Để người dân không thiệt thòi
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/10/2013 | 4:15:36 PM
YBĐT - Do thiếu sự quản lý, không có liên kết, thu hái non và bị tư thương ép giá nên làm giảm hiệu quả kinh tế của sản phẩm quả sơn tra. Giá mỗi cân quả sơn tra bà con thu hái bán chỉ trên dưới 10.000 đồng nhưng các tư thương mua về bán lại với giá cao gấp ba, bốn, thậm chí 5,6 lần.
Táo mèo được các tư thương mua về thành phố bán với giá cao gấp ba gấp bốn lần giá gốc.
|
Cây sơn tra, hay còn gọi cây táo mèo, vốn là một loài cây mọc tự nhiên trên các sườn núi cao của các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Theo các nhà khoa học, quả sơn tra có tác dụng tiêu hóa thức ăn, tăng cường miễn dịch, giảm cholesterol, hạ mỡ máu, giảm rối loạn lipid máu, bảo vệ gan chống ung thư... Ngoài ra, quả sơn tra còn được nhiều người dùng để làm si-rô, mứt, ô mai. Năm 2011, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã chính thức công nhận quả sơn tra thuộc “Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng Việt Nam”.
Trước đây, cây sơn tra mọc tự nhiên trên các triền núi cao. Những năm gần đây, nhận thức rõ tác dụng của quả sơn tra đối với sức khỏe con người và có giá trị kinh tế cao nên ngành nông nghiệp đã khuyến khích, đầu tư phát triển trồng mới, trồng tập trung với khối lượng lớn tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Chỉ tính riêng huyện Mù Cang Chải hiện có trên 1.000ha cây sơn tra vừa mọc tự nhiên vừa trồng mới. Với diện tích này, bình quân mỗi năm cũng cho thu trên 2.100 tấn quả. Lượng quả này nếu bán với giá bình quân 25.000 đồng/kg tại thành phố Yên Bái ít nhất cũng cho thu trên 52 tỷ đồng.
Ngay trong Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2013 tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, giá một ki-lô-gam sơn tra bán tại Ngã ba Kim của huyện được các tư thương “đẩy” giá lên tới 40.000 đồng, 50.000 đồng và thậm chí 60.000 đồng đối với loại quả to, đẹp nhưng không đủ để bán. Giá thị trường là vậy nhưng chính những người dân thu hái quả trên rừng về bán buôn cho các thương lái cũng chỉ được trên dưới chục ngàn đồng mỗi cân. Điều đó cho thấy, người làm ra sản phẩm chỉ được hưởng một phần, còn lại ba phần tư thương hưởng lợi.
Quả sơn tra ra hoa kết trái vào tháng hai, tháng ba hàng năm và bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 8 nhưng nếu để quả chín thì phải giữa trung tuần tháng 10 đến đầu tháng 11. Biết vậy nhưng do nghèo đói, do thiếu quản lý, do thiếu hiểu biết nên bà con thường tháng 7, tháng 8 hàng năm đã hái non để bán. Thu hái non, chất lượng quả kém và quả rất nhỏ, làm giảm giá trị kinh tế rất nhiều. Nếu một cây sơn tra 10 năm tuổi ra hoa, kết trái đến khi quả chín có thể cho tới trên 2 tạ quả nhưng thu hái non chỉ được 60 - 70kg. Một cây sơn tra đến khi quả chín, thu hái bán có thể đạt 600.000 đồng đến 700.000 đồng nhưng thu hái non chỉ được chưa đầy 200.000 đồng.
Một yếu tố quan trọng khác là do không có doanh nghiệp hay tổ chức nào bao tiêu sản phẩm nên toàn bộ quả sơn tra đều do các tư thương thu mua. Vì vậy, họ thường ép giá bà con, nhất là đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn. Nếu có sự liên kết, nếu có sự quản lý, hướng dẫn tốt hơn thì chắc chắn, hiệu quả từ cây sơn tra mang lại cho người dân sẽ còn cao hơn.
Hiện nay, quả sơn tra đang rất được thị trường ưa chuộng. Nhiều địa phương trong khu vực Tây Bắc đã có những doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất rượu sơn tra, nước ép sơn tra và làm dược liệu. Rõ ràng, đầu ra cho quả sơn tra không khó. Tuy nhiên, để cây sơn tra phát huy hiệu quả kinh tế, huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu cần huy động, khuyến khích người dân đầu tư chăm sóc, trồng mới và thu hái quả đúng thời vụ tốt nhất.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm tạo mối liên kết, liên doanh với nhau để đưa ra một mức giá hợp lý nhất khi thu mua sản phẩm cho người dân; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hoặc liên doanh, liên kết với các nhà máy chế biến hoa quả, rượu để tiêu thụ sản phẩm ổn định. Cùng phát triển cây sơn tra lấy quả, tăng thu nhập kinh tế hộ cần gắn việc trồng và phát triển với du lịch bởi đây là một lợi thế không phải nơi nào cũng có được. Nếu khai thác tốt thế mạnh này, cây sơn tra sẽ mang lại một nguồn thu không nhỏ. Đây sẽ là một loại cây không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo mà còn có thể tiến tới làm giàu.
Thanh Phúc
Các tin khác
YB T - Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là năm kế hoạch 2013 sẽ kết thúc. Cùng với các lĩnh vực kinh tế khác, thời điểm này, ngành công thương Yên Bái cũng đang tích cực đề ra các giải pháp nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm.
YBĐT- Thành lập tháng 3/2013, Hợp tác xã (HTX) Khai thác dịch vụ và chăn nuôi thủy sản thị trấn Yên Bình (Yên Bái) có 33 xã viên, ngành nghề chính là khai thác, kinh doanh và chăn nuôi thủy sản. HTX đã giúp gắn kết ngư dân với nhau đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên hồ Thác Bà một cách bền vững.
YBĐT - Được chọn cùng xã Vũ Linh (Yên Bình) tổ chức làm điểm thực hiện Đề án Giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2015 của HĐND tỉnh, thời gian này, cấp ủy, chính quyền huyện Trấn Yên và xã Y Can đang tích cực triển khai để đạt mục tiêu Đề án đề ra.
YBĐT - Ngày 25/10/2013, Uỷ ban nhân dân huyện Trấn Yên đã tổ chức cuộc diễn tập ứng cứu cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn năm 2013.