Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Kuwait
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/8/2008 | 12:00:00 AM
Chiều 14/8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trả lời phỏng vấn nhật báo Al Alba’a (Kuwait) về thành tựu cải cách kinh tế và chính trị ở Việt Nam; quan hệ giữa Việt Nam với Kuwait và các nước A-rập vùng Vịnh…
Chủ tịch nước cũng trả lời những kết quả của Việt Nam đạt được trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ); tình hình cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam.
Về quan hệ song phương Việt Nam - Kuwait, quan hệ giữa Việt Nam với các nước A-rập nói chung, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, sau chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2007 của Thủ tướng Kuwait Nasser Al Mohammed Al Ahmed Al Sabah, quan hệ giữa hai nước bước vào một giai đoạn mới, phát triển rất tích cực và đi vào chiều sâu. Trong lĩnh vực kinh tế, Kuwait hiện có 8 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn gần 2 tỷ USD, trong đó có dự án rất quan trọng là Nhà máy lọc dầu tại Nghi Sơn (Thanh Hóa)… Qua nhật báo Al Alba’a, Chủ tịch nước khẳng định với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Kuwait rằng Việt Nam luôn hoan nghênh và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Kuwait vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tăng cường và củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Kuwait là quốc gia đầu tiên ở vùng Vịnh thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (tháng 1/1976); Quỹ Kuwait Phát triển kinh tế A-rập có nhiều dự án hỗ trợ, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại Việt Nam… Chủ tịch nước khẳng định, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam với khu vực Trung Đông - châu Phi, Kuwait luôn có một vị trí quan trọng. Năm 2003, Đại sứ quán đầu tiên của Việt Nam ở vùng Vịnh đã được mở tại Kuwait. Đối với các nước A-rập, Việt Nam luôn biết ơn và đánh giá cao sự ủng hộ nhiệt thành về tinh thần và vật chất của nhân dân các nước A-rập dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhân dân Việt Nam và các nước A-rập lại sát cánh bên nhau cùng xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước A-rập và đã mở cơ quan đại diện ngoại giao ở 9 nước A-rập.
Trả lời câu hỏi về những thành tựu của Việt Nam thời gian qua, Chủ tịch nước chia sẻ, trong hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, an ninh, chính trị xã hội luôn ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Việt Nam cơ bản đã hoàn thành nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Theo Chủ tịch nước, đạt được những kết quả này là nhờ: Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ cơ chế tập trung sang nền kinh tế thị trường, phát huy ngày càng tốt hơn tiềm năng của các thành phần kinh tế. Việt Nam đã hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, tham gia các tổ chức khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, ASEM và gần đây nhất là WTO. Việt Nam chủ trương gắn kết phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, tạo mọi nguồn lực cho phát triển và đảm bảo ổn định chính trị-xã hội.
Trên khía cạnh thu hút đầu tư, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tình hình chính trị-xã hội ổn định, kinh tế phát triển năng động, có nguồn nhân lực dồi dào và rất trẻ, thị trường lớn với khoảng 86 triệu dân, có chính sách thông thoáng và dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về thành tựu của Việt Nam kể từ khi trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Chủ tịch nước nhấn mạnh LHQ và cộng đồng thế giới đã ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam ở vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, và đặc biệt là Chủ tịch luân phiên HĐBA trong tháng 7 vừa qua. Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và vận dụng những kinh nghiệm được tích lũy nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, có chất lượng vào các hoạt động của HĐBA. Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán là tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia, ủng hộ hòa bình, đối thoại và hợp tác, đóng góp tích cực trong nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng được thảo luận và bỏ phiếu tại HĐBA.
Trả lời câu hỏi về đóng góp của cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam là một nước có nhiều tôn giáo. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra bình thường ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo được ghi rõ trong Hiến pháp Việt Nam và được tôn trọng trên thực tế. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nhà nước Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều văn bản pháp quy nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Cộng đồng Hồi giáo là 1 trong 6 tôn giáo lớn ở Việt Nam, góp phần vào sự đa dạng của nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 14/8, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả bão lũ tại các huyện Lục Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái.
>>>Xem Video đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kiểm tra tại huyện Lục Yên.
Ngày 13-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu chỉ đạo lớp bồi dưỡng về “Phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế” cho trên 180 cán bộ chủ chốt thuộc 59 tỉnh, TP do Bộ Nội vụ tổ chức tại TPHCM.
YBĐT - Chiều ngày 13/8, tại huyện Yên Bình, đồng chí Hoàng xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cùng lãnh đạo Sở Giao thông đã kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt và giao thông sau lũ tại các xã vùng Đông Hồ, huyện Yên Bình.
YBĐT - Ngày 13/8, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã đến kiểm tra tình hình mưa lũ tại Yên Bái, cùng đi với đoàn có các đồng chí trong Ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ…