"Nói dân hiểu, làm dân tin"

  • Cập nhật: Thứ hai, 1/11/2010 | 2:29:25 PM

YBĐT - Gần ba năm tăng cường từ Phòng Dân tộc - Tôn giáo (Ban Dân vận Tỉnh ủy) lên làm Phó ban Dân vận Huyện ủy Trạm Tấu, bước chân của người cán bộ dân tộc Mông - Giàng A Khua đã có mặt hầu khắp những nơi sâu, xa nhất huyện vùng cao này.

Anh Giàng A Khua (thứ hai từ phải sang) cùng đoàn công tác kiểm tra việc tái trồng cây thuốc phiện tại xã Sùng Đô (Văn Chấn).
Anh Giàng A Khua (thứ hai từ phải sang) cùng đoàn công tác kiểm tra việc tái trồng cây thuốc phiện tại xã Sùng Đô (Văn Chấn).

Gần ba năm tăng cường từ Phòng Dân tộc - Tôn giáo (Ban Dân vận Tỉnh ủy) lên làm Phó ban Dân vận Huyện ủy Trạm Tấu, bước chân của người cán bộ dân tộc Mông - Giàng A Khua đã có mặt hầu khắp những nơi sâu, xa nhất huyện vùng cao này. Không biết có phải sự dẻo dai vốn dĩ của người dân Mông cho anh sức lực để đi và đi hay chính cái tâm với đồng bào mình, những mong thay đổi điều gì đó cho cuộc sống của bà con bớt khó khăn để anh có thể nhiệt tình với công việc này đến vậy?

Gian nan nhất với người làm công tác dân vận ở vùng cao có lẽ là việc vận động bà con xóa bỏ cây thuốc phiện. Bằng những điều mắt thấy tai nghe, bằng chính nỗi xót xa từng chứng kiến những cảnh đời của đồng bào mình “thân tàn ma dại”, nghèo khó khi cứ quẩn quanh với “nàng tiên nâu” để anh đến với đồng bào và nói với bà con rằng, đời bố nghiện thì đời con theo đó cũng hút, nghiện rồi thì chẳng trồng cấy, chăn nuôi được gì cả, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, sẽ nghèo và nghèo mãi. Chỉ có bỏ thuốc, bỏ trồng cây thuốc phiện, thay vào đấy là trồng lúa, trồng ngô, trồng rừng, có cơm ăn, có áo mặc, được đi học và hết nghèo... Việc vận động cũng không chỉ một sớm, một chiều mà phải kiên trì, nhẫn nại và thường xuyên mới có thể thay đổi được nhận thức, tư tưởng của bà con.

Gian khổ hơn nữa, phải nói đến việc đi phá nương thuốc phiện khi người dân lại lén trồng. Luôn có mặt trong đoàn công tác liên ngành của tỉnh đi kiểm tra và triệt phá cây thuốc phiện ở Trạm Tấu, bước chân của anh Khua lặn lội tận những nơi xa xôi, heo hút khắp các bản làng Trạm Tấu. Những Tà Nhù, Máy Bay Rơi, Súa Di Tê của xã Bản Mù; những Háng Đày, Khấu Đề Tà... của Làng Nhì, anh đều đã từng có mặt. Những nương, những khoanh thuốc phiện mà dân lén trồng có khi tút hút trong rừng sâu hay khuất lấp ven khe suối. Ai đã từng tham gia đi kiểm tra và triệt phá cây thuốc phiện ở vùng cao mới thấu hết những gian khổ của người cán bộ làm công việc này.

Mỗi chuyến đi vài ba ngày là chuyện thường tình. Ăn rừng, ngủ rừng. Bàn chân phồng rộp vì cuốc bộ cả mấy ngày trời. Có những khi phải hơ nóng hòn đá, lót lá đặt dưới chân mới tan bớt đi cái lạnh chốn rừng sâu lúc đêm về. Nhưng với người cán bộ ấy thì “Buồn nhất vẫn là lúc đối diện với thái độ của người dân. Biết chúng tôi đi kiểm tra và phá cây thuốc phiện, có khi vào nhà dân xin nước uống, họ cũng không cho.

Chuyện người dân đe dọa bằng súng kíp cũng đã từng xảy ra như trong đợt kiểm tra và phát hiện 5 nương thuốc phiện ở khu vực Giàng La Pán, xã Bản Mù năm 2009”. Sau những vất vả và nỗ lực không mệt mỏi của những người đi xóa bỏ cây thuốc phiện như anh, diện tích trồng cây thuốc phiện ở Trạm Tấu được thu hẹp. Nếu như thời điểm năm 2006 - 2007, Trạm Tấu có khoảng 10 ha thuốc phiện thì đến cuối năm 2009 chỉ còn khoảng 1,6 ha toàn huyện. Thời điểm tháng 10 năm 2010, sau những đợt kiểm tra cũng chưa phát hiện thêm nương thuốc phiện nào trồng mới.

Hết tuyên truyền bà con xóa bỏ cây thuốc phiện lại quay ra vận động người dân cày cấy, tăng vụ. Cánh đồng Mảnh Tàu, Tà Ghênh (thôn Tà Ghênh, xã Bản Mù), người dân vẫn chỉ quen trồng một vụ lúa. Những khi mất mùa, thóc không đủ chim ăn. Anh cùng tổ công tác của huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền bà con tập trung sản xuất vụ đông xuân, trồng ngô đông và một số hoa màu khác.

Nhiều người dân bảo, trồng một vụ cũng đủ ăn rồi, trồng làm gì nữa nhưng nghe cái lý của anh: “Trồng thêm vụ nữa có thóc, có ngô để chăn nuôi rồi bán lấy tiền mà mua xe máy, đi đâu cũng tiện, không phải đi bộ nữa” thì thấy cũng phải. Anh lại cùng cán bộ khuyến nông huyện kiểm tra từng gốc ngô, đụn lúa. Vụ đông xuân 2009 - 2010, trên hai cánh đồng này, người dân đã trồng cấy được 80 ha, vượt 5 ha kế hoạch huyện giao với năng suất bình quân là trên 43 tạ/ha; vụ mùa đạt 155 ha, vượt 17 ha kế hoạch với năng suất trên 41 tạ/ha. Cây ngô cả năm cũng đạt đến hơn 168 ha diện tích, trong đó có 50 ha vụ đông. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng là cả thành công lớn từ tư tưởng, nhận thức đến hành động đối với đồng bào Mông ở đây.

“Muốn dân nghe mình thì phải làm dân tin và nói làm sao người dân dễ hiểu nhất” - đó là điều mà người cán bộ dân vận Giàng A Khua luôn tâm niệm trong những năm tháng gắn bó với đồng bào vùng cao.

Thu Hạnh

Các tin khác

YBĐT - Qua kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện định mức phân bổ ngân sách tại một số địa phương và đơn vị, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh Yên Bái đã nhận định rõ hơn về kết quả thực hiện giai đoạn 2007 - 2010 đồng thời xác định phương án khắc phục những bất cập, tham mưu cho HĐND ban hành nghị quyết về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương, giai đoạn 2011 - 2015 sát thực tiễn và đạt chất lượng cao.

YBĐT - HĐND tỉnh Yên bái khóa XVI tổ chức kỳ họp thứ 19 thông qua 5 nghị quyết quan trọng/ Tỉnh đoàn Yên Bái gặp mặt tiểu đoàn đại biểu thanh niên tỉnh Yên Bái/ Đoàn công tác Hội đồng tỉnh Val de Marne bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Yên Bái/ Cầu Ngòi Lực đã được khắc phục thông xe.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại một phiên họp.

Chiều 30/10, Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp sau 3 ngày làm việc khẩn trương và hiệu quả.

Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang tiếp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara khẳng định Chính phủ Nhật Bản hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, tiếp tục ưu tiên dành trợ giúp ODA cho Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục