Thu thuế ở thị xã miền Tây
- Cập nhật: Thứ ba, 17/9/2013 | 2:36:25 PM
YBĐT - Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Nghĩa Lộ, Lê Giang Nam được giao phụ trách mảng thu thuế ngoài quốc doanh. Việc tiếp xúc với các doanh nhân, các tiểu thương là chuyện thường ngày. Nói năng rành rẽ, tác phong cởi mở, nhẹ nhàng, Nam như người thân của các chủ doanh nghiệp, các tiểu thương hơn là người đến đốc thuế. Có lẽ luật thuế mới, những tuyên ngôn ngành thuế đã rèn luyện nên người Phó chi cục trưởng như ngày hôm nay?
Như để hiểu hơn về mối quan hệ của Chi cục Thuế với các doanh nghiệp, doanh nhân, anh cùng tôi đến Công ty TNHH Minh Quang - một công ty chuyên chế biến tinh bột sắn đóng tại xã Nghĩa Lợi, một xã ngoại vi của thị xã Nghĩa Lộ. Vừa đi vào sản xuất được hai năm nhưng Công ty Minh Quang là doanh nghiệp có số tiền thuế nộp vào loại cao trong số hơn 60 doanh nghiệp đóng trên địa bàn thị xã. Chỉ riêng năm 2012, Công ty đã đóng góp cho ngân sách thị xã gần một tỉ đồng.
Những ngày đợi vào vụ, nhà máy chỉ còn chưa đầy hai chục cán bộ, công nhân viên làm công việc trông coi, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, lo tiêu thụ hết những mặt hàng thứ phẩm trong quá trình sản xuất thải ra. Khi vào vụ chế biến, nhà máy thu hút từ 150 đến 200 lao động, chủ yếu là dân các xã ngoại thị và khu vực cánh đồng Mường Lò, thu nhập bình quân đạt từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công ty Minh Quang đang sản xuất thử nghiệm phân vi sinh từ lượng bã, vỏ sắn củ thải ra.
Những bao phân vi sinh đầu tiên đã được trao tới nhiều hộ nông dân bón cho các diện tích trồng ngô, trồng chè đều cho kết quả, những ghi nhận đánh giá rất khả quan. Cũng là công những người làm thuế vận động dân mua giúp. Nếu nhà máy sản xuất thành công phân vi sinh, sẽ có thêm hàng nghìn tấn sản phẩm mới được tiêu thụ trên thị trường. Khỏi phải nói tới nguồn thu của nhà máy; thị xã cũng sẽ có thêm việc làm cho những lao động mới, Công ty có thêm nguồn nộp vào ngân sách địa phương.
Tăng cường giám sát, quản lí chống thất thu nhưng đồng thời cũng phải chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phát triển. Chi cục trưởng Chi cục Thuế thị xã Nghĩa Lộ Đỗ Thị Mai Châu cho biết: “Mấy năm gần đây, năm nào Chi cục cũng mở từ một đến hai lớp tập huấn, hướng dẫn cho lãnh đạo, kế toán doanh nghiệp, hộ kinh doanh về cách tự kê khai, tính toán thuế phải nộp một cách chính xác; thực hiện cấp mã số thuế nhanh chóng, đúng qui định cho người nộp thuế. Nhờ vậy, việc kê khai của các doanh nghiệp đã đi vào nề nếp. Các doanh nghiệp kê khai đúng ngành hàng, mặt hàng và áp dụng đúng thuế suất, nộp tờ khai đúng thời gian qui định. Các khoản sai sót, chênh lệch, đơn vị đã kịp thời điều chỉnh, thực hiện ứng dụng mã vạch hai chiều, giảm thiểu thời gian nhập số liệu tại Chi cục. Đến nay, đã có 100% doanh nghiệp sử dụng phần mềm hỗ trợ kê khai”.
Chẳng thế mà mười khoản thu hàng năm của Chi cục như thu quốc doanh, thu ngoài quốc doanh, thu tiền giao đất, thuế trước bạ… năm sau đều cao hơn năm trước. Năm đầu tái lập thị xã, mới thu được ba tỉ đồng. Năm 2011, con số đó là 18,99 tỉ đồng, tăng 12% so với dự toán tỉnh giao, bằng 105% so với cùng kì năm trước. Năm 2012, thu được 23,36 tỉ đồng, tăng so với dự toán 1%, nhưng so với cùng kì năm 2011 tăng 21%.
Đánh giá về những kết quả thu thuế đạt được, Bí thư Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ, Lò Thị Huân ghi nhận, đó chính là các biện pháp, giải pháp thu ngân sách, tập trung khai thác nguồn thu trên địa bàn do lãnh đạo Chi cục Thuế xây dựng trình tập thể Ban Thường vụ Thị ủy. Chính từ các biện pháp giải pháp này, Thị ủy đã xây dựng thành nghị quyết của Đảng bộ, quán triệt tới từng chi, Đảng bộ trực thuộc, hệ thống chính quyền xã, phường, thôn bản, tổ dân phố, các đoàn thể, hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn.
