Giữ hình phạt tử hình đối với tội "tham ô" và "nhận hối lộ"
- Cập nhật: Thứ hai, 25/5/2009 | 12:00:00 AM
Sáng nay 25.5, Quốc hội (QH) nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Ngay sau đó, QH thảo luận tại hội trường về dự án luật này.
Giữ hình phạt tử hình đối với 9 tội danh
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho biết, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đề nghị cho giữ hình phạt tử hình ở 9 tội danh quy gồm: "sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" (Điều 157); "tham ô tài sản" (Điều 278); "nhận hối lộ" (Điều 279); "phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia" (Điều 231); "chống mệnh lệnh" (Điều 316) và "đầu hàng địch" (Điều 322); "phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược" (Điều 341), "chống loài người" (Điều 342) và "tội phạm chiến tranh" (Điều 343).
UBTVQH cho rằng, tệ nạn tham nhũng hiện nay vẫn đang diễn ra nghiêm trọng và phức tạp; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc giữ lại hình phạt tử hình đối với loại tội phạm này là thể hiện tính nhất quán, sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc đẩy lùi và trừng trị nghiêm khắc cũng như răn đe, phòng ngừa chung đối với tội phạm tham nhũng.
Đối với tội danh quy định tại Điều 157, theo UBTVQH, hiện nay tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Mặc dù khách thể bị xâm hại của các hành vi này là trật tự quản lý kinh tế nhưng hậu quả của nó thì liên quan tới tính mạng, sức khỏe của nhiều người trên phạm vi rộng. Ngoài ra, hành vi này còn xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Do đó, cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình đối với tội danh này...
Đối với các tội quy định tại Điều 111 (Tội hiếp dâm) và Điều 334 (Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự), bà Lê Thị Thu Ba cho biết có nhiều ý kiến đại biểu QH cho rằng cần giữ lại hình phạt tử hình đối với tội danh này, để trừng trị nghiêm khắc các hành vi phi nhân tính, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em. Đây cũng là những hành vi đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, theo UBTVQH, hành vi hiếp dâm xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, nhưng xét về mức độ nguy hiểm của hành vi và thực tiễn xét xử trong thời gian qua, đồng thời với chủ trương giảm bớt hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự (BLHS), thì không nhất thiết phải giữ lại hình phạt tử hình đối với tội danh này. Mặc dù đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng quy định hình phạt tù chung thân đối với tội này là đủ nghiêm khắc và vẫn bảo đảm để trừng trị, răn đe, phòng ngừa chung. Bà Lê Thị Thu Ba giải thích thêm, trường hợp người phạm tội hiếp dâm trẻ em, hoặc vừa hiếp dâm, vừa cố ý giết người hoặc cướp tài sản thì có thể bị áp dụng hình phạt tử hình về tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112), tội giết người (Điều 93) hoặc tội cướp tài sản (Điều 133)... của BLHS. Vì vậy, UBTVQH đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm.
UBTVQH cũng đề nghị QH bỏ hình phạt tử hình đối với tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Không hình sự hóa tội sử dụng ma túy
Về quy định tách tội "tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy" (Điều 194 BLHS hiện hành) thành các tội "mua bán trái phép chất ma túy" (Điều 194) và tội "tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy" (Điều 194a), do còn có các ý kiến khác nhau, UBTVQH đề xuất 2 phương án để QH cho ý kiến: Phương án 1: Giữ như quy định hiện hành; phương án 2: Tách Điều 194 thành "Điều 194 - Tội mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy" và "Điều 194a - Tội tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy"; bỏ hình phạt tử hình tại Điều 194a.
Về việc bỏ tội "sử dụng trái phép chất ma túy" (Điều 199), UBTVQH trình bày: “Thực tiễn đấu tranh phòng chống hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thời gian qua, hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung không cao. Người phạm tội sử dụng trái phép chất ma túy trong thực tế rất nhiều, việc xử lý bằng biện pháp hình sự chưa được bao nhiêu và không có khả năng xử lý hết được, nếu duy trì tội "sử dụng trái phép chất ma túy" trong BLHS sẽ không đảm bảo được công bằng xã hội”. Vì vậy, UBTVQH đề nghị bỏ tội "sử dụng trái phép chất ma túy" tại Điều 199 của bộ luật hiện hành.
