Quốc hội tham gia dự luật phòng chống mua bán người
- Cập nhật: Thứ tư, 27/10/2010 | 3:58:17 PM
YBĐT - Đại biểu QH tỉnh Yên Bái Hoàng Thương Lượng cho rằng: Khái niệm “mua bán người” nêu trong dự luật cần bổ sung thêm một số nội dung mang tính bao hàm đầy đủ, rõ ràng hơn.
|
Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật phòng, chống mua bán người trong phiên sáng 27/10, đa số ý kiến của đại biểu QH nhất trí với tên gọi của dự luật. Có ý kiến cho rằng, các nội dung đưa ra trong dự thảo Luật là cần thiết và đúng trọng tâm của công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
Tuy nhiên, như tên gọi của luật, thì đây là luật quy định về các biện pháp phòng ngừa và chống mua bán người, nhưng nội dung của dự thảo luật chủ yếu quy định về các biện pháp phòng ngừa, trong khi đó nội dung chống mua bán người lại quá mờ nhạt và chỉ được quy định dưới dạng nguyên tắc chung mà ở các luật khác đã quy định.
Vì vậy, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc và bổ sung một số nội dung quy định về biện pháp chống mua bán người cho đầy đủ và hợp lý hơn. Đồng thời, để bảo đảm tính thuyết phục, cần nhấn mạnh thêm về tinh thần chung của Luật là chú trọng công tác phòng ngừa.
Trong phiên thảo luận này, đoàn đại biểu QH tỉnh Yên Bái đã có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng luật. Đại biểu Hoàng Thương Lượng cho rằng: Khái niệm “mua bán người” nêu trong dự luật cần bổ sung thêm một số nội dung mang tính bao hàm đầy đủ, rõ ràng hơn.
Trong dự luật qui định, UBND cấp xã thực hiện việc tiếp nhận người đến khai báo; hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác cho nạn nhân đến khai báo trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự trở về nơi cư trú.
Trong trường hợp họ không có nơi cư trú hoặc có giấy tờ xác định là nạn nhân và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì làm thủ tục chuyển giao người đó cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Tuy nhiên, cần có qui định mức cấp kinh phí cho các cấp chính quyền cơ sở, trong đó có qui định cụ thể về cấp và hỗ trợ kinh phí cho cấp xã và người được hỗ trợ. Đại biểu đồng ý với qui định trách nhiệm đối với một số bộ, ngành đã nêu trong dự luật nhưng cần bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ tài chính để bảo đảm việc cấp kinh phí, lập dự toán khi thực hiện luật này.
Đại biểu Giàng A Chu nêu ý kiến phòng chống mua bán người trước hết phải từ trong mỗi gia đình, nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý thành viên. Ngoài xã hội cần làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức đoàn thể, nhất lầ hội phụ nữ phải tham gia quyết liệt trong việc phòng chống. Về chính sách của nhà nước, đại biểu tán thành với qui định về khen thưởng đối với người tích cực, có công trong phòng chống mua bán người.
Nhưng đối với chính sách hỗ trợ nạn nhân nên hỗ trợ vừa phải, đúng mức, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Bởi hiện nay rất nhiều đối tượng như: hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn… cũng đang cần được hỗ trợ giúp đỡ. Đại biểu cũng băn khoăn việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân giao chính quyền xã sẽ ít có điều kiện để bảo đảm kinh phí thực hiện, do vậy chỉ nên qui định tiếp nhận, hỗ trợ trong điều kiện cần thiết.
Đại biểu Triệu Thị Bình nhất trí với tên gọi của dự thảo luật là “phòng, chống mua bán người” và bày tỏ quan điểm dự thảo cần làm rõ hơn việc tự nguyện và bắt buộc đối với hành vi mua bán người.
Về vấn đề thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, Nhà nước không nên thành lập thêm cơ sở mà nên đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội đã có tại các tỉnh. Nên qui định thống nhất trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa mua bán người.
Theo dự thảo luật qui định giữ bí mật thông tin cá nhân của nạn nhân, bí mật điều tra, truy tố là cần thiết. Tuy nhiên, không nên giữ bí mật việc xét xử các đối tượng mua bán người mà cần tổ chức xét xử lưu động, công khai để tăng thêm tính phòng ngừa, răn đe đối với các hành vi mua bán người.
Những băn khoăn bày tỏ của các đại biểu QH tại kỳ họp này, trong đó có nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu QH tỉnh Yên Bái sẽ góp phần xây dựng dự luật một cách chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm tính thực thi cao.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Ngày 27/10, Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá kết quả 4 năm triển khai và thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
YBĐT - Thuộc xã vùng 2 của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, xã Động Quan có 16 thôn, bản và là nơi chung sống của 4 dân tộc Dao, Tày, Nùng, Kinh, trong đó người Dao chiếm 52% dân số.
YBĐT - Xác định vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng quyết định và giám sát của HĐND với các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương, HĐND xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã từng bước đổi mới hoạt động từ các kỳ họp đến tiếp xúc cử tri; thực hiện tốt Luật tổ chức HĐND và UBND.
Sáng 26/10, QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật viên chức.