Ngày thứ hai Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Mổ xẻ chuyện học hành, kích cầu, sân golf

  • Cập nhật: Thứ bảy, 13/6/2009 | 12:00:00 AM

Ngày 12-6, ngoài Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục phần trả lời chất vấn của mình còn dang dở từ chiều 11-6, 3 Bộ trưởng các bộ: GD-ĐT, TN-MT, KH-ĐT đã đăng đàn trả lời các ĐBQH. Ngày chất vấn hôm qua “nóng” với vấn đề sử dụng đất đai, quản lý sân golf, gói kích cầu kinh tế và áp lực thi cử, học hành.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân:  Còn thi ĐH thì còn lò luyện.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Còn thi ĐH thì còn lò luyện.

Nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã tập trung vào vấn đề thi cử, học hành. Việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2009 theo cụm, chấm chéo để tiến tới đề án thi “2 trong 1” (bỏ thi ĐH-CĐ, chỉ tổ chức kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ) mà bộ đang xây dựng, dưới góc nhìn của ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định), ĐB Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) là tốn kém, phiền hà. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vẫn khẳng định: “Đây là cách có thể hạn chế tiêu cực, bảo đảm khách quan. Nếu thành công, sẽ nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ thành một”.

Tuy kết quả thi năm này mới là tiền đề, là làm thử, Bộ GD-ĐT chưa khẳng định lúc nào sẽ gộp 2 kỳ thi nhưng ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) vẫn chưa yên tâm với cải tiến này và đề nghị “Bộ trưởng cần xem xét lại việc này để giảm áp lực trong thi cử”. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải thích: “Nếu duy trì 2 kỳ thi, cách nhau chỉ 1 tháng đều có hơn 1 triệu học sinh thi, thì áp lực còn lớn hơn. Vấn đề bây giờ là tính toán bỏ kỳ thi nào. Nếu còn thi ĐH-CĐ thì còn lò luyện thi, cũng rất áp lực”.

Theo bộ trưởng, nếu sử dụng được kết quả phổ thông là một căn cứ quan trọng để xét ĐH thì các em có thể nộp đơn 5, 7, 8, 10 trường ĐH-CĐ cùng một lúc với chỉ một bảng điểm thôi, không phụ thuộc thi khối A, B, C, thi bao nhiêu trường. “Điều này giảm áp lực cho học sinh”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và nói thêm, trên thế giới, chỉ còn 10% quốc gia duy trì cả 2 kỳ thi.

ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM)

Ngoài vấn đề thi cử, hàng loạt vấn đề “nóng” cũng đã được đặt ra. ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) tiếp tục chất vấn tình trạng chương trình giáo dục, đào tạo hiện nay ở tất cả các cấp học là quá nặng, nhiều bất cập. “Tại sao bộ cứ khẳng định phải đến năm 2015 mới xem xét và sửa đổi chương trình. Bộ trưởng nên có lộ trình nhanh hơn chứ đến năm 2015 thì quá xa. Cần phải báo cho cử tri biết lộ trình để khắc phục “cặp nặng” của học sinh”, ĐB Phạm Phương Thảo nói.

“Về chương trình, năm 2008 đã đánh giá trong toàn quốc. Nhưng kết quả đó chưa đủ thuyết phục đối với xã hội. Bộ xin tiếp thu. Lẽ ra phấn đấu đến hè năm 2010 có thể báo cáo được QH và cử tri cả nước về điều này. Tuy nhiên chúng tôi cần cơ sở thực tiễn sâu hơn, vì vậy lộ trình phải kéo dài hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Nhiều ĐB cũng đặt vấn đề sách giáo khoa (SGK) nhiều năm qua liên tục bị chỉnh sửa, gây tốn kém, phiền hà. Bao giờ mới có bộ SGK chuẩn cho cả nước? Theo giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, từ năm 2002 bắt đầu thay SGK. “GD có tính chất liên tục, không thể thay một lúc cả bộ. Mỗi năm ngành chỉ thay SGK của 2 lớp. Không có việc năm nào ngành cũng thay SGK. Hết năm 2009, chúng tôi thay đủ một vòng từ lớp 1 đến lớp 12”, Bộ trưởng nói. Đồng thời cho biết ngành đã tổ chức đánh giá SGK đợt 1. Đến 2010, sẽ tiếp tục đánh giá đợt 2 để bảo đảm cho ra đời một bộ SGK chuẩn, phù hợp với xu thế của thế giới, vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TN-MT PHẠM KHÔI NGUYÊN: Truy thu tiền sử dụng đất nếu lợi dụng sân golf kinh doanh địa ốc

Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên

Chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) bức xúc việc “có những doanh nghiệp chỉ mới có 4 ngày tuổi đã được giao hàng chục nghìn ha rừng ở Tây Nguyên để chuyển đổi thành rừng sản xuất”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tự tin khẳng định: chủ trương chuyển đổi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ sang rừng sản xuất là thực hiện đúng nghị quyết của QH.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng cho rằng, không có gì đáng ngại về mặt môi trường đối với các dự án khai thác bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ. “Nguyên tắc chung về sử dụng nước của 2 nhà máy này là dùng phương pháp tuần hoàn, tức là nước thải sẽ được xử lý và tái sử dụng. Về nguồn nước, sẽ có hai hồ với sức chứa mỗi hồ 17,5 triệu m3 phục vụ cho 2 dự án này, dự tính là không chỉ đủ nước cho dự án mà trong giai đoạn đầu còn thừa nước để phục vụ dân sinh”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói.

Một nội dung được nhiều ĐBQH đặt ra đối với Bộ trưởng TN-MT (và cả Bộ trưởng Bộ KH-ĐT) là tình trạng xây dựng sân golf khá ồ ạt ở nhiều tỉnh thành. ĐB Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) bức xúc: “Đối với một đất nước còn nghèo, số sân golf hiện nay có quá nhiều không? Thực tế là sau khi xin đất, chỉ 30% được dùng làm sân golf, còn lại các chủ đầu tư lại dành cho việc xây biệt thự, nhà vườn, khách sạn để kinh doanh bất động sản”!

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên giải thích, vấn đề cấp phép xây dựng sân golf trước đây cơ quan chịu trách nhiệm chính là Bộ KH-ĐT. Từ 2006 đến nay được phân cấp cho UBND các tỉnh thành. Có một thực tế là từ khi phân cấp thì số dự án sân golf tăng vọt. Nhiều địa phương phê duyệt đất cho sân golf trong quỹ đất dành cho du lịch, thể thao, cây xanh, công viên. “Quan điểm của Bộ TN-MT là không làm sân golf trong quỹ đất này, cũng như hạn chế tối đa việc sử dụng đất trồng lúa để xây dựng sân golf”, Bộ trưởng Bộ TN-MT khẳng định, nhưng cũng thừa nhận, trong số hàng trăm dự án sân golf, chỉ có 26 dự án xây dựng sân golf độc lập, còn lại đều kết hợp làm khu đô thị, thậm chí khu công nghiệp.

“Chúng tôi sẽ rà soát lại các dự án đã triển khai để thu tiền sử dụng đất đúng với mục đích sử dụng thực tế. Nếu lợi dụng danh nghĩa làm sân golf mà kinh doanh bất động sản thì phải truy thu tiền sử dụng đất”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên hứa.

Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc bổ sung: “Cách đây 10 ngày, Bộ KH-ĐT đã trình Chính phủ về quy hoạch sân golf. Qua rà soát, chúng tôi đề xuất chỉ giữ lại 116 dự án, loại 50 dự án, kể cả đang trong giai đoạn triển khai và đã có chủ trương. Về sử dụng đất, diện tích mỗi sân không quá 100 ha, ở nơi địa hình khó khăn được cộng thêm 10% (110 ha). Mỗi sân tối đa chỉ được chiếm dụng 10 ha canh tác lúa 1 vụ, ngoài ra còn phải đáp ứng những điều kiện về thăm dò khoáng sản và môi trường”.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT VÕ HỒNG PHÚC: Kích cầu không làm lạm phát trở lại

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc

Trước băn khoăn của ĐBQH về các gói kích cầu đưa ra khoản tiền lớn có thể làm lạm phát tăng trở lại, trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc và 2 thành viên Chính phủ được Chủ tịch QH đề nghị báo cáo thêm (Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc NHNN) đều tin tưởng với các giải pháp điều hành linh hoạt, lạm phát sẽ được kiềm chế ở mức hợp lý. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, tại nhiều phiên họp, Chính phủ đã nhận thức rõ nguy cơ tái lạm phát. Thủ tướng đã chỉ đạo theo dõi sát diễn biến của thị trường tài chính – tiền tệ, nhất là sự gia tăng của tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng.

