Giám sát thực hiện Nghị quyết 12: "Bắt mạch" để "trị bệnh"
- Cập nhật: Thứ hai, 1/11/2010 | 9:29:57 AM
YBĐT - Qua kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện định mức phân bổ ngân sách tại một số địa phương và đơn vị, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Yên Bái đã nhận định rõ hơn về kết quả thực hiện giai đoạn 2007 - 2010 đồng thời xác định phương án khắc phục những bất cập, tham mưu cho HĐND ban hành nghị quyết về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương, giai đoạn 2011 - 2015 sát thực tiễn và đạt chất lượng cao.
Thực hiện Quyết định 151/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2007 (năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2007 - 2010), ngày 11/10/2006, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 12/2006/NQ-HĐND về định mức phân bổ chi ngân sách địa phương năm 2007, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2007 - 2010 (gọi tắt là Nghị quyết 12).
Qua 4 năm thực hiện cho thấy, hệ thống định mức phân bổ dự toán ngân sách theo Nghị quyết số 12 đã bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi cấp. Đồng thời tạo điều kiện chủ động cho các sở, ngành, các địa phương xây dựng dự toán, phân bổ, quyết định ngân sách; chủ động khai thác các nguồn thu và sử dụng ngân sách có hiệu quả, tiết kiệm.
Theo đánh giá của các đơn vị được chọn giám sát, định mức phân bổ ngân sách theo Nghị quyết 12 tương đối cụ thể, rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện; cơ bản bảo đảm tính công bằng, hợp lý giữa các địa phương; tính công khai, minh bạch của ngân sách Nhà nước; khắc phục tình trạng xin - cho trong quản lý ngân sách; ưu tiên đối với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khó khăn đồng thời có cơ chế khuyến khích đối với vùng kinh tế phát triển có nguồn thu cao. Thông qua việc thực hiện định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách đã góp phần tinh giảm biên chế, thúc đẩy xã hội hóa, cải cách hành chính trong xây dựng, quản lý ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 12 còn một số vướng mắc cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ chính sách Nhà nước đã ban hành. Đó là định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên ở tất cả các lĩnh vực còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu chi; một số định mức chi chưa bao quát hết các chế độ, chính sách của Nhà nước đã ban hành. Mặt khác, hệ thống định mức phân bổ ngân sách đối với cơ quan hành chính gồm tiền lương và chi khác nhưng không quy định cụ thể nên tỷ lệ chi lương/chi khác không thống nhất. Đặc biệt, ở các đơn vị do tính đặc thù (như chế độ phụ cấp ưu đãi) hoặc do cơ cấu cán bộ (nhiều chức danh lãnh đạo), quỹ tiền lương chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí có nơi nguồn kinh phí được phân bổ chỉ đủ trả lương nên nguồn kinh phí chi cho hoạt động rất hạn hẹp, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo đánh giá của nhiều địa phương, tiêu chí phân bổ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục căn cứ theo số lượng giáo viên tính theo quy mô trường, lớp nhưng định mức phân bổ ngân sách lại áp dụng theo hai mức khác nhau (giáo viên hợp đồng và giáo viên trong biên chế). Khảo sát tại các cơ sở giáo dục cho thấy, năm 2010, mức kinh phí phân bổ bình quân cho giáo viên trong biên chế đạt từ 40 - 45 triệu đồng/năm, trong khi giáo viên hợp đồng chỉ đạt từ 16 - 17 triệu đồng/năm.
Với cách phân bổ như trên đã dẫn đến tình trạng cùng sử dụng định mức giáo viên như nhau nhưng đơn vị có tỷ lệ giáo viên trong biên chế cao thì được hưởng nguồn ngân sách cao hơn so với những đơn vị có tỷ lệ giáo viên trong biên chế thấp. Những bất cập này đang là cản trở đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ về quản lý biên chế và tài chính trong các cơ sở giáo dục. Một vấn đề nữa là định mức kinh phí phân bổ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, dạy nghề... chưa phân biệt giữa đơn vị có thu và đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động nên chưa có tác dụng đẩy mạnh xã hội hóa.
Đối với cấp xã, hệ thống định mức chi cho hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, quản lý hành chính mặc dù đã có sự phân biệt giữa vùng cao và vùng thấp nhưng chưa tính đến các yếu tố khác (như diện tích, dân số, mức độ khó khăn) nên chưa bảo đảm công bằng, hợp lý trong sử dụng ngân sách. Đặc biệt từ năm 2010, thực hiện Nghị định 92 của Chính phủ, tiêu chí phân bổ ngân sách cho cán bộ không chuyên trách cấp xã được xác định theo số lượng hiện có là chưa phù hợp. Vì trong thực tế vẫn còn một số địa phương thành lập thôn, tổ dân phố chưa bảo đảm các tiêu chí theo quy định (quá lớn hoặc quá nhỏ).
Việc phân bổ định mức chi cho quốc phòng tính bình quân theo đầu xã cũng chưa phù hợp vì nguồn kinh phí này chủ yếu chi cho hoạt động huấn luyện dân quân tự vệ, trong khi số lượng dân quân tự vệ lại xác định trên đầu dân số. Không chỉ bất cập về tiêu chí mà định mức chi cho công tác quốc phòng cấp xã cũng còn thấp.
Đơn cử như ở phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái), số lượng dân quân tự vệ tính theo đầu dân số là trên 130 người, nhu cầu kinh phí chi cho hoạt động huấn luyện dân quân theo chính sách Nhà nước quy định mỗi năm tối thiểu là 30 triệu đồng, trong khi nguồn kinh phí được phân bổ chỉ có 10 triệu đồng. Ngoài ra, vẫn còn một số lĩnh vực chưa quy định cụ thể định mức chi thường xuyên như chi sự nghiệp giao thông, thực hiện công tác cải cách hành chính, thành lập đơn vị mới.
Việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách. Đánh giá đúng những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện định mức phân bổ ngân sách theo Nghị quyết 12 chính là “bắt mạch trị bệnh”, giúp HĐND xây dựng nghị quyết về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn 2011 - 2015 sát thực tiễn và đạt chất lượng cao.
Lê Thị Liêm
Các tin khác
YBĐT - HĐND tỉnh Yên bái khóa XVI tổ chức kỳ họp thứ 19 thông qua 5 nghị quyết quan trọng/ Tỉnh đoàn Yên Bái gặp mặt tiểu đoàn đại biểu thanh niên tỉnh Yên Bái/ Đoàn công tác Hội đồng tỉnh Val de Marne bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Yên Bái/ Cầu Ngòi Lực đã được khắc phục thông xe.
Chiều 30/10, Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp sau 3 ngày làm việc khẩn trương và hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara khẳng định Chính phủ Nhật Bản hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, tiếp tục ưu tiên dành trợ giúp ODA cho Việt Nam.
YBĐT - Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Khiếu nại với những nội dung chính về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải quyết khiếu kiện đông người và một số vấn đề cụ thể khác.