Yên Bái phục vụ chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ
- Cập nhật: Thứ tư, 7/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và nhất là trong cuộc tiến công chiến lược Đông xuân 1953 - 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ, địa bàn Yên Bái - Nghĩa Lộ trở thành hậu phương trực tiếp của chiến dịch.
Tượng đài trên bến Âu Lâu (Ảnh: Thanh Miền)
|
Nhân dân các dân tộc và LLVT tỉnh đã tích cực hoạt động, xây dựng củng cố địa phương về mọi mặt, phối hợp chiến đấu với các chiến trường, phục vụ kịp thời, có hiệu quả, góp phần cho cuộc tiến công chiến lược Đông xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử giành thắng lợi hoàn toàn.
Với vị trí chiến lược hết sức quan trọng cả về kinh tế và quân sự và là một trong những đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và đường không, giao lưu giữa các tỉnh, các vùng ở miền Bắc; chấp hành Chỉ thị của Trung ương Đảng, Yên Bái được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải phục vụ chiến cuộc Đông xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhận rõ đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và có tầm quan trọng to lớn, Đảng bộ, chính quyền các cấp đã khẩn trương chỉ đạo quân và dân Yên Bái tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Tỉnh đã phát động phong trào thi đua trong toàn dân phục vụ cho tiền tuyến mở đường từ chợ Hiên (Tuyên Quang) đi Ba Khe, mở tiếp đường 13A từ Ba Khe nối với đường 41 đi Sơn La dài 188 km và từ Ba Khe đi Bản Tủ dài 70 km.
Trong vòng 3 tháng, tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp 1.638.000 ngày công phục vụ tiền tuyến với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho toàn thắng", quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, khai thông đường, phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong thi công, góp phần hoàn thành con đường chiến dịch trước thời gian một tháng, tiết kiệm được 41.917 ngày công, bảo đảm cho xe ô tô có thể chạy được giữa căn cứ địa Việt Bắc với Tây Bắc.
Đặc biệt đã bảo đảm tốt giao thông ở bến phà Âu Lâu, đèo Lũng Lô, các bến vượt ở Ngòi Nhì, Ngòi Thia cho các phương tiện của ta chở vũ khí, lương thực, thực phẩm từ căn cứ địa Việt Bắc lên mặt trận Điện Biên Phủ. Tỉnh đã huy động 31.652 dân công với 1.650.740 ngày công, 2.700 công thuyền máy, 650 công xe đạp thồ phục vụ tiền tuyến; khai thác 45.000 mét khối đá, lấy 31.300 mét khối gỗ, tre, vầu để chống lầy; rải đá được 164.900 mét vuông đường giao thông; cung cấp cho mặt trận 1.840 tấn gạo, 372 con trâu, 429 con lợn và hàng chục tấn rau quả; nhân dân và các cơ quan trong tỉnh đã gửi thư, quà động viên cán bộ, chiến sỹ ở ngoài mặt trận.
Trong chiến dịch, đây là tuyến mạch máu giao thông chính nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường nên địch đã tập trung đánh phá rất ác liệt. Song, với truyền thống anh dũng, kiên cường, quân và dân Yên Bái đã đoàn kết khắc phục mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, vận chuyển hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược ra mặt trận; phối hợp với các đơn vị công binh anh dũng mở đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu phà bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ cho chiến trường.
Những việc làm tình nghĩa đó đã góp phần động viên và phục vụ kịp thời chiến dịch để bộ đội ta quyết tâm đánh thắng kẻ thù. Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Yên Bái đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công cho hai tập thể và ba cá nhân; được Hội đồng cung cấp Trung ương tặng cờ thưởng luân lưu và 15 bằng khen của Liên khu.
Sự đóng góp về sức người và vật chất của nhân dân và LLVT tỉnh Yên Bái trong chiến cuộc Đông xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ so với các địa phương, đơn vị bạn tuy không lớn, song đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trên các chiến trường, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, dũng cảm, kiên cường của quê hương Yên Bái anh hùng, bước vào giai đoạn cách mạng mới, LLVT và nhân dân các dân tộc Yên Bái tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền, cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, nâng cao sức mạnh tổng hợp và sức chiến đấu của LLVT địa phương
Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu "Diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tạo tiềm lực cho quốc phòng - an ninh và không ngừng cải thiện nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân và LLVT tỉnh, thực hiện tốt mục tiêu "Dân giàu, tỉnh mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh", đưa Yên Bái xứng đáng là địa bàn chiến lược quan trọng của miền Tây Bắc Tổ quốc.
Thanh Năm
Các tin khác
Chiều 7/5, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008.
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, khai mạc tại Hà Nội sáng 6/5, sẽ xem xét một số báo cáo của Chính phủ, thông qua một số dự án luật và đặc biệt sẽ cho quyết định điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nhấn mạnh Việt Nam yêu cầu phía Đài Loan hủy bỏ ngay kế hoạch thị sát khu vực quần đảo Trường Sa.
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII chính thức khai mạc tại thủ đô Hà Nội sáng 6-5 và sẽ kéo dài trong 1 tháng.