Thị ủy cũng cụ thể các giải pháp thu cho các phòng, ban, ngành có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ cùng ngành thuế, ví như thuế giao đất, sử dụng đất là các cấp chính quyền; các loại phí là cơ quan chức năng chuyên môn; các khoản thu vãng lai, dự án triển khai trên địa bàn, thu ngay từ Kho bạc nhà nước; các khoản thu xây dựng cơ bản trong dân thì chính quyền sở tại là người phải nắm vững để đảm bảo nguồn thu…
Bí thư Lò Thị Huân chỉ tiếc, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã đến với thị xã để tìm cơ hội đầu tư, nhưng rồi lại tiếc rẻ tự rút lui vì không có mặt bằng cho họ mở nhà máy. Quả có vậy. Với diện tích ba mươi cây số vuông, bốn phường, ba xã, doanh nghiệp xoay ngang, xoay dọc đều vướng không gian hoạt động. Họ chỉ ước mong một thị xã có đủ chiều dài chiều rộng để đầu tư, khai thác được nguồn lao động phổ thông đông đảo, chịu thương chịu khó ở ngay mảnh đất quê hương Mường Lò. Họ hẹn sẽ trở lại khi không gian đầu tư của thị xã được nới ngang tầm tiềm năng trong một thời gian không xa.
Hình như cảm giác này cũng chợt đến mỗi lần tôi tiếp xúc với anh chị em cán bộ nhân viên Chi cục Thuế. Cứ tưởng một thị xã địa bàn nhỏ, mọi việc triển khai, thu nộp sẽ nhanh gọn, dễ dàng. Hóa ra không đơn giản vậy. Có doanh nghiệp đóng chân tại thị xã nhưng thuế họ nộp lại phải chia trả nơi phát sinh các nguồn thu.
Thủy điện Nậm Đông là một ví dụ. Nhà máy phát điện đúng là thuộc thị xã, nhưng đập đầu mối nằm trên địa bàn huyện Trạm Tấu, nguồn nước được nhận thuế tài nguyên là của Trạm Tấu, vì thế thuế cũng phải chia đều theo nơi phát sinh nguồn thu. Có doanh nhân rất quan tâm tới nguồn nước nóng Bản Bon, muốn được làm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở Nghĩa Lộ. Nhưng Bản Bon thuộc về Văn Chấn. Đầu tư tại chỗ thì khó thuyết phục du khách. Lại còn đường sá, cơ sở hạ tầng.
Ở thị xã là trung tâm văn hóa xã hội của vùng nhưng dễ một chốn đôi nơi… Vì thế, làm thuế trên địa bàn, quen mà vẫn luôn phải chú tâm quan sát, liên tục tiếp xúc cơ sở. Thấy khu ao ở Công ty Thương mại - du lịch Miền Tây bỏ hoang hóa một mảnh đất vàng giữa trung tâm thị xã, anh chị em đã đề xuất để tỉnh cho thu hồi, chuyển đổi thành khu đất ở. Bằng san gạt, kè xây lắp cống rồi đấu thầu quyền sử dụng đất, đã thu về cho tỉnh hơn 40 tỉ đồng trong năm vừa qua.
Triển khai kịp thời các chính sách mới về thuế, hướng dẫn kê khai, giải thích thông suốt tới người thực hiện… công việc ở thị xã chỉ ba xã, bốn phường mà cuốn người làm thuế dường như cả tháng, cả năm. Ngay trong câu chuyện với chúng tôi, vẫn loáng thoáng nghe về một số doanh nghiệp nào đó, làm thủ tục ra mắt đã hai, ba năm mà vẫn chưa thấy đến làm thủ tục đăng kí thuế, hoạt động giao dịch một hóa đơn thuế. Thậm chí một vài doanh nghiệp đã đăng kí ra đời mà vẫn chưa biết địa chỉ hiện ở đâu, người ta đề nghị Chi cục kiểm tra. Hóa ra chuyện thuế cũng dài dài để mọi người cùng suy ngẫm, chăm lo.
Dương Soái
Các tin khác
YBĐT - Vụ đông năm 2013 - 2014, ngành nông nghiệp Yên Bái và các huyện, thị, thành phố phấn đấu đưa vào gieo trồng gần 9.000ha (Lục Yên 1.420ha, Văn Yên 1.900ha, Trấn Yên 1.300ha, Văn Chấn 2.150ha, Yên Bình 1.350ha, thị xã Nghĩa Lộ 500ha, thành phố Yên Bái 380ha), trong đó có 5.000ha ngô, còn lại là khoai lang, khoai tây và rau màu các loại.
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về việc tạm nhập, tái xuất, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.
YBĐT - Để tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng phát triển cây vụ đông trên đất hai vụ lúa. Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu giành được 300 tỷ đồng, trung bình đạt 28 - 30 triệu đồng/ha.
YBĐT - Ngày 16/9/, tại thôn Bản Ten, xã Phù Nham huyện Văn Chấn, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua sản xuất vụ đông năm 2013. Dự lễ phát động có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố và đông đảo bà con nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn.