Đại diện Việt Nam phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ
- Cập nhật: Thứ ba, 18/3/2008 | 12:00:00 AM
Trong khuôn khổ khóa họp lần thứ 7 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đang diễn ra tại Giơnevơ, đại diện Phái đoàn Việt Nam tại văn phòng Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác đã phát biểu ý kiến về một số vấn đề được xem xét tại khóa họp này.
Đối với "Báo cáo của báo cáo viên đặc biệt về quyền có lương thực", Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam, Đại sứ Ngô Quang Xuân nhấn mạnh Việt Nam rất coi trọng "quyền có lương thực", coi nó như một phần của các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cần được đối xử bình đẳng như các quyền dân sự và chính trị.
Đại sứ nêu rõ Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác của Chính phủ Cuba trong việc mời báo cáo viên đặc biệt về quyền có lương thực tới thăm Cuba từ ngày 28/10 đến 6/11/2007. Điều này cho thấy Cuba luôn sẵn sàng đối thoại tích cực và hợp tác với các bộ máy quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền.
Về "Báo cáo của báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền của Mianma", đại biểu Việt Nam nêu rõ là một nước Đông Nam Á, Việt Nam theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Mianma. Việt Nam khuyến khích những nỗ lực nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc, đối thoại và tăng cường nền dân chủ ở Mianma.
Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Chính phủ Mianma về việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc về hiến pháp của nước này vào tháng 5/2008 để thực hiện lộ trình 7 bước tiến tới dân chủ. Việt Nam cũng ủng hộ sự hợp tác giữa Chính phủ Mianma với Liên hợp quốc để đẩy mạnh quá trình hòa giải dân tộc. Về phần mình, Việt Nam đã và đang tham gia cùng Chính phủ Mianma và các đối tác quốc tế khác có liên quan đến vấn đề này, nhưng Việt Nam cho rằng quyết định cuối cùng phải do nhân dân Mianma quyết định.
Đối với vấn đề "Xem xét lại và hài hòa chức năng thủ tục đặc biệt của báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền tại CHDCND Triều Tiên", đại biểu Việt Nam nói rằng Việt Nam rất coi trọng sự hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Nghị quyết A/60/251 thành lập Hội đồng Nhân quyền yều cầu tất cả các nước tiếp tục những nỗ lực tăng cường đối thoại và mở rộng sự hiểu biết giữa các nền văn minh, văn hóa và tôn giáo. Nghị quyết cũng quyết định rằng công việc của Hội đồng được xây dựng trên các nguyên tắc đối thoại và hợp tác quốc tế mang tính xây dựng.
Đây chính là những nhân tố thiết yếu cho thắng lợi của sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền. Với các lý do trên, Việt Nam chia sẻ những sự bảo lưu mà nhiều nước thành viên khác của Liên hợp quốc nêu ra về các nghị quyết nhằm vào các nước cụ thể vì các nghị quyết này thường được sử dụng vì các mục đích không khách quan, chọn lọc và chính trị, dẫn đến đối kháng. Do dó, Việt Nam đề nghị xem xét lại các chức năng thực hiện thủ tục đặc biệt do các nghị quyết này đề ra, trong đó liên quan đến CHDCND Triều Tiên.
Khoá họp thường kỳ lần thứ 7 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc khai mạc ngày 3/3 tại trụ sở Liên hợp quốc tại Giơnevơ và sẽ kết thúc ngày 28/3.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 17/3, đồng chí Trần Ngọc Tăng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng đoàn công tác của TƯ Hội đã đến thăm và làm việc tại Yên Bái.
Ngày 17/3, tiếp kiến Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko tại Hoàng cung, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và phát triển, tương xứng với tiềm năng và nguyện vọng của cả hai bên.
YBĐT - Ngày 15/3, Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái đã tổ chức hội nghị nhằm thống nhất nội dung chương trình kỳ họp thứ 12(bất thường) – HĐND tỉnh khoá XVI.
Sáng 16-3, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và phu nhân cùng Ðoàn đại biểu cấp cao QH nước ta kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Australia, lên đường thăm hữu nghị chính thức Nhật Bản.