Thịnh Hưng: Làm theo lời Bác

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân và các trường học đóng trên địa bàn.

Qua đợt học tập này lề lối tác phong của cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng được chuyển biến tích cực. Điều đó đã khẳng định được vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng, củng cố thêm niềm tin, tạo sự đồng thuận giữa Đảng với dân.

Với 176 đảng viên sinh hoạt tại 13 chi bộ (10 chi bộ thôn, 3 chi bộ trường học), nhiều năm qua, Đảng bộ xã Thịnh Hưng luôn được đánh giá là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Lơi - Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Đảng bộ đã thành lập Ban chỉ đạo gồm 11 đồng chí, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí, xây dựng kế hoạch triển khai các bước học tập cụ thể, chi tiết. Đảng bộ mời các đồng chí ở Ban Tuyên giáo huyện về truyền đạt, sau đó có bản cam kết của từng đảng viên với chi bộ và các chi bộ với Đảng bộ.”

Trước đây, ở Đảng bộ Thịnh Hưng, nhiều cán bộ, đảng viên thường đi làm muộn, đến trụ sở thì ngồi uống nước chè, tán ngẫu, ít xuống cơ sở; các buổi sinh hoạt của các chi bộ, Đảng bộ thường rời rạc, chung chung, phổ biến cho xong, không có việc làm cụ thể, dẫn đến việc thực hiện hiệu quả không cao. Công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục, giấy tờ phiền hà, có khi người dân đến chờ cả ngày, hay phải đi lại nhiều lần mới giải quyết xong một việc…

Qua đợt học tập, ý thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức xã được nâng lên rõ rệt, lề lối, tác phong của cấp ủy, các chi bộ và cán bộ đảng viên trong công việc hàng ngày cũng như tại các cuộc họp chi bộ, Đảng bộ được đổi mới rõ nét nhất là bộ phận “một cửa” đã giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả, không gây phiền hà đến người dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền được thay đổi một cách căn bản. Điều đó được thể hiện bằng việc Đảng bộ xây dựng quy chế làm việc gồm 7 nội dung như: đi làm đúng giờ, phân công lãnh đạo xã xuống cơ sở, phân công phụ trách thôn bản; thời gian lãnh đạo xã trực để tiếp dân… triển khai đến toàn thể Ban chấp hành, các chi bộ, trưởng các đoàn thể, ban ngành và dán ở trụ sở UBND xã. Các chi bộ thôn bản, phân công đảng viên phụ trách hộ, mỗi đảng viên phụ trách từ 2-3 hộ thường xuyên thăm hỏi, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, phổ biến những kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất, giới thiệu những mô hình làm kinh tế giỏi để nhân dân đến học tập và làm theo. Trong các buổi họp thường diễn ra ngắn gọn, bàn vào những việc vụ thể, những vấn đề cấp thiết ở địa phương…

Cùng với sự chuyển biến về nhận thức, lề lối, tác phong làm việc, Đảng bộ còn chú trọng đẩy mạnh công tác phát triển Đảng. Năm 2007 kết nạp được 8 đảng viên mới, trong quý I năm 2008 đã kết nạp thêm 3 đảng viên và phấn đấu hết năm kết nạp được 13-15 đảng viên. Đảng bộ chú trọng nâng cao tính chiến đấu, ý thức phê bình và tự phê bình, tập trung chỉ đạo sửa chữa khuyết điểm, hạn chế; thực hiện đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; hướng dẫn đội ngũ cán bộ, đảng viên tăng cường tuyên truyền các nội dung của cuộc vận động đến từng hộ gia đình, các đảng viên được phân công phụ trách hộ làm tốt nhiệm vụ của mình nên đã nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, giúp đỡ hộ trong phát triển sản xuất...

Từ đó, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Nhiều mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao như: gia đình ông Phạm Đức Kết, thôn Suối Chép, với mô hình VACR thu nhập bình quân đạt 60-70 triệu đồng/năm; gia đình ông Lê Hậu Phương, thôn Đào Kiều có trên 40 ha rừng trồng keo, quế và trên 10 ha chè LDP1 đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; gia đình bà Trần Thị Huy, thôn Đá Voi, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản và trồng chè cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm…

Thực hiện nghiêm túc cuộc vận động đã tạo được bước chuyển biến về nhận thức và hành động của từng cán bộ đảng viên đã nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, giúp Đảng bộ xã Thịnh Hưng giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh 8 năm liên tục; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1,8%, phấn đấu năm 2010 chỉ còn 0,5%.

Ánh Dương

Các tin khác
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm công nhân thi công đường Hồ Chí Minh.

Trong dòng người vào Hội trường Thống Nhất viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - hay còn gọi bằng cái tên thân mật “ông Sáu Dân”, chúng tôi thấy anh Trương Văn Ngọc (tỉnh Long An) dắt đứa con 3 tuổi chờ từ sáng sớm để vào viếng. Anh không nén được xúc động: “Ông Sáu là ân nhân của bà con đồng bằng sông Cửu Long, là cha đẻ của các công trình “sống chung với lũ”, cầu Mỹ Thuận, đường dây tải điện 500kV… Từ hồi thôi làm Thủ tướng đến giờ, ông Sáu có nghỉ phút nào đâu!”…

Sáng 14/6, lễ viếng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.

YBĐT - Ngày 13/6, đồng chí Hà Hùng Cường - Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng đoàn công tác đã lên thăm và làm việc tại Yên Bái. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các ngành trong khối nội chính và một số ban ngành của tỉnh đã tiếp và làm việc với Bộ trưởng.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1997.

Báo chí thế giới đã đồng loạt có những bài viết về nguyên thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, người được đánh giá là nhà lãnh đạo kiệt xuất thời kỳ Đổi mới, sau khi ông qua đời ở tuổi 86.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục