Tập trung lãnh đạo, thúc đẩy toàn diện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng huyện Yên Bình phát triển bền vững
- Cập nhật: Thứ năm, 19/8/2010 | 2:58:23 PM
YBĐT - Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình đã phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hầu hết các chỉ tiêu của nhiệm kỳ đều hoàn thành và về trước thời gian.
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Bình kiểm tra tình hình sản xuất chế biến gỗ rừng trồng của Công ty cổ phần Yên Thành trên địa bàn thị trấn Yên Bình.
|
Thông tin liên quan:
>>>Nôi đào tạo con em các dân tộc thiểu số
>>>Khai thác tiềm năng, thu hút đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế
>>>Bước tiến mới từ quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa
Trong đó, có 10 chỉ tiêu đạt và 15 chỉ tiêu vượt mục tiêu Đại hội, nổi bật là các chỉ tiêu: giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh phần do địa phương quản lý; thu cân đối ngân sách trên địa bàn; thu nhập bình quân đầu người đều hoàn thành vượt mức và tăng gấp 3 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Đồng chí Lương Văn Tú - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện kiểm tra diện tích ngô trồng ở các xã vùng hạ huyện.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm làm tốt trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; các mục tiêu, nhiệm vụ đều hoàn thành. Trong 5 năm, Đảng bộ đã kết nạp 1.010 quần chúng ưu tú vào Đảng, vượt 19% so với mục tiêu Đại hội. Đến năm 2008, Đảng bộ đã hoàn thành việc xóa chi bộ ghép theo Đề án của tỉnh, về trước thời gian 1 năm. Đảng bộ đã làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ đồng thời làm tốt công tác luân chuyển cán bộ nên chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên nâng lên rõ rệt: không có cơ sở yếu kém; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 88%.
Trên địa bàn thường xuyên có trên 95% đảng viên, 85% đoàn viên, hội viên và 90% cán bộ, công chức tham gia học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác sơ kết, tổng kết thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh được quan tâm và thực hiện tốt. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai đồng bộ, đi vào chiều sâu, có nhiều sáng tạo với sức lan tỏa lớn trong xã hội, tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là những nhân tố quan trọng tạo nên sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sức mạnh đồng thuận trong khối đại đoàn kết toàn dân quyết tâm hoàn thành toàn diện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Trong 5 năm qua toàn huyện trồng mới trên 300 ha bưởi đặc sản.
Điểm nổi bật trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ qua của Đảng bộ là Huyện ủy Yên Bình đã xây dựng được 9 nghị quyết chuyên đề và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm để tập trung lãnh đạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhiều chương trình kinh tế, xã hội đã thực sự đem lại hiệu quả cao như: Chương trình phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi đại gia súc; Chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các cánh đồng có thu nhập cao, bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn; Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Chương trình xóa đói giảm nghèo…
Các nghị quyết chuyên đề đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tốt như: Nghị quyết phát triển chăn nuôi bò theo phương pháp bán công nghiệp; Nghị quyết về thay thế, cải tạo diện tích chè già cỗi bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao; Nghị quyết về phát triển thủy sản trên vùng hồ Thác Bà… đã đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân 5 năm là 14% (nông nghiệp đạt 5,5%, công nghiệp - xây dựng 23,5% và thương mại - dịch vụ 21,5%). Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và tiến bộ, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.
Toàn huyện trồng mới 13.318 ha rừng, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác năm 2010 ước đạt 85.000m3.
Tính riêng phần địa phương quản lý, so với năm 2005, tỷ trọng nông - lâm nghiệp giảm 7%, công nghiệp - xây dựng tăng 5%, thương mại - dịch vụ tăng 2%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 15,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3 lần so với đầu nhiệm kỳ. Sản xuất nông - lâm nghiệp đạt kết quả khá toàn diện với bước chuyển dịch cả về cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng và vật nuôi, bảo đảm nhu cầu lương thực và hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa.
Năng suất lúa cả năm 2010 ước đạt 95,5 tạ/ha, diện tích ngô trên chân ruộng 2 vụ chiếm 40% diện tích gieo cấy, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực có hạt lên 25.600 tấn. Nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao như: mô hình trồng sắn cao sản, trồng lạc dưới cốt nước ngập, trồng chè cành, trồng rừng, nuôi thủy sản đặc sản, chăn nuôi gia súc gia cầm… đã nâng giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt khoảng 45 triệu đồng/năm. Đến năm 2010, tỷ trọng chăn nuôi và thủy sản trong nông nghiệp ước đạt 42,5%. Huyện đã có tới 109 mô hình chăn nuôi lợn, gà bán công nghiệp, duy trì phát triển 275 lồng cá, diện tích nuôi thủy sản đạt 400 ha, sản lượng khai thác thủy sản đạt 2.300 tấn.