Hiện nay, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước vẫn đang phối hợp chặt chẽ để bám sát, lường trước các khả năng tăng giá hàng hóa để có biện pháp kịp thời. Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định các giải pháp tài chính để kích cầu đều thực hiện trên nguyên tắc không làm tăng thêm cung ứng tiền ra lưu thông. Về điều hành giá cả, hiện vẫn kiên trì thực hiện cơ chế thị trường định hướng XHCN. Giá một số mặt hàng chưa thực sự theo cơ chế thị trường như: điện, xăng dầu… sẽ được điều chỉnh dần để tránh gây sốc, tăng giá quá cao. “Với các giải pháp như vậy, tôi nghĩ chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 sẽ tăng dưới 10% như chỉ tiêu Chính phủ đã trình QH”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhận định.

Về các giải pháp tiền tệ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết, để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, chính sách tiền tệ đã được điều chỉnh từ “thắt chặt” sang “nới lỏng”, nhưng là “nới lỏng” một cách thận trọng. Đến nay, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng khoảng 15%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 14%. Thống đốc cho biết thêm, đến nay mới sử dụng 43% hạn mức phát hành tiền mới của năm 2009. “Gói kích cầu khá lớn, đầu tư cũng tăng nhanh, nhưng nếu cố gắng thực hiện hiệu quả các dự án thì sẽ kiểm soát được lạm phát”.

“Chính phủ chi nhiều tiền cho các gói kích cầu, như vậy có vượt quyền không?”. Trả lời câu hỏi này của ĐB Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận), Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định Thủ tướng và Chính phủ khi chỉ đạo thực hiện các gói kích cầu luôn luôn chấp hành luật pháp: “Ví dụ khi chúng tôi điều chuyển một khoản vốn đầu tư nào đó thuộc ngân sách nhà nước mà được điều chỉnh bằng Luật Ngân sách, Bộ KH-ĐT đều báo cáo Thủ tướng và xin Thủ tướng ủy quyền để báo cáo Thường vụ QH. Còn khoản 1 tỷ USD, tức là 17.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất là nằm trong sự điều tiết thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng”.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đặt vấn đề: “Kích cầu là cần thiết nhưng Bộ KH-ĐT có tính đến phản ứng phụ của các gói kích cầu hay không?”. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đáp: “Chúng tôi đã lường hết tất cả những phản ứng phụ. Chúng ta không thể đưa một đề án định sẵn được. Phải phản ứng linh hoạt và có đối sách linh hoạt”.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Ngành chế biến phải chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng và GDP của kinh tế nông-lâm nghiệp (Ảnh: Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Xuân Lộc kiểm tra tình hình thu mua nguyên liệu giấy tháng 3/2009)

YBĐT - Đồng chí Hoàng Xuân Lộc-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo như vậy khi làm việc với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) về kế hoạch phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp đến năm 2010 và định hướng phát triển giai đoạn 2011-2015 trong sáng 12.6.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng.

Sáng nay 12/6, Quốc hội bước vào ngày chất vấn thứ hai. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đăng đàn, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Nông dân thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn) chăm sóc chè giống mới.

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp thứ 12, HĐND huyện khóa IX, trong quý I/2009, Thường trực HĐND huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tiến hành giám sát tình hình triển khai, tổ chức trồng rừng kinh tế năm 2008 trên địa bàn huyện.

Việt Nam có đủ các loại hình báo chí: báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử, phát triển ngang tầm thế giới.

Xác định giai đoạn 2009-2010, công tác quản lý báo chí sẽ phải tập trung mạnh cho công tác quy hoạch, tại Hội nghị đánh giá công tác quản lý nhà nước về báo chí năm 2007 - 2008 và triển khai nhiệm vụ 2009 - 2010, tổ chức ở Đà Nẵng cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã chỉ đạo, sẽ phải Quy hoạch báo in theo hướng xây dựng các tập đoàn, các tổ hợp báo chí chuyên nghiệp hoá, chuyên môn hoá cao hơn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục