Phát huy cao độ những thuận lợi và các nhân tố tích cực, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2 - 9, bốn mươi năm qua, cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái anh hùng đã đoàn kết một lòng, đem hết tinh thần và nghị lực, vượt qua khó khăn thử thách, gian khổ và hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi để từng bước thực hiện Di chúc của Bác, giành được những thắng lợi vẻ vang, Yên Bái cùng với cả nước vững bước đi lên theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao giải A cho các tác giả đoạt giải báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2009.
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao giải A cho các tác giả đoạt giải báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2009.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với cả nước, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã liên tục tổ chức và phát động các phong trào hành động cách mạng của quần chúng thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội; chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Hơn 25.000 con em các dân tộc Yên Bái đã tòng quân đi chiến đấu trên khắp chiến trường Đông Dương, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện các nhiệm vụ quốc tế của đất nước. Với những thành tích đó, ngày 23/6/2003, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Tiếp đó là những thắng lợi, những thành tựu rất đáng tự hào trong 10 năm (1975 - 1985) cùng cả nước bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tình hình mới đã tạo cho nhân dân ta, đất nước ta, tỉnh ta những thuận lợi cơ bản nhưng cũng đặt ra hàng loạt vấn đề mới phức tạp, khó khăn đòi hỏi phải giải quyết. Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa V (năm 1976) đã quyết nghị hợp nhất ba tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn.

Ngay sau khi được thành lập, Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước; kịp thời đề ra nhiệm vụ chung cho việc xây dựng và phát triển mọi mặt của tỉnh, tập trung xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật bước đầu của chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, nhất là củng cố phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, mở mang các vùng kinh tế mới, giải quyết với mức cố gắng cao nhất vấn đề lương thực, phát triển cây công nghiệp, cây đặc sản, cây ăn quả, đẩy mạnh chăn nuôi, nghề rừng, phát triển mạnh công nghiệp địa phương, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, tích cực cải thiện đời sống nhân dân; tiếp tục thực hiện cuộc vận động định canh định cư gắn với xây dựng vùng kinh tế mới ở vùng cao; khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chống lại âm mưu phá hoại trên nhiều mặt của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt là những thành tựu to lớn trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (từ 1986 đến nay). Thấm nhuần Di chúc và những lời căn dặn của Bác Hồ, Đảng bộ tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và có bước đi sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong điều kiện một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc, nền kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí không đồng đều, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Sau khi tái lập tỉnh Yên Bái (tháng 10/1991), phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh vượt qua những khó khăn, thử thách, phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa; vận dụng sáng tạo, từng bước cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đảng, lựa chọn khâu đột phá trong các giải pháp nhằm làm chuyển biến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đã giành được những thành tựu rất quan trọng. Nền kinh tế tăng trưởng khá, chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững, hệ thống chính trị được tăng cường, đời sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện rõ rệt.

Sau hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tỉnh Yên Bái đã giành được những thành tựu rất quan trọng và có ý nghĩa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi cơ bản bộ mặt của tỉnh. Thời kỳ này, tỉnh Yên Bái đã có 3 tập thể cấp huyện và nhiều cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Đáng chú ý là sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước: năm 2008 đạt 12,5%, 6 tháng đầu năm 2009 đạt 11,34%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Trong sản xuất nông - lâm nghiệp đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, từng bước hình thành một số vùng tập trung gắn với công nghiệp chế biến như: vùng chè, vùng rừng sản xuất, vùng quế, vùng sắn cao sản, tre măng Bát Độ... Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, từng bước trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh; một số dự án công nghiệp quan trọng được đầu tư và đi vào sản xuất như hai nhà máy xi măng công suất trên 1,2 triệu tấn/năm; các dự án xây dựng nhà máy luyện gang thép trên 200.000 tấn/năm, các nhà máy chế biến đá trắng, nhà máy thủy điện... đang được đẩy nhanh tiến độ và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2010 - 2011. Hoạt động thương mại - dịch vụ có nhiều tiến bộ. Khơi dậy và khai thác có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội; hệ thống đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn được đầu tư cải tạo, nâng cấp, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, GDP bình quân đầu người năm 2008 đạt 7,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh trung bình giảm 4,5%/năm, đến 2008 chỉ còn 21,31%. Mạng lưới trường, lớp học cơ bản được kiên cố hóa; 100% số xã có nhà văn hóa - bưu điện; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; mức hưởng thụ về văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe của nhân dân có bước cải thiện đáng kể.

