Chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm
- Cập nhật: Thứ hai, 16/9/2013 | 2:37:53 PM
YBĐT - Đẩy mạnh tiêm phòng cũng như tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) chưa có dịch bệnh lớn nào xảy ra.
Tuy nhiên, theo thông lệ, càng về cuối năm, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh càng lớn. Do vậy, huyện đang tích cực chỉ đạo các phòng chuyên môn và người dân tăng cường, chủ động các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Mặc dù ngay từ đầu năm, Lục Yên đã phải đối diện với nguy cơ lây lan của dịch, bệnh khi từ ngày 21/2 - 1/3, tại thôn 7, xã Tân Lĩnh xuất hiện bệnh tụ huyết trùng làm 5 con trâu mắc bệnh, trong đó 2 con bị chết nhưng ngay khi nhận được thông tin, Trạm Thú y huyện đã cử cán bộ xuống trực tiếp kiểm tra và thực hiện tiêm phòng cũng như phun thuốc tiêu độc khử trùng tại gia đình có vật nuôi mắc bệnh và các khu vực lân cận. Nhờ vậy, dịch bệnh đã được khống chế và dập tắt nhanh chóng.
Ngay sau đó, công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh với phương châm “5 không” đến từng người dân được phổ biến rộng khắp. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo Trạm Thú y tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ, kiểm dịch động vật và kiểm tra vệ sinh thú y tại trạm và 18 xã trên địa bàn huyện.
Cụ thể, đã kiểm soát giết mổ 6.116 con, kiểm dịch động vật trên 200 chuyến với hơn 10.000 con gia súc, gia cầm. Lực lượng cán bộ thú y cũng đã tổ chức tiêm phòng 8.100 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò, 10.181 liều vắc xin tụ huyết trùng lợn, 10.181 vắc xin dịch tả lợn, 10 liều vắc xin Newcastle và phun tiêu độc khử trùng cho gần 1,8 triệu mét vuông.
Đặc biệt, trước nguy cơ bùng phát bệnh dại trên đàn chó ở nhiều nơi, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền người dân chủ động tiêm phòng, quản lý tốt đàn chó nuôi của gia đình đồng thời chỉ đạo Trạm Thú y tăng cường xuống từng hộ dân để thực hiện tiêm phòng, đến nay đã tiêm phòng 4.950 liều vắc xin dại chó.
Theo anh Trần Minh Giám - Trạm phó Trạm Thú y huyện Lục Yên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cũng như tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh nên đến nay, toàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tuy nhiên, với đặc thù địa bàn rộng, có các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua, trong khi cuối năm thường là thời điểm tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc gia tăng chính là nguy cơ gieo rắc mầm bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm. Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch động vật cũng gặp nhiều khó khăn do ý thức phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của một số người dân vẫn còn thấp, chưa có điểm giết mổ tập trung...
Trước những khó khăn đặt ra, thời gian tới, Lục Yên tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm; triển khai kế hoạch tiêm phòng các loại vắc xin định kì đợt 2 vào tháng 9, tháng 10;tổ chức rà soát dịch bệnh, nâng cao nhận thức về tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh đến người chăn nuôi; tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát hiện, phòng chống dịch bệnh; tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý kiên quyết vi phạm trong công tác thú y.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục củng cố, tập huấn công tác chuyên môn cho mạng lưới thú y viên cơ sở; chỉ đạo Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông huyện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Hùng Cường
Các tin khác
Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại (FTA) với phiên đàm phán thứ 3 đang diễn ra tại thủ đô Minsk (Belarus).
7 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu vào Nhật Bản trên 11.000 tấn ghẹ xanh tươi, chiếm trên 60% tổng khối lượng nhập khẩu của nước này
Đó là khẳng định của ông Akira Shimizu, Phó trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Jica) trước thông tin vì dự án cầu Nhật Tân chậm tiến độ nên có thể Nhật Bản sẽ ngừng cấp ODA cho Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Liên minh châu Âu giúp Việt Nam nâng cao quản trị địa phương để phát triển kinh tế tại các đô thị trị giá gần 500.000 euro.