Điện Biên Phủ - năm điều kỳ diệu
- Cập nhật: Thứ tư, 7/5/2008 | 12:00:00 AM
Điện Biên Phủ là trận đánh kết tụ những điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh nhân loại. Ở đây thử “lẫy” ra năm “cái nhất”.
|
Thứ nhất: Trận đánh dài ngày nhất trong lịch sử chiến tranh
Có những trận đánh đi vào lịch sử của nhân loại như Waterloo, Normandie, Trân Châu Cảng, vòng cung Kursk, công phá Berlin... những trận đánh lớn tạo nên những bước ngoặt của chiến tranh. Nhưng duy chỉ có trận Điện Biên Phủ là trận đánh dài ngày nhất trong lịch sử chiến tranh, từ cổ chí kim - kể cả những trận nổi tiếng thời Tam Quốc từ thế kỷ thứ III bên Trung Hoa như trận Xích Bích.
Tại lòng chảo Điện Biên Phủ, 56 ngày đêm không một phút nào ngưng tiếng súng. Hai bên giằng co từng tấc đất, tiếng súng đủ các loại thi nhau nổ, lúc nhiều lúc ít. Nếu có một lúc nào đó ngưng tiếng súng thì lại rộ lên tiếng cuốc xẻng đào công sự, giao thông hào, hoặc tiếng xe xúc, xe ủi phía quân Pháp đưa ra lấp lại giao thông hào của ta. Pháo sáng trên bầu trời suốt đêm.
Chỉ có hai lần trận địa Điện Biên Phủ tạm im tiếng súng:
- Buổi sáng 14-3-1954, sau khi quân ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam, ta cho một sĩ quan Pháp là tù binh mang thư của Bộ chỉ huy đại đoàn 312 gửi phía Pháp, cho phép quân Pháp thu lượm xác chết và binh lính bị thương tại Him Lam từ 8 giờ đến 12 giờ.
- Lần thứ hai, buổi sáng 15-3-1954, sau khi quân ta tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập, ta cũng cho phép quân Pháp cử người ra nhận thương binh từ 7 giờ đến 10 giờ sáng.
Thứ hai: Người dân tham gia vào trận đánh đông gấp nhiều lần quân đội
Trong lịch sử chiến tranh của thế giới, chưa có một trận đánh nào mà số lượng người dân ra mặt trận đông đến như thế. Vùng núi rừng vùng Tây Bắc dân cư thưa thớt nhưng đã có hàng vạn dân công phục vụ cho Điện Biên Phủ. Hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến được huy động từ hậu phương, tổ chức biên chế như quân đội. Đội quân xe đạp, đội quân sửa đường..., đặc biệt hơn cả là có “đội quân đóng cối xay”, là một đội quân rất kỳ lạ và hy hữu.
Chuyện như thế này: Khi đó, người ta chú trọng tìm cách có được gạo tại chỗ. Tính ra một kg gạo tại chỗ bằng 20 kg gạo chuyển từ hậu phương lên (vì dân công phải ăn vào số gạo trong quá trình 15-20 ngày vận chuyển). Bà con các dân tộc Tây Bắc chấp nhận ăn ngô, ăn sắn để dốc hết thóc lúa cho bộ đội nuôi quân nhưng không thể trông mong vào việc giã gạo bằng tay hoặc bằng cối nước rất chậm, cả ngày mới có được 5-7 kg gạo. Vì vậy phải huy động các thợ đóng cối xay từ các tỉnh ở miền xuôi lên. Chiến sĩ nào biết nghề đóng cối xay cũng tập trung lại, thành lập một đội quân đóng cối xay, giải quyết nhu cầu xay gạo tại chỗ. Đây là đội quân có một không hai và chỉ có trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Số lượng người dân tham gia vào trận đánh Điện Biên Phủ chưa tính được hết và không thể nào tính được hết, chỉ ước tính tỷ lệ so với quân sĩ là 10/1.
Thứ ba: Đội quân xe đạp hùng hậu trở thành vua vận tải của chiến trường
Một sự kỳ diệu chưa từng có ở bất cứ cuộc chiến tranh nào trên thế giới.
“Xe đạp thồ” là một danh từ ra đời từ Điện Biên Phủ. Thời ấy, những nhà khá giả, trung lưu trở lên mới có được một chiếc xe đạp. Người ta giữ gìn nó hết sức kỹ lưỡng vì đó là tài sản quý nhất của một gia đình, con cái không được sử dụng, bạn bè có việc cần cũng không dám hỏi mượn xe. Thế mà người dân sẵn sàng mang chiếc xe đạp ra trận để làm nhiệm vụ vận tải, biến chiếc xe đạp quý như vậy thành chiếc xe chở hàng. Đội quân xe đạp đã trở thành đội quân cung cấp chủ lực, là vua vận tải của chiến trường, thích hợp với những con đường nhỏ hẹp, đồi dốc, khe suối trong rừng già, xe đạp thồ luồn lách rất dễ dàng.
Mỗi chiếc xe đạp thồ lúc đầu chở được 100 kg lương thực. Sau đó cải tiến nâng dần lên chở 200-300 kg, có một dân công người tỉnh Phú Thọ chở được 352 kg.
Một chiếc xe đạp thồ chở gạo gấp 10 lần so với người gánh, suất ăn dọc đường chỉ tốn cho một người. Như vậy một người và một chiếc xe đạp bằng 100 dân công gánh gạo. Tính ra đội quân xe đạp thồ 20.000 người bằng hai triệu dân công gánh, gùi, chưa nói đến chuyện quay vòng trở lại nhanh hơn.