Năm 2008, Yên Bái đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới, tạo được phong trào quần chúng sâu rộng thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Có thể khẳng định rằng, những thắng lợi mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đạt được là nhờ thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nhất quán Di chúc của Bác về việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; về xây dựng Đảng; về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân...

Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa của nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và nhân dân ta; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Trước yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng trong tình hình mới, ngày 07/11/2006, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 06 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân ta. Đây là một chủ trương lớn, vừa mang tính cấp bách trong bối cảnh tình hình hiện nay vừa có ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua hơn 2 năm thực hiện cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân. Các cấp ủy đã nhận thức rõ về mục đích, yêu cầu và sự cần thiết triển khai cuộc vận động, coi đây là cuộc vận động lớn, thông qua đó để xây dựng Đảng, xây dựng nền tảng đạo đức xã hội.

Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân coi việc phát động cuộc vận động là đúng đắn, là sự lựa chọn "đúng" và "trúng" nhằm xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ và xây dựng nền tảng đạo đức trong Đảng, trong xã hội. Nhiều cán bộ lão thành cách mạng, hưu trí, cựu chiến binh... rất quan tâm, kỳ vọng vào việc thực hiện cuộc vận động. Thông qua cuộc vận động, ý thức tự giác rèn luyện về đạo đức, lối sống của đa số cán bộ, đảng viên được nâng lên, biểu hiện qua các hành động tự giác hàng ngày, trong các mối quan hệ với gia đình, công việc, tập thể và cộng đồng.

Những năm qua, nhất là từ sau khi triển khai thực hiện cuộc vận động đến nay đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân gương mẫu, tự giác làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đáng được biểu dương, nhân rộng. Tiêu biểu như tấm gương của anh Nguyễn Minh Tân - Trưởng khoa Giáo viên Trường Quân sự tỉnh, một người trưởng khoa “yêu nghề, sáng tạo” luôn tiên phong trong việc nghiên cứu đổi mới phương pháp quản lý, huấn luyện, đào tạo và cải tiến mô hình huấn luyện cho cán bộ, chiến sỹ, học viên nhà trường. Hay như tấm gương của Trưởng bản Thào Vảng Tủa ở bản Nả Háng Tâu, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải.

Với nhận thức và phương châm: làm theo Bác Hồ dạy là từ những việc làm nhỏ nhất như: không đốt rừng làm nương rẫy, làm giàu cho gia đình mình, cho con cháu đi học..., anh đã không ngừng học hỏi để phát triển kinh tế gia đình và vận động mọi người trong bản cùng làm theo. Bên cạnh các cá nhân cũng có rất nhiều tập thể tiêu biểu làm theo lời Bác như: tập thể Đảng bộ thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông và rất nhiều gương tập thể, cá nhân khác ở các vùng, miền của tỉnh…

Các cá nhân được tuyên dương trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh Yên Bái.
(Ảnh: Quỳnh Nga)

Qua những tấm gương của các cá nhân và tập thể đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, cuộc vận động học tập và làm theo Bác đã đi vào đời sống của người dân ở mọi vùng, miền trong tỉnh, được biểu hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, đầy ý nghĩa. Chúng ta tin tưởng rằng, trong thời gian tới, việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ không chỉ dừng lại ở một cá nhân, một tập thể riêng lẻ nào mà trở thành một phong trào rộng lớn, việc làm thường xuyên, hàng ngày của toàn Đảng bộ, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc và của mỗi người dân Yên Bái.

Năm 2009 - sau chặng đường 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt được những thành tích đáng phấn khởi. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của tỉnh miền núi nghèo, điểm xuất phát đi lên thấp cùng với những thách thức khi Việt Nam hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, cạnh tranh sẽ rất gay gắt; tình hình suy giảm kinh tế trên thế giới sẽ tiếp tục tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta cộng với diễn biến của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh khó lường…, để thiết thực tiếp tục thực hiện Di chúc của Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái cần phát huy cao độ những thuận lợi và các nhân tố tích cực đồng thời ra sức khắc phục những tồn tại, yếu kém, tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Tăng cường công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hành dân chủ rộng rãi để khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng và tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, cần tăng cường mối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ; kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện hình thức trong thực hành dân chủ, lợi dụng dân chủ để truyền bá những quan điểm, tư tưởng cá nhân gây mất đoàn kết trong Đảng; thường xuyên và nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình, coi đây là biện pháp tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, tự giác đăng ký và báo cáo kết quả công tác trước chi bộ; chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tập trung sức để xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, làm cho tổ chức Đảng ở cơ sở thực sự là hạt nhân lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết các vấn đề xảy ra ở cơ sở. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ
 cán bộ, đảng viên; làm cho "mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư".