UBTVQH tán đồng với ý kiến của nhiều đại biểu QH về quy định hạn chế áp dụng hình phạt tù, chú trọng áp dụng các hình phạt ngoài tù đối với người chưa thành niên. Đối với quy định về miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội, UBTVQH đề nghị chưa bổ sung trong lần sửa đổi này.
Về bổ sung tội "giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi" (Điều 119a), do còn có ý kiến khác nhau, UBTVQH đề nghị QH cho ý kiến về 2 phương án: Phương án 1: Chưa bổ sung tội "giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi" trong lần sửa đổi, bổ sung lần này; phương án 2: Quy định một điều riêng về tội "lợi dụng việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi" đã được chỉnh sửa cho phù hợp hơn (Điều 119a của dự thảo Luật).
UBTVQH đề nghị nâng mức khởi điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn thuế lên thành 100 triệu đồng.
Đối với chứng khoán, UBTVQH cho rằng đây là các tội phạm mới được bổ sung (tội công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật khi chào bán, niêm yết trong lĩnh vực chứng khoán, tội gian lận lừa đảo trong giao dịch chứng khoán) nên trước mắt chỉ nên quy định trách nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội đã phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội gây ô nhiễm môi trường: Chưa quy định trách nhiệm hình sự với người đứng đầu pháp nhân
Hiện tại, một trong những nguyên nhân của tình trạng khó khăn trong việc xử lý các vi phạm về ô nhiễm môi trường là do quy định của BLHS hiện hành đối với các tội về môi trường (các Điều 182, 183, 184, 185) còn thiếu tính khả thi, rất khó áp dụng trong thực tế.
Theo đó, muốn xử lý được bằng biện pháp hình sự thì cần phải hội đủ ba yếu tố cấu thành tội phạm: (1) thải chất gây ô nhiễm môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép; (2) đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục; (3) gây hậu quả nghiêm trọng. Việc xác định hậu quả nghiêm trọng của hành vi gây ô nhiễm môi trường thường là rất khó khăn, có nhiều trường hợp không thể xác định được ngay mà phải sau một thời gian dài mới có thể xác định được hậu quả, còn việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường thường chỉ áp dụng đối với pháp nhân nên rất khó xử lý về hình sự đối với người có hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng quy định trách nhiệm hình sự đối với người có các hành vi “thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường; phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác”. Đồng thời, bỏ dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.
Về ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm hình sự của người đứng đầu pháp nhân gây ô nhiễm môi trường, UBTVQH cho rằng, nếu người đứng đầu pháp nhân trực tiếp thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 182 của BLHS, trường hợp người này không trực tiếp thực hiện tội phạm mà chỉ tham gia với tư cách là người tổ chức (người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy), người xúi giục hoặc người giúp sức thì tùy tính chất, mức độ của hành vi cũng sẽ bị xử lý với vai trò là đồng phạm theo quy định tại Điều 20 của BLHS. Do đó, UBTVQH đề nghị không bổ sung quy định trách nhiệm hình sự người đứng đầu của pháp nhân vào trong BLHS.
(Theo TNO)
Các tin khác
YBĐT - Chiều 22/5, đoàn đại biểu Quốc hội Yên Bái cùng với các đoàn Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Kom Tum, Bắc Cạn đã thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh; dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai. Buổi sáng, Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Đồng bào và các đồng chí thân mến! Nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam (22-5-1946 – 22-5-2009), tôi thân ái gửi đến đồng bào, cán bộ và chiến sĩ trong cả nước, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành lời thăm hỏi ân cần nhất.
Sáng 21/5, tại Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã dự phiên khai mạc và có bài phát biểu trước hơn 800 đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế Tương lai châu Á lần thứ 15 do thời báo NIKKEI tổ chức.
YBĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 12, ngày 21 tháng 5 năm 2009, các đại biểu bắt đầu vào phiên đầu tiên thảo luận ở tổ. Trong kỳ họp này các đại biểu của tỉnh Yên Bái thảo luận với các đại biểu các tỉnh Kon Tum, Bắc Cạn, Thừa Thiên Huế và Cần Thơ.