Thứ tư: Máy bay vận tải của Pháp liên tục tiếp tế cho quân đội Việt Nam
Từ xưa đến nay, trong các cuộc chiến tranh, những trận đánh nhằm vào lực lượng hậu cần, chặn đường tiếp tế, phá kho hàng để tiêu diệt sinh lực của đối phương là chuyện vẫn thường xảy ra, thời nào cũng có.
Nhiều trận đánh chiếm vũ khí, lương thảo, quân trang, quân dụng của nhau để “gậy ông đập lưng ông”. Thậm chí do mắc mưu, do nhầm lẫn mà vô tình cung cấp tiếp tế cho đối phương cũng đã từng có. Ngay cả như chuyện được hư cấu cho thêm phần ly kỳ, hấp dẫn là chuyện Gia Cát Lượng dùng thuyền rơm để lừa quân của Tào tháo cung cấp cho hàng chục vạn mũi tên.
Còn ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy quân Pháp tập trung thả dù tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Họ biết rất rõ việc làm bất đắc dĩ này đã cung cấp cho quân đội Việt Nam từng ngày... Biết rất rõ mà không có cách nào hạn chế, khắc phục được. Biết mà vẫn cứ phải tiếp tục làm với số lượng ngày một nhiều hơn, với thời gian không phải là một, hai ngày mà kéo dài suốt 34 ngày.
Khi trận đánh diễn ra được ba tuần lễ, vòng vây đã khép chặt lại. Ở vòng ngoại vi của trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bên giặc Pháp và bên ta gần như xen kẽ nhau, có điểm lúc này thuộc bên này, lúc khác lại thuộc bên kia. Lúc này, hơn một vạn binh sĩ Pháp chỉ trông chờ vào việc tiếp tế bằng đường hàng không. Máy bay vận tải của Pháp không dám hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh vì nằm trong tầm pháo kích của ta, sau đó sân bay còn bị hệ thống giao thông hào cắt đứt. Chỉ còn lại một con đường và một cách duy nhất là thả dù.
Về nguyên tắc, máy bay muốn thả dù, thả hàng trúng đích cần phải có hai điều kiện: Một là bay ở độ cao thấp để tránh gió dạt. Hai là phải tính được hướng gió và tốc độ gió để chọn điểm thả cho trúng đích.
Cả hai điều kiện này phía không quân Pháp đều không có được. Vì vậy khi thả dù, có chiếc rơi đúng vào khu trung tâm của quân Pháp, có chiếc rơi vào khu vực của quân ta, có chiếc lại rơi vào giữa hai bên. Bên này ra lấy, bên kia bắn và ngược lại. Ban đêm quân Pháp không dám ra, chỉ bắn vu vơ cầm chừng, các chiến sĩ ta bò ra kéo hàng về...
Thứ năm: Cuộc lui quân chưa từng có trong lịch sử
Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ |
Trên thế giới, trong lịch sử xa xưa kể lại cũng có những trận với lực lượng mạnh nhưng muốn nghi binh nên rút lui nhử cho đối phương truy kích vào vùng hiểm trở, rồi quay lại phản công nhưng đều là chuyện năm phần thật, năm phần hư cấu.
Trong lịch sử từ thế kỷ X đến thế kỷ XX mà nhân loại còn ghi chép chính xác, chưa có trận đánh nào và với lực lượng mỗi bên trên dưới 20.000 quân, bên ở thế mạnh, thế bao vây mà lại lui quân. Không phải lui quân một, hai ngày, một, hai tuần mà cuộc lui quân ở Điện Biên Phủ gần như quân đội vẫn ở lại tại chỗ, vẫn giữ thế bao vây, chuẩn bị thêm tới 45 ngày sau mới đánh. Đó là điều kỳ diệu chưa từng có trong bất cứ một cuộc chiến tranh nào, kể cả lịch sử của thế giới cũng như của Việt Nam ta.
ở Điện Biên Phủ, quân ta đông hơn, lực lượng mạnh hơn, thế ta lớn hơn, ta bao vây ở phía trên các triền núi và đã bố trí xong binh lực, hỏa lực mà vẫn có một quyết định lui quân.
Về lực lượng: ta có 27 tiểu đoàn bộ binh, địch có 12 tiểu đoàn (27/12); trọng pháo yểm trợ cho bộ binh ta có 64 khẩu, địch có 48 (64/48); pháo của ta đặt trên núi hướng xuống các vị trí tập đoàn địch ở lòng chảo; địch có năm chiếc xe tăng loại nhẹ và có máy bay yểm trợ từ xa. Nhưng ta có bốn đại đội súng cối 120 ly 16 khẩu; một trung đoàn cao xạ pháo 37 ly 24 khẩu và rất nhiều súng DKZ (loại súng chống xe tăng) trang bị đến từng đại đội.
Thế trận của ta là thế trận bao vây, chủ động tấn công; thế của địch là đối phó tấn công, bị động chờ đợi. Ý chí quân sĩ ta ở thời điểm này là cao nhất, náo nức, rạo rực, chờ đợi bao nhiêu lâu, bao nhiêu ngày để mong được nổ súng diệt quân thù để rửa hận cho dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự rằng: “Ngày hôm đó tôi đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình... Cả đêm 25-1, tôi không sao chợp mắt được...”.
Khi mọi sự đã sẵn sàng cho trận đánh mở màn, bất ngờ lệnh lui quân được ban hành.
(Theo TTO)
Các tin khác
Sáng 7-5, ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XII, QH nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
YBĐT - Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và nhất là trong cuộc tiến công chiến lược Đông xuân 1953 - 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ, địa bàn Yên Bái - Nghĩa Lộ trở thành hậu phương trực tiếp của chiến dịch.
Chiều 7/5, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008.
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, khai mạc tại Hà Nội sáng 6/5, sẽ xem xét một số báo cáo của Chính phủ, thông qua một số dự án luật và đặc biệt sẽ cho quyết định điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh.