Các bộ ngành Trung ương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi tới kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/12/2012 | 10:50:22 AM
YBĐT - Sau khi kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII kết thúc, các bộ ngành Trung ương đã có nhiều văn bản cụ thể trả lời các ý kiến cử tri Yên Bái đề nghị và quan tâm. Sau đây nội dung chi tiết:
Khám chữa bệnh cho nhân dân tại Trạm Y tế xã Púng Luông (Mù Cang Chải). Ảnh: Quỳnh Nga
|
Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị:
1. Việc thu viện phí 20% đối với các trường hợp thương binh, bệnh binh và hộ gia đình chính sách trong khám chữa bệnh chưa hợp lý, đề nghị Nhà nước xem xét và miễn phí toàn bộ cho các đối tượng này.
Ngày 29/8/2012, Bộ Y tế có Công văn số 5723/BYT-VPB1 trả lời như sau:
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), các đối tượng là thương binh, bệnh binh và hộ gia đình chính sách đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập thì được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh, còn lại người bệnh tự thanh toán viện phí 20% với cơ sở y tế. Về kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét đề xuất khi sửa đổi Luật BHYT trong thời gian tới.
2. Đề nghị Chính phủ cần quản lý chặt chẽ diện tích đất nông nghiệp hiện có để đảm bảo an ninh lương thực trong thời gian tới.
Ngày 31/8/2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 3091/BTNMT-PC trả lời như sau:
Vấn đề an ninh lương thực (bao gồm lương thực, thực phẩm) được Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Ngày 23 tháng 12 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, trong đó có xác định quỹ đất lúa của cả nước cần bảo vệ đến năm 2020 là 3,8 triệu ha. Trên cơ sở đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015).
Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 17/2011/QH13 về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia. Theo đó, ngày 23 tháng 02 năm 2012, Chính phủ đã có Công văn số 23/CP-KTN về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia cho từng tỉnh làm cơ sở để các tỉnh triển khai lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, trong đó có phân bổ các chỉ tiêu đất nông nghiệp, đất trồng lúa và đất chuyên trồng lúa nước.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 05/2006/CT-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2006 về việc khắc phục yếu kém, sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai, trong đó yêu cầu hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước có năng suất ổn định chuyển sang mục đích khác và ngày 18 tháng 4 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 391/QĐ-TTg nêu rõ: “Hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; không xét duyệt quy hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích sản xuất, dịch vụ phi nông nghiệp ở những địa phương có điều kiện sử dụng các loại đất khác; trường hợp cần thiết phải chuyển đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc đối với các dự án có ảnh hưởng đến khu vực sản xuất nông nghiệp liền kề thì phải có các giải pháp sử dụng đất tiết kiệm và bảo đảm tính khả thi, an toàn cho sản xuất nông nghiệp trong khi thực hiện dự án”.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ đất trồng lúa, ngày 11 tháng 5 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, theo đó quy định đất chuyên trồng lúa nước phải được bảo vệ nghiêm ngặt trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chỉ được điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chuyên trồng lúa nước trong trường hợp phải chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vấn đề đại biểu nêu đã được quán triệt trong quá trình xây dựng dự thảo Luật này.
Ngày 11 tháng 5 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, theo đó quy định đất chuyên trồng lúa nước phải được bảo vệ nghiêm ngặt trong kỳ quy hoạch
3. Đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khoáng sản số 60/2012/QH12 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, khóa XII, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011.
Ngày 31/8/2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 3091/BTNMT-PC trả lời như sau:
Thực hiện Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định gồm: Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản; Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tháng 6 năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản để xem xét, ban hành. Theo thẩm quyền được giao trong Luật Khoáng sản và các nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, như: Thông tư quy định về đề án thăm dò khoáng sản, đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và mẫu báo cáo, văn bản trong hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản, hồ sơ đóng cửa mỏ khoáng sản; Thông tư quy định điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản; Thông tư quy định về thu thập, giao nộp, lưu trữ, bảo quản và cung cấp thông tin về khoáng sản; Thông tư quy định chi tiết thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; Thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp tính, chế độ thu, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản... đang được khẩn trương hoàn chỉnh để ban hành trong quý IV năm 2012.
4. Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011 nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Do vậy, từ tháng 1/2011 đến nay, các đối tượng được thụ hưởng chính sách chưa được hưởng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.
Ngày 03/8/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 5059/BGDĐT-VP trả lời như sau:
Ngày 22 tháng 12 năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6 tháng 02 năm 2012.
Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.
5. Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục công lập quy định:
- Số tiết dạy trong 1 tuần của giáo viên tiểu học là 23 tiết.
- Định mức giáo viên:
+ Đối với trường tiểu học dạy 1 buổi trong ngày được bố trí biên chế không quá 1,20 giáo viên trong 1 lớp;
+ Đối với trường tiểu học dạy 2 buổi trong ngày được bố trí biên chế không quá 1,50 giáo viên trong 1 lớp;
Trên thực tế hiện nay áp dụng học 2 buổi/ngày thì số tiết dạy của giáo viên là 27 tiết/tuần. So với quy định của Thông tư thì giáo viên đứng lớp phải dạy vượt giờ so với định mức quy định là 4 tiết/tuần.
Đề nghị liên bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ sớm sửa đổi Thông tư hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh thiệt thòi cho giáo viên đứng lớp (đề nghị định mức giáo viên trường tiểu học dạy 2 buổi trong ngày được bố trí biên chế không quá 1,7 giáo viên trong 1 lớp mới là phù hợp).
Ngày 30/8/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 5771/BGDĐT-VP trả lời như sau:
Theo Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục công lập thì định mức biên chế giáo viên tiểu học:
- Đối với những trường dạy 1 buổi/ngày được bố trí biên chế 1,20 giáo viên/lớp đảm bảo các hoạt động của giáo viên được quy định trong kế hoạch dạy học.
- Đối với những trường dạy 2 buổi/ngày được bố trí biên chế 1,50 giáo viên/lớp ngoài việc đảm bảo các hoạt động của giáo viên như đối với dạy 1 buổi/ngày đồng thời đảm bảo đủ giáo viên đối với việc tăng thời gian cho học sinh tự học có hướng dẫn và tổ chức các hoạt động tập thể.
Kế hoạch giáo dục tiểu học (Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) được thực hiện ở tất cả các trường, lớp tiểu học không phân biệt có dạy 2 buổi/ngày hay không. Đối với các trường, lớp dạy 2 buổi/ngày, các môn Tin học, ngoại ngữ là các môn học tự chọn, không bắt buộc (bắt đầu thực hiện từ lớp 3).
Về đề nghị điều chỉnh tăng định mức giáo viên tiểu học dạy 2 buổi/ngày có dạy môn tự chọn: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến phản hồi của các địa phương về việc thực hiện Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 để nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương nghiên cứu tổ chức thực hiện định mức biên chế giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, tổ chức dạy học Tin học, ngoại ngữ ở những trường lớp dạy học 2 buổi/ngày theo nhiều phương án. Ở những địa bàn số lớp trong trường tiểu học ít, có thể tổ chức để giáo viên Tin học, ngoại ngữ dạy liên trường. Ở những nơi địa hình chia cắt, đi lại khó khăn, nếu đảm bảo các điều kiện về kinh phí, đội ngũ giáo viên, các sở giáo dục và đào tạo có thể căn cứ vào Khoản 1 Điều 12 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân để tham mưu với ủy ban nhân dân tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp bổ sung biên chế giáo viên.
6. Cử tri phản ánh thủ tục miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên các hộ nghèo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn hiện nay rất phiền hà, gây khó khăn cho học sinh, sinh viên và gia đình vì các em phải đóng tiền học phí tại các trường theo học (có gia đình phải đi vay lãi để cho con đóng học, vì hộ nghèo không có tiền), sau đó lấy giấy xác nhận về địa phương để nhận tiền hỗ trợ nhưng thời gian kéo dài, hàng năm sau mới nhận được tiền hỗ trợ. Đề nghị Nhà nước xem xét, sửa đổi quy định về các thủ tục thanh toán được thuận lợi hơn, kịp thời; cho thực hiện theo thủ tục như trước đây là thực hiện miễn, giảm tại các trường.
