Hướng tới mục tiêu 300 tỷ đồng
- Cập nhật: Thứ ba, 17/9/2013 | 8:29:39 AM
YBĐT - Để tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng phát triển cây vụ đông trên đất hai vụ lúa. Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu giành được 300 tỷ đồng, trung bình đạt 28 - 30 triệu đồng/ha.
Nông dân xã Vĩnh Kiên (Yên Bình) chăm sóc ngô đông.
|
Sản xuất vụ đông được coi là mắt xích quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người nông dân. Bởi thực tế, sản xuất lúa năng suất đạt kịch trần cũng chỉ mang về 30 triệu đồng/ha, trong khi đó làm vụ đông hiện nay có thể thu về 40 - 50 triệu đồng/ha. Theo ước tính của ngành nông nghiệp, mỗi năm, vụ đông mang về cho nhà nông từ 200 - 300 tỷ đồng.
Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng phát triển cây vụ đông, cụ thể hàng năm phát động phong trào sản xuất cây vụ đông đồng thời hỗ trợ giống cho nông dân sản xuất cây vụ đông. Vụ đông năm 2012, toàn tỉnh đưa vào gieo trồng 9.217ha cây vụ đông, giá trị sản xuất đạt 205 tỷ đồng. Kinh nghiệm cho thấy, để sản xuất vụ đông giành thắng lợi chính là sự quyết tâm vào cuộc của các cấp chính quyền. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch sát với thực tế và xây dựng chính sách hỗ trợ ngay từ đầu năm.
Từ nhiều năm nay, huyện Văn Chấn luôn là lá cờ đầu trong sản xuất cây vụ đông của tỉnh. Ở các xã vùng cánh đồng Mường Lò, sản xuất vụ đông không phải “hô hào” như các nơi khác. Khi cánh đồng cây vụ đông ở nhiều địa phương còn chưa bén rễ thì trên cánh đồng Mường Lò đã xanh ngát, trải dài tầm mắt bởi cây ngô và các loại rau, đậu.
Sở dĩ sản xuất vụ đông thu hút được nông dân như vậy là do lợi nhuận của cây trồng vụ đông gấp nhiều lần trồng lúa. Đặc biệt, ngoài cây ngô truyền thống, những năm qua, huyện mở rộng diện tích trồng cà chua với diện tích khoảng 50ha tập trung ở xã Phù Nham, Sơn A, Sơn Thịnh, năng suất bình quân 45 tấn/ha, giá thị trường từ 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg, mỗi héc-ta mang về trên 160 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: “Để sản xuất vụ đông đạt hiệu quả, ngay từ đầu vụ, huyện đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân, thường xuyên mở các lớp tập huấn, tư vấn kỹ thuật. Với phương châm “sáng lúa, chiều ngô”, các xã đã tổ chức khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm, tận dụng thời gian tốt nhất gieo trồng cây vụ đông. Vụ đông đã trở thành vụ thu nhập chính, nâng cao đời sống của người dân vùng Mường Lò”.
Hiệu quả của sản xuất vụ đông đã thấy rõ nhưng thực tế, diện tích vụ đông những năm qua hầu như chỉ tập trung ở các xã, huyện có truyền thống thâm canh, chưa phát triển đều khắp các huyện trong tỉnh. Nguyên nhân do nhiều địa phương chưa chủ động được thời vụ dẫn đến thời vụ, lúa mùa thường kết thúc muộn; lực lượng lao động chính ở nông thôn đến thành phố tìm việc làm nên khan hiếm nguồn nhân lực làm vụ đông hàng hóa.
Cùng với đó, giá vật tư đầu vào cho sản xuất tăng cao trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu là nội tiêu, không có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa tạo được khâu đột phá, vì vậy giá trị sản xuất cây vụ đông còn đạt thấp.
Vụ đông năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 8.900ha cây trồng các loại. Trong đó, ngô đông vẫn là cây trồng chủ lực với diện tích trên 5.000ha, khoai lang 900ha, còn lại là rau đậu các loại, phấn đấu tổng giá trị sản phẩm đạt khoảng 300 tỷ đồng. Trong sản xuất cây vụ đông, khó khăn lớn nhất là điều kiện thời tiết và lịch thời vụ song theo đánh giá của ngành nông nghiệp, vụ đông năm nay, tương đối thuận lợi và có nhiều cơ hội giành thắng lợi.
Các địa phương đều nhận rõ tầm quan trọng của vụ đông và đã có đề án, kế hoạch bố trí cơ cấu trà lúa hè thu, lúa mùa sớm trong khung thời vụ tốt nhất để giải phóng đất cho cây vụ đông. Dự kiến, từ nay đến hết tháng 9 sẽ có khoảng 10.000ha diện tích có khả năng thu hoạch để trồng cây vụ đông. Giá cả các mặt hàng nông sản có khả năng tăng vào cuối năm, nhiều sản phẩm vụ đông có thị trường tiêu thụ tốt như: ngô, đậu tương, lạc, rau đậu là điều kiện để nông dân mở rộng diện tích cây vụ đông.
Để đạt mục tiêu 300 tỷ đồng, tỉnh đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy chương trình sản xuất cây vụ đông như: chuyển đổi cơ cấu giống và thời vụ, tạo quỹ đất và thời gian để mở rộng diện tích trên đất hai vụ lúa; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, cụ thể hỗ trợ 50% giá giống ngô trên diện tích ngô trồng vụ đông trên đất 2 vụ lúa với tổng kinh phí trên 2,9 tỷ đồng.
Để sản xuất vụ đông đạt hiệu quả các địa phương cần bám sát lịch thời vụ; ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày, giống cao sản, chất lượng; bước đầu chỉ đạo tổ chức sản xuất, tiêu thụ theo phương thức “cánh đồng mẫu” theo hướng: xây dựng mô hình, quy hoạch vùng sản xuất tập trung chuyên canh, hỗ trợ giống, đặc biệt hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, điểm mấu chốt trong sản xuất cây vụ đông vẫn là lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận thì dù có khuyến khích mạnh mẽ đến mấy cũng khó thu hút được nông dân tham gia. Đã đến lúc cần thay đổi mạnh mẽ tư duy làm ăn manh mún, phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết, thay vào đó là chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng cơ cấu cây trồng vụ đông, tăng cường đưa cây trồng có giá trị cao vào sản xuất; khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đó mới thực sự là yếu tố quyết định để sản xuất vụ đông giành thắng lợi.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Ngày 16/9/, tại thôn Bản Ten, xã Phù Nham huyện Văn Chấn, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua sản xuất vụ đông năm 2013. Dự lễ phát động có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố và đông đảo bà con nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn.
YBĐT - Đẩy mạnh tiêm phòng cũng như tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) chưa có dịch bệnh lớn nào xảy ra.
Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại (FTA) với phiên đàm phán thứ 3 đang diễn ra tại thủ đô Minsk (Belarus).
7 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu vào Nhật Bản trên 11.000 tấn ghẹ xanh tươi, chiếm trên 60% tổng khối lượng nhập khẩu của nước này