Phát triển nuôi cá tầm trên Hồ thác Bà
Duy trì và phát triển cây công nghiệp có lợi thế, 5 năm qua, toàn huyện trồng cải tạo 340 ha chè, nâng tổng diện tích chè hiện có lên 2.111 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 16.072 tấn, tăng gần 6.000 tấn so với cách đây 5 năm; vùng cây ăn quả tăng trên 500 ha; gần 400 ha tre măng Bát Độ cho sản phẩm bán ra thị trường trong và ngoài nước. Diện tích rừng trồng mới trong nhiệm kỳ đạt 13.300 ha, độ che phủ rừng đạt 64,2%, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 85.000 m3 vào năm 2010.
Khách quốc tế tham quan Khu du lịch sinh thái Ngòi Tu, xã Vũ Linh.
Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, sản xuất công nghiệp phát triển khá mạnh, phát huy được tiềm năng vùng nguyên liệu, nhất là khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến gỗ rừng trồng, chế biến chè, sắn và sản xuất vật liệu xây dựng và giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2010 tăng 3 lần so với năm 2005 (phần do địa phương quản lý). Kinh tế phát triển, thu ngân sách trên địa bàn, phần thu cân đối ngân sách huyện hàng năm đều tăng từ 15% - 20% và năm 2010, dự ước đạt trên 48 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với đầu nhiệm kỳ. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường với tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn là 2.650 tỷ đồng, trong đó nhân dân địa phương đóng góp 60.000 công lao động cho phát triển giao thông.
Kết thúc năm 2009, toàn huyện đã có 275/283 thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; trong số 453 công trình thủy lợi có 16 công trình xây dựng mới, toàn hệ thống đã kiên cố 50% đập đầu mối và 64% hệ thống kênh mương, bảo đảm tưới tiêu cho 70% diện tích… Hoạt động thương mại phát triển, đưa tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn ước tăng 3 lần so với năm 2005. Các loại hình du lịch, dịch vụ văn hóa được chú trọng đầu tư, khôi phục các di tích lịch sử văn hóa, tổ chức các lễ hội truyền thống, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn. Hệ thống bưu chính - viễn thông mở rộng thêm nhiều hình thức dịch vụ; tất cả các xã, thị trấn có báo đọc trong ngày; số điện thoại/100 dân đạt 26 máy, tăng 5,1 lần so với 5 năm trước.
Lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ hàng năm huấn luyện đạt yêu cầu đề ra.
Trong giai đoạn 2005 - 2010, cơ cấu lao động trên địa bàn huyện đã có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Toàn huyện giải quyết việc làm mới cho trên 15.000 lượt lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến nay đạt 30%. Công tác giảm nghèo được quan tâm đầu tư nhờ triển khai đồng bộ các chương trình, dự án và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,83% năm 2005 xuống còn 5,83% vào năm 2010; đã xóa trên 1.000 nhà dột nát bằng các nguồn vốn và đóng góp của cộng đồng dân cư.
Toàn huyện Yên Bình có 12/81 trường học đạt chuẩn quốc gia. (Ảnh: Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, thị trấn Yên Bình).
Hệ thống giáo dục được củng cố và hoàn thiện, năm học vừa qua có 19.812 học sinh các cấp học; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo và lớp 1 đạt 100%; huyện duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở 26/26 xã, thị trấn; 14,8% số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia; tất cả các xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng và tổ chức hội khuyến học…
Đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong huyện ngày càng được nâng cao
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm từ cơ sở với 50% số trạm y tế có bác sỹ; 100% thôn, tổ dân phố có nhân viên y tế thôn, bản lồng ghép cộng tác viên dân số; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 21%. Trong 5 năm qua đã vận động 68 làng, 3 xã ra mắt xây dựng làng, xã văn hóa; hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục thể thao phát triển rộng khắp, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2005 -2010, Đảng bộ huyện Yên Bình sẽ tập trung lãnh đạo, khai thác triệt để mọi tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy toàn diện công cuộc đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên phát triển kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tích cực thu hút đầu tư để phát triển mạnh sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; thương mại - dịch vụ, du lịch và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững.
Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và kiện toàn hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu đưa huyện Yên Bình trở thành huyện phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh.
CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU TRONG NHIỆM KỲ 2010 – 2015 1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 15,5%, trong đó: nông, lâm nghiệp tăng 5,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 24%; thương mại - dịch vụ tăng 22%. 2. Cơ cấu kinh tế (phần địa phương quản lý): Nông, lâm nghiệp 30%; công nghiệp - xây dựng 37%; thương mại - dịch vụ 33%. 3. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 30 triệu đồng. 4. Tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn năm 2015 đạt 120 tỷ đồng. 5. Tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2015 đạt 26.500 tấn. 6. Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh năm 2015 đạt 600 tỷ đồng trở lên. 7. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm là 10.000 tỷ đồng trở lên. 8. Diện tích trồng rừng mới 5 năm 12.500 ha; tỷ lệ che phủ đạt 65%. 9. Tổng đàn gia súc chính tăng bình quân hàng năm 5%; sản lượng khai thác thủy sản đạt 2.500 tấn. 10. Số lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm 2.500 người. 11. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 45% trở lên. 12. Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia năm 2015 đạt 40% trở lên. 13. Huyện đạt chuẩn quốc gia về phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. 14. Giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 4% theo tiêu chí từng thời kỳ. 15. Duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2015 là 1,0%. 16. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2015 dưới 15%. 17. Đến năm 2015, có trên 65% số làng, 95% cơ quan, đơn vị và 86% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. 18. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2015 là 3 xã. 19. Tỷ lệ hộ được dùng nước hợp vệ sinh ở nông thôn là 85%; thành thị là 95%. 20. Tỷ lệ tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh đạt 90% trở lên. 21. Tỷ lệ số xã, thị trấn đạt chính quyền vững mạnh đạt 85% trở lên. 22. Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 85% trở lên. 23. Kết nạp đảng viên mới mỗi năm 170 đảng viên trở lên. 24. Tỷ lệ thu hút đoàn viên, hội viên 80% trở lên. |
Cùng với việc xây dựng 24 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015, huyện Yên Bình đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Một là: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và nâng cao chất lượng các quy hoạch kinh tế - xã hội.
Hai là: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, trong đó sẽ tập trung chỉ đạo chuyển dịch toàn diện cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng nhanh tỷ trọng chăn nuôi, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, xây dựng, giao thông; quan tâm đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh hoạt động tài chính - ngân hàng.
Ba là: Coi trọng phát triển kinh tế vùng, khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.
Bốn là: Đẩy mạnh sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân; từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Năm là: Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Sáu là: Nâng cao năng lực quản lý và điều hành, xây dựng chính quyền vững mạnh.
Bảy là: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Tám là: Hệ thống giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh đã được rút ra từ kết quả nghiên cứu đề tài khoa học: “Thực trạng và các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng của Đảng bộ huyện Yên Bình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” mà Huyện ủy Yên Bình thực hiện trong năm 2009.
Các chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn 2010 - 2015 đặt ra trong bối cảnh với nhiều thuận lợi song cũng có không ít khó khăn. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của mỗi cán bộ, đảng viên cùng sức mạnh đoàn kết từ mỗi tổ chức cơ sở Đảng và cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó là tinh thần tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, phát huy những thành tựu và bài học kinh nghiệm, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra.
Hoàng Xuân Nguyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Bình
Các tin khác
Ngày 18-8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chính thức ra mắt trang thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội XI tại địa chỉ: http://daihoi11.dangcongsan.vn.
YBĐT – Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội XIX Đảng bộ huyện Văn Chấn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đào Ngọc Dung yêu cầu huyện phải phấn đấu xây dựng Văn Chấn trở thành trung tâm động lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Trở lại Cổ Văn, huyện Lục Yên (Yên Bái) hôm nay, trong tôi luôn trào dâng cảm xúc đặc biệt về con người và mảnh đất này. Đó không chỉ là những chiến sỹ du kích Cổ Văn của một thời oanh liệt- thời kỳ đấu tranh, giác ngộ lý tưởng cách mạng cao đẹp mà còn là những anh hùng trong lao động hôm nay.
YBĐT - Với truyền thống vẻ vang và bản chất cách mạng của lực lượng CAND nói chung, của quê hương Yên Bái anh hùng nói riêng, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các mặt công tác, thực hiện tốt hơn nữa lời thề thiêng liêng trước Đảng, Nhà nước và nhân dân: “Trung thành với Đảng, tận tụy với dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, tiếp tục gắn bó mật thiết với nhân dân, làm nhiều việc tốt”.