Sơn Thịnh sớm đưa nghị quyết thành hiện thực cuộc sống
- Cập nhật: Thứ năm, 11/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nằm ở trung tâm của huyện Văn Chấn (Yên Bái), xã Sơn Thịnh là nơi chung sống của đồng bào 13 dân tộc anh em. Nghề nghiệp chính của người dân là trồng lúa nước, trồng rừng, cây chè và cây hoa màu.
Từ khi Sơn Thịnh được chọn để xây dựng huyện lỵ đã có một số hộ chuyển sang kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ và làm dịch vụ. Nhìn chung đời sống nhân dân tương đối ổn định. Tuy vậy những thôn bản xa trung tâm vẫn còn thiếu thốn, có thôn như Bản Lềnh 90% hộ nghèo.
Nhằm phát huy mọi nguồn lực đưa địa phương vươn lên, tại các kỳ họp thứ 9 và thứ 10 - Hội đồng nhân dân xã khoá XVIII đã có nghị quyết về thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2008.
Nhưng ngay từ đầu năm, việc thực hiện nghị quyết gặp không ít khó khăn. Giá cả thị trường tăng cao, đặc biệt các mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp làm ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển sản xuất và đời sống nhân dân.
Rồi chưa kịp khắc phục hết hậu quả trận lũ năm 2005 thì đợt rét đậm, rét hại kéo dài lại gây thiệt hại khá nghiêm trọng: 50% diện tích mạ bị hỏng; 31 con trâu, bò bị chết; một số diện tích rừng kinh tế phải trồng lại.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và cố gắng của nhân dân, cùng với việc giám sát của HĐND xã đã góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Vụ xuân, nông dân 17 thôn bản phấn đấu cấy hết diện tích lúa nước là 117ha và trồng được 350ha cây màu các loại. Do có sự chỉ đạo sát sao và kịp thời mà cây lúa và cây màu đều phát triển tốt, đạt năng suất và sản lượng như kế hoạch đề ra.
Cùng với vụ mùa cấy hết diện tích lúa bằng 60% giống lúa thuần chất lượng cao để đảm bảo thời gian sản xuất vụ đông, phấn đấu đưa sản lượng cây lương thực có hạt đạt 2.600 tấn/năm. Cây chè xác định là cây xoá đói giảm nghèo cũng được nhân dân quan tâm chăm sóc.
Tổng diện tích chè hiện có 190ha, trong đó có 154ha chè kinh doanh. Do giá chè búp tươi thời gian qua ổn định làm cho người trồng chè phấn khởi mà tích cực đầu tư chăm sóc, phát triển trồng mới và cải tạo những vườn cây giá trị kinh tế thấp thành vườn chè. Vụ thu 2008, xã chỉ đạo trồng mới 15ha và trồng cải tạo 10ha.
Đến Sơn Thịnh mùa này, đâu đâu cũng gặp hương thơm và vị ngọt ngào của nhãn quả đang vào mùa thu hoạch. Ở đây nhãn trồng ven suối, nhãn mọc trên đồi, cả xã có đến 300ha. Dù lúc được mùa, rớt giá nhưng từ loại cây này vẫn mang lại nguồn thu ngót 2 tỷ đồng. Nhãn bên chè, chè với rừng tạo nên sự bền vững trong phát triển nông lâm nghiệp.
Hiện nay địa phương có 450ha rừng phòng hộ cùng 447ha rừng kinh tế. Nhận thấy nguồn lợi từ rừng là không nhỏ mà năm 2008 địa phương đặt kế hoạch trồng mới 120ha và trồng dặm 80ha. Xã cũng thành lập ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức cho nhân dân học tập và ký cam kết nhằm tránh xâm hại và ngăn chặn xảy ra cháy rừng.
Bên cạnh trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng được Sơn Thịnh quan tâm phát triển. Xã đứng ra giúp các gia đình vay vốn ngân hàng mua giống trâu bò, lại còn hướng dẫn phát triển trồng cỏ voi làm thức ăn. Trên 1.100 con trâu, bò, dê cùng 6.400 đầu lợn không chỉ bảo đảm sức kéo mà còn là hàng thương phẩm xuất bán trên thị trường.
Từ tập trung phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm mà mức tăng trưởng đạt 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 6,2 triệu đồng/năm. Phấn đấu trong năm xoá được 30 hộ nghèo để giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 18%.
Khi kinh tế phát triển là điều kiện để xã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho những thôn bản còn khó khăn. Đường giao thông đến các thôn Văn Thi 3, thôn Bản Lềnh; làm nhà sàn văn hoá thôn Bản Hốc, hội trường thôn Phiêng 1… đều có sự huy động sức dân.
Cũng chưa bao giờ phong trào văn nghệ, thể thao lại phát triển như bây giờ. Cả xã có 14 đội bóng đá, 2 đội bóng chuyền và thường xuyên duy trì 14 đội văn nghệ quần chúng. Vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn là tổ chức đêm văn nghệ chào mừng và thi đấu thể thao.
Công tác xã hội hoá giáo dục, phổ cập giáo dục, xây dựng xã chuẩn quốc gia y tế luôn được chú ý. Sơn Thịnh là xã thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và phấn đấu được công nhận 3 làng văn hoá cấp huyện. Cùng với kinh tế, văn hoá cũng trở thành nguồn lực quan trọng giúp cho vùng quê này ngày càng phát triển.
Thời gian từ nay đến cuối năm không còn dài, những chỉ tiêu đặt ra để phấn đấu cần phải có sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến mọi cử tri; tăng cường công tác giám sát chính là biện pháp hữu hiệu để sớm đưa nghị quyết HĐND thành hiện thực cuộc sống.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Từ 9 đến 11/9, Đoàn giám sát của Uỷ ban khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội, do đồng chí Nguyễn Đăng Vang- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn, đã có cuộc giám sát về việc triển khai thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tại các huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam coi trọng và luôn nỗ lực để vun đắp mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đặc biệt Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực.
Chiều 9-9, tại TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thân mật tiếp Hoàng tử Andrew Albert Christian Edward của Vương quốc Anh, Hoàng thân Công tước Xứ York, đang ở thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6 đến ngày 10-9.
Chiều 8/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tiếp ông Uông Dương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đông, dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Quảng Đông đang ở thăm Việt Nam.