Ngày 28/8/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 5643/BGDĐT-VP trả lời như sau:
Qua 2 năm thực hiện Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015(sau đây gọi là Nghị định 49) và Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/11/2010 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP (sau đây gọi là Thông tư 29), Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được nhiều phản ánh của các địa phương, của đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai. Một trong những vướng mắc đó là các qui định về trình tự thủ tục cấp bù tiền miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên.
Tại Thông tư 29 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục hồ sơ, phương thức miễn, giảm học phí, thời gian chi trả tiền cấp bù miễn giảm học phí. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã qui định thêm các thủ tục và giấy tờ đối với người học như: phải nộp biên lai thu tiền học phí của người học trước khi nhận tiền cấp bù miễn, giảm học phí, việc chi trả tiền miễn giảm học phí còn chậm, chưa đúng thời gian quy định (theo quy định chi trả tiền miễn, giảm học phí sau 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ).
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đã có Công văn số 6751/BTC-HCSN ngày 21/5/2012 gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương (cơ quan giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội, tài chính) khẩn trương rà soát lại các thủ tục, quy định hiện hành (đặc biệt là hồ sơ liên quan đến việc xác nhận đối tượng) đảm bảo giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính và công khai quy trình xét duyệt hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi và cấp kinh phí cho gia đình người học theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 29. Chấm dứt tình trạng quy định thêm các thủ tục và thực hiện nghiêm túc việc chi trả tiền cấp bù miễn giảm theo đúng thời gian quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp để chấn chỉnh tình trạng xác nhận đơn hỗ trợ miễn, giảm học phí tràn lan, xác nhận không đúng quy định. Bộ cũng đề nghị các cơ sở giáo dục đào tạo chậm thu học phí trong 3 tháng đối với các đối tượng được miễn, giảm học phí kể từ bắt đầu học kỳ mới để tạo điều kiện cho người học có đủ thời gian nhận tiền tại địa phương để nộp cho các cơ sở giáo dục.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP để điều chỉnh những bất hợp lý và khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian qua, trong đó có kiến nghị về việc thực hiện phương thức cấp bù học phí.
Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị:
1. Về cơ chế điều hành và quản lý của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Trung ương còn chung chung và quá rộng nên việc áp dụng vào thực tiễn của địa phương là rất khó khăn. Đề nghị Chính phủ quan tâm, giải quyết.
Ngày 19/10/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 3602/BNN- KTHT trả lời như sau:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhất trí với ý kiến của cử tri về thực trạng cơ chế điều hành và quản lý của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Trung ương.
Mặc dù Thông tư liên tịch số 26/2010/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 đã quy định rõ về cơ cấu tổ chức của bộ máy quản lý chỉ đạo chương trình ở các cấp nhưng một số địa phương còn rất lúng túng, bị động trong xây dựng kế hoạch triển khai; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước còn khá nặng nề trong một bộ phận không nhỏ cán bộ và người dân. Việc tổ chức xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương còn chưa linh hoạt, sáng tạo trong vận dụng; thiếu kế hoạch cụ thể...
Để khắc phục tình trạng đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, đánh giá các mô hình tổ chức bộ máy giúp việc cho ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện để đề xuất Thủ tướng Chính phủ hình thức tổ chức phù hợp (Thông báo 169/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị trực tuyến về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới). Thực hiện nhiệm vụ được phân công, hiện tại, Bộ Nội vụ đang khẩn trương nghiên cứu và đánh giá mô hình bộ máy giúp việc phù hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong thời gian tới.
2. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định nâng mức phụ cấp cho đối tượng thuộc diện chính sách, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công... theo Nghị định số 52/2011/NĐ-CP ngày 30/6/2011 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Vì thực tế, mức phụ cấp này là thấp, không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của họ.
Ngày 21/9/2012, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 3385/LĐTBXH-VP trả lời như sau:
Ngày 28/5/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2012/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định tại Nghị định này là 1.110.000 đồng, tăng so với mức cũ (876.000 đồng) là 26,7%. Như vậy, mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công đã được tăng lên.
