Yên Bái đã có những biện pháp tích cực trong thực hiện các giải pháp của Chính phủ
- Cập nhật: Thứ năm, 15/5/2008 | 12:00:00 AM
YBĐT - Ở Yên Bái đã có những biện pháp tích cực trong chỉ đạo cụ thể, thực hiện các giải pháp của Chính phủ đề ra nhằm khôi phục sự phát triển kinh tế xã hội, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
|
Đó là ý kiến thảo luận của đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Quốc hội khóa XII tại thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008.
... Trước hết, tôi thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2007 và 4 tháng đầu năm 2008, đặc biệt không né tránh khi nêu tồn tại, yếu kém và nguyên nhân cùng 8 nhóm giải pháp mạnh nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
Một thực tế không thể phủ nhận đó là tình hình tăng giá liên tục của dầu, lương thực, thực phẩm của hầu hết nguyên vật liệu cơ bản, cấp độ tăng giá đã đạt ở mức từ “áp thấp” lên thành “bão giá”. Cùng với tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi thiệt hại lớn về sản xuất, chết gia súc, trâu bò do đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm đã tác động đáng kể đến tình hình sản xuất và đời sống nhiều bộ phận dân cư.
Tuy nhiên, kết quả không đạt được như mong muốn bởi Yên Bái cùng hoàn cảnh như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên, điểm xuất phát đi lên vốn thấp, khó khăn, nay lại có biểu hiện khó khăn hơn, về mức sống của người dân có phần giảm và khoảng cách so với các tỉnh miền xuôi có xu hướng doãng thêm ra.
Đa phần người dân miền núi nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao không hiểu lạm phát được tính dựa trên sự biến động của chỉ số giá tiêu dùng CPI như chúng ta đang biết đã ở 2 con số và cao nhất kể từ hơn 10 năm trở lại đây.
Người dân miền núi vùng cao chỉ thấy rõ rằng mức thu nhập không tăng hoặc tăng chậm, nhưng giá nhiều mặt hàng thiết yếu liên quan phục vụ đến sản xuất và đời sống lại tăng cao, tăng nhanh. Người dân đi chợ, đi mua vật tư cho sản xuất luôn kêu “mất tiền” bởi do tăng giá. Có một số tình hình liên quan đến an ninh và an sinh xã hội gần đây cũng phải được quan tâm, đó là di dân tự do vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao có biểu hiện gia tăng, trong đó có nguyên nhân do thiếu đất sản xuất.
Tỷ lệ hộ dân nghèo đói, giáp hạt tăng gấp khoảng 1,5 lần. Hiện nay, cả nước tăng khoảng 42,2% trong khi nhiều hộ mới thoát nghèo luôn ở ngưỡng rớt xuống dưới chuẩn nghèo. Trong thực tế, họ đã thuộc hộ chuẩn nghèo do giá sinh hoạt tăng và chất lượng chuẩn nghèo của chúng ta hiện nay cũng đang thấp.Giá dịch vụ y tế, giá thuốc chữa bệnh tăng làm cho chất lượng chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân cũng kém đi.
Trước tình hình trên, quán triệt và thực hiện có hiệu quả các yêu cầu đề ra của Thủ tướng Chính phủ, tôi xin đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm giúp địa phương một số nội dung sau:
Một là, cần tập trung kiểm tra và chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 27 ngày 5 tháng 2 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội đối với các tỉnh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và một số chính sách trước đó đối với vùng khó khăn. Đặc biệt là các đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho phát triển giao thông, thuỷ lợi, giáo dục, y tế, chính sách hỗ trợ vùng nghèo, người nghèo.
Hai là, tiếp tục kéo dài thời gian đến năm 2010 về việc thực hiện Chương trình 134 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, lồng ghép chặt chẽ với một số chương trình liên quan khác.
Bởi vì, theo kế hoạch và mục tiêu của chương trình thì năm 2006 phải cơ bản thực hiện xong, nay đã sang năm 2008, theo kế hoạch thì hiện nay còn 70% số hộ, 69% diện tích đất sản xuất, 53% số công trình nước sinh hoạt tập trung và 49% số hộ sử dụng nước phân tán theo kế hoạch còn chưa được thực hiện.
Ba là, thống nhất thực hiện Quyết định 390 ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành kế hoạch xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát. Song đối với các tỉnh miền núi khó khăn thực tế các dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước là rất ít, thường chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.
Tôi xin đề nghị:
-Không cắt, giảm, đình, hoãn đối với các công trình thuộc nguồn vốn các chương trình mục tiêu đã giao vì đa số là hạng mục này công trình nhỏ, vốn bé lại liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và kế hoạch cũng đã được giao triển khai xuống đến huyện và xã.
-Về việc cắt giảm khoảng 25% kế hoạch vốn trái phiếu của Chính phủ trong năm 2008, tôi xin đề nghị không nên cắt giảm bình quân. Đối với các tỉnh miền núi khó khăn đề nghị cân nhắc kỹ, có thể không cắt giảm hoặc ở tỷ lệ hợp lý, nhất là đối với các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, công trình liên quan đến phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, đối với Yên Bái, liên quan cả Lào Cai là đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội. Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 70 Lào Cai về Phú Thọ, đề nghị không nên cắt giảm và không hoãn khởi công.
(Đầu đề do Báo YBĐT đặt)
Các tin khác
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định Việt Nam luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm và tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, trong đó có đạo Phật.
YBĐT - Tính đến ngày 30/4/2008, 100% cơ sở DQTV đã hoàn thành công tác củng cố xây dựng lực lượng năm 2008. Song việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) như thế nào cho hiệu quả theo pháp lệnh dân quân tự vệ sửa đổi và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và quân đội, sát với điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương là vấn đề đã và đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Yên Bái quan tâm, nghiên cứu, vận dụng thực hiện cho phù hợp.
YBĐT - Ngày 14/5, Tỉnh uỷ Yên Bái đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 ban chấp hành TƯ Đảng khoá IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và về công tác dân tộc.
Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên hợp quốc 2008 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội sáng 14/5, với sự tham dự của gần 2.000 đại biểu đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.