Mô hình tổ chức nào cho cơ quan thi hành án dân sự?
- Cập nhật: Chủ nhật, 25/5/2008 | 12:00:00 AM
Gần 50 ý kiến phát biểu tại hội trường chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội (QH) đối với dự án Luật Thi hành án dân sự (THADS).
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tại kỳ họp. Ảnh VnMedia
|
Tuy nhiên, mô hình tổ chức của cơ quan thi hành án dân sự, các biện pháp bảo đảm và những quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, trách nhiệm, quyền lợi của chấp hành viên THADS… là những vấn đề còn một số ý kiến khác nhau.
Cơ quan THADS trực thuộc Bộ Tư pháp hay chính quyền các cấp?
ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt câu hỏi: “Trước khi đặt vấn đề thay đổi mô hình tổ chức của cơ quan THADS (thuộc Cục Thi hành án, Bộ Tư pháp như hiện nay hoặc trực thuộc UBND các cấp - PV) thì phải có sự phân tích lý do cụ thể của số vụ án tồn đọng, không thi hành được. Bao nhiêu phần trăm do bản án tuyên không khả thi, bao nhiêu phần trăm do mô hình tổ chức không phù hợp nên không làm được”?
Là một cán bộ trong ngành tư pháp, ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đề nghị giữ nguyên mô hình “ngành dọc”, tức là cơ quan thi hành án vẫn trực thuộc Bộ Tư pháp như hiện nay, song tăng cường sự phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong quá trình thi hành án. Chia sẻ quan điểm này, ĐB Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) nói thêm: “Cơ quan thi hành án cần độc lập với chính quyền địa phương, như thế tránh được một số tiêu cực có thể nảy sinh trong quá trình quản lý tài sản vật chứng hiện có”. Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long). ĐB nhấn mạnh, việc thay đổi mô hình tổ chức sang trực thuộc chính quyền có thể kéo theo sự thay đổi lớn về mặt biên chế.
Tuy nhiên, một nhóm ý kiến khác lại cho rằng việc cơ quan thi hành án trực thuộc UBND cấp tỉnh sẽ huy động được các ngành chức năng cùng phối hợp thi hành án hiệu quả hơn, nhất là trong trường hợp phải cưỡng chế thi hành án. “Thi hành án dân sự cốt nhằm yên dân, chậm thi hành khiến dân bất bình, bức xúc.
Ở địa phương tôi, có những vụ án tồn đọng tới hàng chục năm, cho đến khi chính quyền vào cuộc quyết liệt mới làm được”, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý hoạt động thi hành án, Chính phủ đề nghị QH ủng hộ phương án “ngành dọc”. “Theo chỗ tôi biết chưa có nước nào áp dụng mô hình cơ quan thi hành án trực thuộc địa phương”, ông khẳng định.
Xã hội hóa thi hành án không phải là công ty đòi nợ thuê!
Phát biểu giải trình thêm một số vấn đề về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường công nhận, dù là nâng cấp lên từ pháp lệnh, song dự án luật buộc phải bổ sung thêm hàng trăm điều mới, vì THADS là vấn đề hết sức phức tạp. “Tới đây, Chính phủ sẽ phải trình QH cho phép xây dựng lại Bộ Luật thi hành án để tạo sự đồng bộ, thống nhất quản lý Nhà nước về công tác thi hành án nói chung, án dân sự nói riêng”, ông nói.
Về một số vấn đề cụ thể mà các ĐBQH góp ý liên quan đến xã hội hóa (XHH), công tác THADS, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích: “Xin với QH cho sửa theo hướng không phải cấp phép cho một cá nhân để thành lập một tổ chức thực hiện việc thi hành án mà thay vào đó sẽ bổ nhiệm một chức danh, ví dụ thừa phát lại và người được bổ nhiệm sẽ thành lập ra tổ chức để thực hiện việc thi hành án. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN, có những việc xã hội có thể làm tốt thì chúng ta có chủ trương XHH để giảm bớt gánh nặng”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cung cấp thêm thông tin, ở một số nước đã có cả các doanh nghiệp đứng ra quản lý trại giam. “XHH thi hành án không phải là dạng công ty đòi nợ như có ĐBQH lo ngại”, ông nhấn mạnh. Chính phủ đã có nghị định quy định về dịch vụ đòi nợ, theo đó các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì không giao cho các công ty đòi nợ.
Cuối buổi sáng, QH đã nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật của QH về dự án Luật Quốc tịch.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Ngày 24/5 tại Hà Nội, ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Tổ chức Nghị sỹ Hữu nghị Việt-Nhật, đã tiếp đoàn đại biểu Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt do Chủ tịchsutomu Takebe dẫn đầu.
Ngày 23-5, nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống nước CH Rwanda Paul Kagame sang thăm chính thức Việt Nam đã tới Hà Nội. Tại Phủ Chủ tịch, chiều 23-5, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống CH Rwanda Paul Kagame theo nghi thức trọng thể dành cho nguyên thủ quốc gia. Cùng dự lễ đón, có nhiều quan chức cấp cao hai nước Việt Nam và Rwanda.
YBĐT - Trong quý I/2008, HĐND tỉnh Yên Bái đã tổ chức được trên 70 cuộc giám sát. Nội dung giám sát tập trung vào các chuyên đề trọng tâm: việc triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2008; thực hiện xã hội hóa y tế và xây dựng chuẩn quốc gia y tế xã; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông; thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu.
Theo thông báo của Ban Đối ngoại Trung ương, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh sẽ thăm hữu nghị chính thức nước CHND Trung Hoa từ ngày 30-5 đến ngày 2-6.