3. Đề nghị có văn bản hướng dẫn giải quyết số hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ, tù đày phát sinh sau khi đã thực hiện Kế hoạch 611 của Bộ LĐ-TB&XH; số thương binh có vết thương tái phát từ trần, không có bệnh án hoặc biên bản kiểm thảo tử vong của trung tâm y tế; số người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học không còn giấy tờ gốc hoặc các giấy tờ có liên quan hoặc mới mắc bệnh từ ngày 7/4/2009 trở lại đây.
Ngày 21/9/2012, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 3385/LĐTBXH-VP trả lời như sau:
1. Về xác nhận người có công đối với những trường hợp còn tồn đọng:
Việc xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng qua 3 thời kỳ cách mạng là công việc khó khăn, phức tạp do chiến tranh gian khổ, lâu dài; do thời gian quá lâu, trường hợp bị thương từ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến nay không còn các giấy tờ, người làm chứng để làm căn cứ xác nhận.
Hiện nay, cả nước đã xác nhận trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm khoảng gần 10% dân số, trong đó hiện có trên 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Về cơ bản, những người có công với cách mạng hầu hết đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi.
Đối với một số trường hợp đặc biệt đề nghị giải quyết chế độ nhưng không còn lưu giữ được hồ sơ, giấy tờ gốc (giấy chứng nhận bị thương, phiếu chuyển thương, chuyển viện, bệnh án điều trị, giấy ra viện…), không còn thân nhân kê khai, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành liên quan tiến hành giải quyết những hồ sơ tồn đọng theo Kế hoạch số 611/KH-LĐTBXH ngày 03/3/2009. Kết quả thực hiện cụ thể như sau:
- Tổng số 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 8.072 hồ sơ tồn đọng. Trong đó có 3.974 hồ sơ đủ điều kiện xem xét giải quyết (1.336 liệt sĩ, 2.638 thương binh).
- Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng đã giải quyết được cơ bản những hồ sơ tồn đọng.
Tuy nhiên, việc giải quyết những trường hợp không còn giấy tờ, chỉ căn cứ vào chứng nhận của những người biết sự việc đã xảy ra hàng ngàn trường hợp khai man, xác nhận sai sự thật để hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành liên quan để giải quyết những trường hợp cụ thể trong xác nhận đối tượng người có công. Công tác nêu trên cần phải hết sức cân nhắc, thận trọng, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đơn vị và cá nhân cũng như đòi hỏi nhiều thời gian xác minh, kết luận để đảm bảo chính xác, không để xảy ra tiêu cực.
2. Về kiến nghị xác nhận liệt sĩ đối với số thương binh có vết thương tái phát từ trần, không có bệnh án hoặc biên bản kiểm thảo tử vong của trung tâm y tế:
Theo quy định hiện hành, thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 81% trở lên chết do vết thương tái phát có giấy xác nhận của cơ sở y tế được xem xét xác nhận là liệt sĩ; đối với thương binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21% - 80% chết do vết thương tái phát phải có bệnh án điều trị và biên bản kiểm thảo tử vong chết do vết thương tái phát của giám đốc bệnh viện cấp tỉnh trở lên làm căn cứ để khẳng định chết do vết thương tái phát hay chết vì nguyên nhân khác.
3. Về việc giải quyết đối với các trường hợp mới mắc bệnh từ ngày 07/4/2009 trở lại đây:
Triển khai Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành theo thẩm quyền được giao sẽ có các văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục, hồ sơ. Đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ban hành quy trình lập hồ sơ, thủ tục; về quy trình xác định bệnh tật, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động sẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
4. Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung Điều 9, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về phụ cấp theo loại xã vì xã loại 3 không được hưởng phụ cấp và chỉ có đối tượng là cán bộ được hưởng, còn công chức thì lại không được hưởng.
Ngày 31/8/2012, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 3165/BNV-CQ ĐP trả lời như sau:
Chế độ phụ cấp theo loại xã quy định tại Điều 9 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là để giảm bớt bất hợp lý trong việc xếp lương và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ bầu cử giữa cấp xã với cấp huyện trở lên, cụ thể là:
- Cán bộ bầu cử cấp tỉnh cùng chức danh có 2 mức phụ cấp chức vụ phân biệt theo 2 loại cấp tỉnh như sau: đô thị loại đặc biệt, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; đô thị loại I, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
- Cán bộ bầu cử cấp huyện cùng chức danh có 4 mức phụ cấp chức vụ phân biệt theo 4 loại cấp huyện như sau: thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I, thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại II, thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại III, quận thuộc Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; huyện, thị xã và các quận còn lại.
