác, cái xấu. Đây phải là một đội ngũ đáng tin cậy". Có như vậy, báo chí Việt Nam mới đủ sức vươn ra cạnh tranh với nền báo chí chung của thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ không quên nhắc nhở: "Thông tin có đúng thì định hướng và tác động xã hội mới trúng". Thủ tướng cam kết, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cung cấp thông tin đầy đủ hơn nữa để báo chí có được thông tin nhiều chiều và đảm bảo tính dân chủ. Ông lưu ý các bộ ngành phải nói đúng, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời thì báo chí mới hỗ trợ tốt hơn cho điều hành của Chính phủ.
Thủ tướng kỳ vọng báo chí xây dựng được những tờ báo uy tín không chỉ trong nước mà cả ở quốc tế, được công chúng tín nhiệm. "Báo chí hãy luôn là diễn đàn của nhân dân!" - Người đứng đầu Chính phủ hai lần nhắc lại.
Thủ tướng cũng chia sẻ, ngoài báo chí, ông còn tham khảo và lắng nghe chuyên gia qua nhiều "kênh" tư vấn khác cả trong và ngoài nước, điển hình như cuộc gặp với nhóm GS Đại học Harvard vừa qua.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Chiều 31/1, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến dự buổi gặp mặt với khoảng 1.000 kiều bào và thân nhân về nước đón Tết, mừng Xuân Mậu Tý, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
YBĐT - Trong 3 ngày từ 28 - 30/1/2008, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Hoàng Xuân Lộc- Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ 2008; thăm hỏi, tặng quà chúc tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Thị xã Nghĩa Lộ.
Ngày 30/1, phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành phải triển khai các biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiềm chế lạm phát và nhập siêu.
Sáng 30-1, tại trụ sở T.Ư Ðảng, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh gặp thân mật và chúc Tết 54 đại biểu kiều bào có công từ 13 quốc gia về thăm đất nước và đón Xuân Mậu Tý 2008.