Không nên áp đặt cơ cấu ngành nghề và chỉ tiêu đào tạo với các trung tâm dạy nghề
- Cập nhật: Thứ năm, 30/9/2010 | 4:53:01 PM
YBĐT - Đó là kiến nghị của Trung tâm dạy nghề các huyện Lục Yên, Văn Yên với đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Yên Bái về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động tại huyện Lục Yên và huyện Văn Yên.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Ngô Thị Chinh và các thành viên đoàn đang kiểm tra thực tế cơ sở tại huyện Văn Yên.
|
Thực tế các xã Trung Tâm, Minh Xuân (Lục Yên); Lâm Giang, Đại Phác (Văn Yên) và trung tâm dạy nghề các huyện cho thấy: hàng năm ở các địa phương đều tổ chức được nhiều lớp dạy nghề đáp ứng nhu cầu của người lao động, như: trồng trọt, chăn nuôi thú y, xây dựng, sửa chữa xe máy, may dân dụng, nghề mây tre song đan, kế toán…, đồng thời phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi…
Các khóa học đã cơ bản giúp người dân có kiến thức áp dụng vào thực tiễn lao động sản xuất cũng như tìm kiếm việc làm tăng thu nhập cải thiện cuộc sống và tạo nhiều hơn cơ hội tìm kiếm việc làm tại địa phương, đi lao động ngoại tỉnh tại các nhà máy, khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó các địa phương cũng đã thực hiện tốt chính sách cho vay vốn giải quyết việc làm xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương.
Riêng công tác xuất khẩu lao động ở các địa phương thời điểm hiện tại đều gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế; một số lao động đi làm việc tại các nước gặp tai nạn rủi ro, hoặc mất việc làm phải về nước trước thời hạn khiến công tác tuyên truyền đi xuất khẩu lao động tại thị trường các nước gặp nhiều trở ngại… Đây cũng được đánh giá là tình trạng chung trên địa bàn toàn tỉnh.
Kiểm tra thực tế đào tạo nghề tại Trung tâm dạy nghề huyện Lục Yên.
Các địa phương đã kiến nghị việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần chú trọng về cơ cấu ngành nghề phù hợp với nhu cầu lao động. Các trung tâm dạy nghề đề nghị hàng năm tỉnh cần sớm giao kế hoạch, cơ cấu ngành nghề và không nên áp đặt số lượng đối với mỗi ngành nghề cụ thể mà để các huyện và trung tâm tự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với nhu cầu lao động của địa phương; cần tăng thêm biên chế cho các trung tâm dạy nghề khi yêu cầu quy mô đào tạo nghề ngày càng cao; Kịp thời cấp kinh phí cho các trung tâm dạy nghề theo chính sách phân bổ của tỉnh khi thực hiện đào tạo nghề tại địa phương.
Đối với công tác xuất khẩu lao động, môi giới giới thiệu việc làm trong nước và nước ngoài cần có sự quản lý chặt chẽ, đảm bảo có uy tín và cam kết chặt chẽ tránh rủi ro cho người lao động. Đề nghị được tăng nguồn vốn cho vay đi xuất khẩu lao động, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi có nhu cầu đi lao động tại các nước có chi phí cao…
Các ý kiến kiến nghị đã được Đoàn giám sát HĐND tỉnh tổng hợp để chuyển tới UBND tỉnh và cơ quan chức năng kịp thời có những điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đặc biệt quan tâm đổi mới nội dung công tác giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri tại cơ sở trước và sau các kỳ họp.
YBĐT - Hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân (HĐND) không chỉ là hoạt động thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND mà còn là trách nhiệm của người đại biểu được nhân dân bầu ra thay mặt mình ở cơ quan quyền lực Nhà nước.
Để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp tới (dự kiến khai mạc ngày 20-10), Thủ tướng Chính phủ đã phân công 14 thành viên Chính phủ chuẩn bị các báo cáo, tờ trình, dự thảo luật dự kiến sẽ được trình bày và xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII.
Chiều 29/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đoàn đại biểu 10 quốc gia thành viên ASEAN sang Việt Nam dự Hội nghị những người đứng đầu cơ quan An ninh các nước ASEAN lần thứ nhất (MACOSA).