- Cán bộ bầu cử cấp xã: Việc xếp lương chức vụ (cán bộ có trình độ dưới trung cấp) và chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo (từ 0,15 đối với trưởng đoàn thể cấp xã đến 0,30 đối với bí thư Đảng ủy cấp xã) được áp dụng thống nhất, không phân biệt theo loại xã. Vì vậy, cần bổ sung chế độ phụ cấp theo loại xã như quy định tại Điều 9 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP nêu trên.
Việc thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã hiện nay còn nhiều bất cập, tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp các bất hợp lý để xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian tới (trong đó có việc xếp lương và chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã).
5. Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/02/2002 về việc Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố. Cụ thể là quy định lại việc chia tách thôn, bản cho phù hợp với từng điều kiện của các địa phương, nhất là đối với các tỉnh miền núi với điều kiện mật độ dân cư thưa thớt, địa bàn rộng và cách xa nhau.
Ngày 30/8/2012, Bộ Nội vụ có Công văn số 3138/BNV-CQĐP trả lời như sau:
Tiếp thu kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp Quốc hội khóa XII và khóa XIII, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu, xây dựng Thông tư thay thế Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố”, trong đó có quy định về nguyên tắc và tiêu chí thành lập thôn, tổ dân phố mới.
1. Theo Luật thuế nhà, đất, các gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh nặng được miễn thuế nhà, đất. Đề nghị Nhà nước có quy định miễn thuế nhà đất cho các đối tượng thương bệnh binh còn lại.
Ngày 20/8/2012, Bộ Tài chính có Công văn số 11147/BTC-CST trả lời như sau:
Tại Điều 13 Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1992 (có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2011) quy định:
“Điều 13
Tạm miễn thuế đất đối với các trường hợp sau đây:
1- Đất xây dựng trụ sở cơ quan hành chính, sự nghiệp Nhà nước, tổ chức xã hội, công trình văn hóa, đất chuyên dùng vào mục đích quốc phòng và an ninh;
2- Đất ở thuộc vùng rừng núi rẻo cao thuộc diện được miễn thuế nông nghiệp, vùng định canh, định cư, vùng kinh tế mới;
3- Đất ở của gia đình thương binh loại 1/4, loại 2/4; gia đình liệt sĩ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước quy định; đất xây dựng nhà tình nghĩa;
4- Đất ở của người tàn tật, người chưa đến tuổi thành niên và người già cô đơn không nơi nương tựa không có khả năng nộp thuế”.
Căn cứ theo quy định nêu trên, trước ngày 01/01/2012, đất ở của gia đình thương binh loại 1/4, loại 2/4; gia đình liệt sĩ được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước quy định; đất xây dựng nhà tình nghĩa thuộc đối tượng được miễn thuế đất. Pháp lệnh thuế nhà, đất không quy định miễn, giảm thuế đất đối với thương binh hạng 3/4, 4/4; bệnh binh (đây là một trong những bất cập của Pháp lệnh thuế nhà, đất dẫn đến chưa công bằng trong quá trình thực hiện).
Để khắc phục những bất cập của Pháp lệnh thuế nhà, đất, đảm bảo công bằng giữa các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, ngày 17/6/2010, Quốc hội đã thông qua Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số 48/2010/QH12 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 (thay thế cho Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1992 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh thuế nhà, đất năm 1994). Khoản 5 Điều 9 và khoản 3 Điều 10 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp quy định miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, cụ thể:
“Điều 9. Miễn thuế
...
5. Đất ở trong hạn mức của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; thương binh hạng 1/4, 2/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; bệnh binh hạng 1/3; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ khi còn nhỏ; vợ, chồng của liệt sỹ; con của liệt sỹ được hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; người bị nhiễm chất độc da cam mà hoàn cảnh gia đình khó khăn.
...
Điều 10. Giảm thuế
Giảm 50% số thuế phải nộp cho các trường hợp sau đây:
3. Đất ở trong hạn mức của thương binh hạng 3/4, 4/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 3/4, 4/4; bệnh binh hạng 2/3, 3/3; con của liệt sỹ không được hưởng trợ cấp hàng tháng.