Tăng cường lãnh đạo công tác thanh niên và trực tiếp lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, "coi nhiệm vụ xây dựng Đoàn vững mạnh là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước".

Hai là: Gắn việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh; phát huy dân chủ, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Tiếp tục tăng cường xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh, trước hết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo ra sự chuyển biến rõ nét về thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông"; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự có ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tạo lập môi trường hành chính thật sự thông thoáng, minh bạch, công khai, kỷ cương, pháp luật và thuận lợi, dễ dàng; đưa tỉnh Yên Bái trở thành một địa chỉ tin cậy, hấp dẫn, hiệu quả, an toàn cho sản xuất kinh doanh, du lịch và sinh sống đối với mọi người dân và các doanh nghiệp.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" phải thực sự trọng dân, thường xuyên lắng nghe, đối thoại với nhân dân. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các cấp, các ngành, địa phương phải hoàn thiện quy chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm cho nhân dân tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các chương trình dự án, các công việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ cơ sở thôn, bản, tổ dân phố theo phương châm từ dưới lên và chính nhân dân là người thực hiện và được hưởng lợi. Tổ chức tốt việc định kỳ hàng tháng, hàng quý và đột xuất trong việc tiếp dân, đối thoại với nhân dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở việc khiếu nại, tố cáo của công dân, đáp ứng các tâm tư, nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, không để xảy ra các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người và phức tạp.

Ba là: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao và bền vững của nền kinh tế. Thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa ở vùng thấp, bảo đảm an ninh lương thực ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường đầu tư xây dựng nông thôn mới và từng bước nâng cao đời sống cho nông dân. Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp tỉnh có tiềm năng, lợi thế để bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, đưa công nghiệp thực sự trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh; đồng thời khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phù trợ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả khu vực. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Phát triển và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số, gia đình và trẻ em. Phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động trí tuệ, vật chất xã hội để phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội.

Bốn là: Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh toàn diện; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, các vấn đề nảy sinh ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Năm là: Tiếp tục thực hiện có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2009 với chủ đề: "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân", trong đó chú trọng khâu "làm theo", gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, của các cấp, các ngành, đơn vị trong toàn tỉnh, bảo đảm thực hiện có kết quả cao nhất cuộc vận động từ nay đến năm 2011 và trở thành nhiệm vụ thường xuyên các năm tiếp theo.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nội dung của cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và quan liêu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tại cơ sở, lấy tự phòng ngừa là chính, không để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng về lãng phí, tham nhũng và quan liêu; đồng thời phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân sai phạm.

Thực hiện tốt cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" sẽ tạo nên sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp đưa tỉnh Yên Bái vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục phát triển mạnh và toàn diện, củng cố và nâng cao niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với mỗi Đảng bộ và cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh.

Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái

Các tin khác

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có quyết định thành lập hội đồng khoa học cấp Nhà nước để kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội đồng có 13 vị là các chuyên gia, nhà khoa học VN và Liên bang Nga.

YBĐT - Yên Bái mít tinh kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 64 năm ngày Quốc khánh 2.9/ 58 tập thể, cá nhân được tuyên dương vì có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh/ Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự và chúc mừng ngày khai giảng tại các địa phương trong tỉnh/ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái giám sát việc sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp/ Yên Bái khởi công Nhà bảo tàng tỉnh/ Đoàn C31 tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống.

Theo Nghị quyết phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 8/2009 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, Chính phủ đã thông qua một số báo cáo do Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình về phát triển điện hạt nhân.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Theo thông báo của Ban Đối ngoại Trung ương, ngày 6/9, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã rời Hà Nội đi thăm chính thức hai nước Australia và New Zealand theo lời mời của Thủ tướng Australia Kevin Rudd và lời mời của Thủ tướng New Zealand John Key.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục