Lục Yên khơi nguồn sức mạnh đại đoàn kết
- Cập nhật: Thứ hai, 26/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Lục Yên là huyện miền núi, có diện tích tự nhiên 80.870 ha, dân số trên 10 vạn người gồm 16 dân tộc chung sống trên 23 xã và 1 thị trấn. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, các tôn giáo đã chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn thử thách, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Trung tâm xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên bên bến Lăn.
Ảnh: Quang Tuấn.
|
Điều khẳng định đầu tiên và cũng là cơ sở gốc rễ cho việc thực hiện chương trình hành động về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) chính là những nghị quyết lãnh đạo đúng hướng, kịp thời. Đó là các nghị quyết về phát triển giao thông nông thôn, về xóa ruộng 1 vụ, làm vụ 3, tăng giá trị sử dụng đất canh tác, nghị quyết về đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi thu hút các nhà đầu tư xây dựng các công trình sản xuất và khai thác trong lĩnh vực công nghiệp.
Là huyện có tới 79% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, vận động, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chính sách về dân tộc và miền núi; thực hiện việc trợ giá, trợ cước, khám chữa bệnh, hỗ trợ vốn và kỹ thuật, khuyến khích đồng bào ứng dụng KHKT để thâm canh, tăng năng suất, từng bước nâng cao kiến thức và tư duy sản xuất hàng hóa cho nhân dân nhất là ở vùng cao.
Quá trình quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đã thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn, các dự án với chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo; tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Riêng vốn Chương trình 135 giai đoạn 1 đã đưa vào sử dụng trên 30 tỷ đồng đầu tư cho 11 xã đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2006 tới nay trị giá trên 5,4 tỷ đồng, đầu tư cho 6 xã đặc biệt khó khăn. Chương trình 134 tuy mới thực hiện từ năm 2004 đến nay đã đạt giá trị trên 10 tỷ đồng, đầu tư xây dựng một số công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo làm 666 nhà ở, 1691 bể nước, 1222 giếng nước và khai hoang đất sản xuất 76,55 ha cấp cho 1.019 hộ.
Nhờ kết hợp các nguồn vốn Nhà nước đầu tư với vốn tín dụng, vốn huy động nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác, 5 năm qua toàn huyện đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, đường ô tô đi tới tất cả các xã, thị trấn, đường thôn bản được mở rộng, nâng cấp, 100% xã có trạm y tế và điểm bưu điện văn hóa xây dựng khang trang, 87% phòng học xây kiên cố, 100% xã có điện thoại, điện lưới quốc gia và đài truyền thanh cơ sở, tỷ lệ phủ sóng phát thanh truyền hình đạt trên 95%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47% năm 2003 xuống 29,13% năm 2007.
Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, những năm qua, huyện đã quan tâm thỏa đáng tới nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, giải quyết việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội; khuyến khích các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; khôi phục một số lễ hội truyền thống như: lễ hội đền Đại Cại, đền Nà Ngàm; sưu tầm, phổ biến một số làn điệu hát khắp, cọi, giới thiệu nét đẹp văn hóa trong lễ “Thạu khoăn” của người Tày, lễ “Cấp sắc” của người Dao... Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng. Số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa tăng từ 13.135 hộ năm 2003 lên 17.200 hộ năm 2007. Số làng văn hóa ra mắt năm 2003 có 64 làng, 1 xã, đến năm 2007 tăng lên 187 làng và 3 xã, có 87 làng văn hóa đã được công nhận. Hầu hết các khu dân cư đều xây dựng hương ước, quy ước, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và gương mẫu thực hiện các quy định nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
5 năm qua, Đảng bộ huyện cũng chỉ đạo sát sao công tác xây dựng hệ thống chính trị và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi đây là nhân tố quan trọng để thực hiện thắng lợi chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc. Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện liên tục mở các lớp, phối hợp với các ban Đảng và cơ quan chuyên môn bồi dưỡng trình độ, tay nghề, nâng cao năng lực công tác cho cán bộ. Từ năm 2003 đến nay đã mở 65 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho 3858 lượt đảng viên, 50 lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn cho 2758 lượt cán bộ, mở các lớp dạy nghề lái xe, tin học, quản lý đài truyền thanh xã, viết lịch sử Đảng bộ... cho hàng trăm cán bộ cơ sở.
Để MTTQ các cấp thực sự đại diện cho tiếng nói của các tầng lớp nhân dân, là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Huyện ủy đã chỉ đạo thường xuyên củng cố, tăng cường chất lượng cán bộ MTTQ và đoàn thể thành viên. Hoạt động của MTTQ và đoàn thể hướng mạnh về cơ sở, lấy thôn bản, khu dân cư làm địa bàn chủ yếu để tuyên truyền vận động.
Công tác dân vận của MTTQ và đoàn thể chú trọng phát huy vai trò của những người có uy tín như già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, những cốt cán giáo dân gương mẫu, những người hành nghề thầy cúng, thầy tạo và những ông lang, bà mế có tín nhiệm. Việc làm đó đã tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân phát huy trí tuệ, tài năng và quyền làm chủ đóng góp cho sự nghiệp chung; làm hạn chế và thu hẹp những yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định, là cơ sở để đạt tới sự phát triển toàn diện và vững mạnh.
5 năm thực hiện nghị quyết của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là một thời gian chưa dài song với những nỗ lực của cán bộ, đảng viên và sự góp sức đầy trách nhiệm của nhân dân các dân tộc, các tôn giáo, đã làm cho bộ mặt nông thôn miền núi chuyển biến rõ rệt. So với yêu cầu công cuộc đổi mới của đất nước và của địa phương thì những thành quả đạt được còn rất khiêm tốn, song ở đây đã chứa đựng một ý chí, quyết tâm vươn lên rất lớn, sự đồng thuận rất cao của toàn Đảng bộ và nhân dân, là sự phản ánh tư duy nhất quán "Lấy dân làm gốc" trong các chủ trương lãnh đạo của Đảng bộ.
Những ngày tháng 5 này, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đang nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 13,5% năm 2008; thu nhập bình quân đầu người 6,68 triệu đồng; duy trì nền kinh tế – xã hội phát triển bền vững, toàn diện và bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiệm vụ chính trị của huyện là tiếp tục khơi nguồn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra sự đồng thuận vững vàng, phấn đấu xây dựng Lục Yên vươn lên giữ vững danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Văn Bùi
Các tin khác
Một trong những nội dung của kỳ họp Quốc hội (QH) được công luận hết sức quan tâm sẽ diễn ra vào hai ngày thứ sáu và thứ bảy tuần này (30 và 31-5). Đó là phiên QH nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và chất vấn các thành viên Chính phủ.
Gần 50 ý kiến phát biểu tại hội trường chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Quốc hội (QH) đối với dự án Luật Thi hành án dân sự (THADS).
Ngày 24/5 tại Hà Nội, ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Tổ chức Nghị sỹ Hữu nghị Việt-Nhật, đã tiếp đoàn đại biểu Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt do Chủ tịchsutomu Takebe dẫn đầu.
Ngày 23-5, nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng thống nước CH Rwanda Paul Kagame sang thăm chính thức Việt Nam đã tới Hà Nội. Tại Phủ Chủ tịch, chiều 23-5, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống CH Rwanda Paul Kagame theo nghi thức trọng thể dành cho nguyên thủ quốc gia. Cùng dự lễ đón, có nhiều quan chức cấp cao hai nước Việt Nam và Rwanda.