...”.
Căn cứ theo quy định nêu trên của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì từ ngày 01/01/2012, các đối tượng là thương binh hạng 1/4, 2/4, 3/4, 4/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4, 3/4, 4/4; bệnh binh hạng 1/3, 2/3, 3/3 đều được miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
2. Đề nghị cho đối tượng cựu chiến binh có thời gian chiến đấu tại biên giới phía Bắc và Tây Nam được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Ngày 04/9/2012, Bộ Quốc phòng có Công văn số 2718/BQP-VP trả lời như sau:
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 09/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Theo quy định tại quyết định nêu trên, quân nhân nhập ngũ sau ngày 30/4/1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia có dưới 20 năm phục vụ trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, chế độ bệnh binh hàng tháng được hưởng các chế độ như sau:
1. Chế độ trợ cấp hàng tháng hoặc một lần tùy theo thời gian thực tế phục vụ trong quân đội;
2. Nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;
3. Khi từ trần, người lo mai táng được hưởng chế độ mai táng phí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
3. Đề nghị xây dựng cơ chế phối hợp với trại giam tổ chức thi hành án đợt đặc xá hàng năm để các cơ quan thi hành án dân sự được chủ động phối hợp.
Ngày 07/9/2012, Bộ Tư pháp có Công văn số 7255/BTP-VP trả lời như sau:
Vấn đề cử tri kiến nghị là đúng vì hiện nay, công tác phối hợp với trại giam, trại tạm giam trong việc thu, trả tiền, tài sản thi hành án dân sự nói chung và thi hành án dân sự phục vụ công tác đặc xá nói riêng chưa có cơ chế cụ thể.
Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an đã xây dựng xong dự thảo “Thông tư liên tịch về hướng dẫn thủ tục thu tiền, tài sản của người phải thi hành án và trả tiền, tài sản cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trại tạm giam”. Dự thảo Thông tư liên tịch quy định cụ thể trách nhiệm của giám thị trại giam, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và các trình tự, thủ tục trong việc thu, trả tiền, tài sản; chuyển tiền, tài sản giữa cơ quan thi hành án và trại giam, trại tạm giam. Về cơ bản, Thông tư liên tịch này khi được ban hành sẽ là cơ sở giúp cơ quan thi hành án dân sự và trại giam phối hợp tốt hơn trong công tác thi hành án dân sự, phục vụ công tác đặc xá.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch, do còn có một số vấn đề chưa đạt được sự thống nhất cao nên bị chậm tiến độ so với kế hoạch.
4. Đề nghị xây dựng cơ chế giải quyết những vụ việc có liên quan đến tội phạm về ma túy mà thời gian phạt tù từ 10 năm trở lên đã qua phối hợp với viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương tổ chức xác minh mà người phải thi hành án là người nghiện ma túy thực sự không có điều kiện thi hành án.
Ngày 07/9/2012, Bộ Tư pháp có Công văn số 7255/BTP-VP trả lời như sau:
Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Bộ Tư pháp đã xây dựng và trình Chính phủ (Tờ trình số 38/TTr-BTP ngày 24/8/2012) dự thảo “Đề án về việc miễn thi hành án đối với việc thi hành khoản thu ngân sách Nhà nước không thể thi hành được tính đến ngày 01/7/2009 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thi hành án đối với những khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành được tính đến ngày 01/7/2009”. Nội dung Đề án là: kiến nghị Quốc hội xem xét cho miễn thi hành đối với những khoản thu ngân sách Nhà nước không thể thi hành được tính đến ngày 01/7/2009, trong đó có những khoản thu liên quan về ma túy mà thời gian phạt tù từ 10 năm trở lên đã qua phối hợp với viện kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương tổ chức xác minh mà người phải thi hành án là người nghiện ma túy khi đáp ứng các yêu cầu theo quy định (cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trước ngày 01/7/2009; cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng vẫn không thể thi hành được; không đủ điều kiện xét miễn, giảm theo quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự).
Tuy nhiên, đây là giải pháp trước mắt và được thực hiện một lần khi có Nghị quyết của Quốc hội. Bộ Tư pháp xin ghi nhận ý kiến của cử tri và về lâu dài, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết một cách cơ bản loại việc nêu trên.
5. Đề nghị có chính sách tín dụng đối với các đối tượng là học sinh, sình viên thuộc diện hộ cận nghèo, có hộ khẩu tại các vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hiện đang theo học tại các trường đại học, cao đăng, trung cấp chuyên nghiệp được vay vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên để các đối tượng này giảm bớt khó khăn, tham gia học tập và trở về phục vụ địa phương sau khi tốt nghiệp.
Ngày 2/7/2012, Ngân hàng Chính sách Xã hội có Công văn số 2296/NHCS-TDNN trả lời như sau:
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đang thực hiện cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) thuộc hộ nghèo, hộ có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật. Như vậy, đối tượng được vay vốn của Chương trình tín dụng HSSV đã bao gồm cả đối tượng hộ cận nghèo. Hộ có hộ khẩu tại các vùng nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp mà không thuộc đối tượng chính sách theo qui định hiện hành chưa được vay vốn HSSV từ NHCSXH do nguồn vốn cho vay chương trình còn khó khăn nên Chính phủ chưa mở rộng đối tượng để cho vay. NHCSXH xin tiếp thu và sẽ nghiên cứu kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét.
6. Hiện nay, phim Việt Nam xuất hiện nhiều “cảnh nóng”, trang phục biểu diễn của một số nghệ sĩ còn phản cảm, không phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt Nam. Đề nghị các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động phim ảnh, ca nhạc, biểu diễn và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp ăn mặc hở hang, không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Ngày 29/8/2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có Công văn số 3003/BVHTTDL-VP trả lời như sau:
1. Về quản lý hoạt động phim ảnh:
a1) Đối với các bộ phim truyện do Điện ảnh Việt Nam sản xuất:
Trước khi trình chiếu tại các rạp chiếu phim trên hệ thống rạp cả nước và phát hành ra nước ngoài, tất cả các phim chiếu rạp (truyện nhựa, HD, DVD và được in trên các chất liệu khác) và phim phổ biến trong hệ thống phát hành phim gia đình do Việt Nam sản xuất và phim nhập khẩu đều được các Hội đồng Trung ương thẩm định phim của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định, cấp phép phổ biến. Các phim được phép phổ biến rộng rãi là phim không vi phạm bất cứ quy định nào của pháp luật Việt Nam (được quy định tại Luật Điện ảnh, Luật sửa đổi một số điều của Luật Điện ảnh, Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan). Luật Điện ảnh quy định một số phim khi chiếu sẽ hạn chế trẻ em dưới 16 tuổi. Tùy theo mức độ thể hiện của bộ phim, Hội đồng Trung ương thẩm định phim sẽ có ý kiến để tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước (Cục Điện ảnh Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định cho phép phổ biến rộng rãi, phổ biến hạn chế trẻ em dưới 16 tuổi hoặc cấm phổ biến. Thực tế cho thấy, chưa có một bộ phim nào của Điện ảnh Việt Nam (của các công ty (hãng phim) điện ảnh Nhà nước, điện ảnh tư nhân, phim liên doanh hợp tác với nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài) phát hành trên hệ thống rạp chiếu bóng để lọt “cảnh nóng”, vi phạm Luật Điện ảnh và các văn bản liên quan.
a2) Đối với phim phát trên sóng của các đài truyền hình:
Căn cứ Luật Điện ảnh, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh, người chịu trách nhiệm về phim phát trên sóng truyền hình là tổng giám đốc các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình.
Với trách nhiệm được Chính phủ giao là cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BVHTTDL ngày 18 tháng 8 năm 2010 quy định tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định phim của đài truyền hình, đài phát thanh -truyền hình. Căn cứ các quy định của Thông tư số 08/2010/TT-BVHTTDL, tổng giám đốc các đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình quyết định thành lập hội đồng thẩm định, có trách nhiệm thẩm định về nội dung tư tưởng của phim, tư vấn cho người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình xem xét, quyết định việc cho phép phát sóng trên đài.
2. Về quản lý hoạt động ca nhạc, biểu diễn và xử lý các trường hợp trang phục phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục
Việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật đã được phân cấp quản lý theo “Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp” ban hành theo Quyết định số 47/2004/QĐ-BVHTT ngày 02 tháng 7 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Theo đó, trước khi cơ quan quản lý cấp phép, phải tổ chức hội đồng nghệ thuật thẩm định nội dung chương trình. Tuy nhiên, tại một số chương trình nghệ thuật vẫn còn hiện tượng ca sĩ trang phục không phù hợp với chương trình biểu diễn.
Để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý biểu diễn nghệ thuật, ngày 16/4/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL về việc chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Bộ đã tổ chức hội nghị trực tuyến tại 3 đầu cầu thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng ngày 18/5/2012 nhằm chấn chỉnh hoạt động này đi vào nền nếp; tổ chức 02 hội nghị quán triệt triển khai Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL ngày 16/4/2012 tới các đơn vị nghệ thuật, công ty tổ chức biểu diễn, ca sỹ, người mẫu tại hai địa bàn trọng điểm là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác thông tin, truyền thông về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Qua bước đầu triển khai đã có một số kết quả: nhiều tỉnh, thành phố đã có văn bản giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 65/CT-BVHTTDL. Nhìn chung, dư luận đánh giá cao và đặt sự tin tưởng vào các nội dung của Chỉ thị sẽ được thực hiện nghiêm túc. Mặt khác, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, sở văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh/thành tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, có chế tài xử phạt nghiêm các đơn vị tổ chức biểu diễn cũng như nghệ sĩ vi phạm quy chế để hoạt động nghệ thuật biểu diễn ngày càng đi vào nền nếp, lành mạnh hơn.
Hiện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã soạn thảo và trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về các lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, hoa hậu, hoa khôi, người đẹp, người mẫu thời trang và băng, đĩa ca múa nhạc, sân khấu. Với những quy định cụ thể, ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm, quyền hạn của các bên tham gia hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, khi được ban hành, Nghị định này sẽ cơ bản khắc phục những bất cập về quy định trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật trước đây.
7. Đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực quảng cáo để đảm bảo quyền lợi của người dân. Việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh để quảng cáo cần được kiểm duyệt chặt chẽ, không để sử dụng các ngôn ngữ ngoại lai, hình ảnh thiếu văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng gây phản cảm trong nhân dân.
Ngày 29/8/2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có Công văn số 3016/BVHTTDL-VP trả lời như sau:
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quảng cáo được Chính phủ giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức, phối hợp tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động quảng cáo tại địa phương nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về quảng cáo, trong đó có các vi phạm về việc sử dụng hình ảnh, tiếng nói, chữ viết bằng tiếng Việt; quảng cáo vượt quá thời lượng, quảng cáo không đúng sự thật về sản phẩm hàng hóa...
Nhằm khắc phục những bất cập trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo hiện hành đối với việc dùng tiếng nói, chữ viết và các hình ảnh thiếu văn hóa trong quảng cáo; quảng cáo không đúng sự thật, quảng cáo vượt quá thời lượng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu, đề xuất đưa các quy định nêu trên vào Luật Quảng cáo (tại các khoản 3 Điều 8 hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: “Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”; Điều 11; Điều 12, 13, 14, 16 quy định về quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo, kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo, tiếp nhận quảng cáo; Điều 18 Tiếng nói chữ viết trong quảng cáo; Điều 19 Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo). Luật Quảng cáo đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ hợp thứ ba, Quốc hội khóa XIII và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.
Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2012 để triển khai thực hiện ngay sau khi Luật Quảng cáo có hiệu lực thi hành.
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Quy chế hoạt động chương trình công tác năm 2012, ngày 28/12, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2012. Đồng chí Hoàng Đức Quế - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng ban Thường trực Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
YBĐT - Trong quá trình lãnh đạo, tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy các nhiệm kỳ luôn chú trọng giáo dục tư tưởng, chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố xây dựng mối đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa Đảng với các tổ chức trong hệ thống chính trị...
Chiều 27-12, tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ trao quyết định bổ nhiệm chức vụ cán bộ và thăng quân hàm sĩ quan cấp tướng năm 2012.
YBĐT - Thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng bộ xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã góp phần tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng đồng thời nâng cao tính chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.