Nokia chính thức sản xuất điện thoại "bình dân" tại Việt Nam
- Cập nhật: Thứ hai, 28/10/2013 | 8:17:31 AM
Sáng nay, 28/10, Nokia Việt Nam chính thức khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động tại khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh.
|
Thực tế, nhà máy sản xuất điện thoại Nokia Việt Nam đã đi vào hoạt động từ thời điểm tháng 6/2013. Khi đó, trao đổi với VnEconomy, Ông Ivan Herd, Tổng giám đốc Nhà máy Nokia Việt Nam cho biết, nhà máy Nokia Việt Nam mới chỉ sản xuất duy nhất dòng sản phẩm điện thoại future phone (dòng phổ thông) - Nokia 105.
Nokia 105 được sản xuất chủ yếu để cung cấp ra thị trường nước ngoài, với tỷ trọng 95%, còn lại, 5% là đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Sản phẩm có giá khoảng 20 USD.
Ông Ivan Herd cũng cho biết, trong kế hoạch hoạt động đến hết năm 2013, Nokia Việt Nam sẽ chỉ tập trung vào sản xuất các dòng sản phẩm điện thoại bình dân, không sản xuất các dòng điện thoại smartphone. Kế hoạch sản xuất smartphone tại nhà máy Nokia Việt Nam chưa được ấn định thời điểm cụ thể.
Ngoài ra, theo Tổng giám đốc Nhà máy Nokia Việt Nam, do nhà máy điện thoại Nokia Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đầu tiên của công đoạn sản xuất, mới có khoảng 300 nhân viên (tháng 6/2013), nên công suất còn hạn chế, tỷ trọng trong chuỗi cung ứng điện thoại Nokia toàn cầu là rất nhỏ.
“Trong tương lai gần, công suất sẽ được mở rộng gấp 10 lần và chắc chắn khi đó Nokia Việt Nam sẽ sản xuất các dòng smartphone”, ông nói.
Trước đó, tháng 3/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Nokia đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư tại Việt Nam, theo đó Nokia sẽ thành lập và xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam với mức đầu tư ban đầu khoảng 200 triệu Euro (tương đương 300 triệu USD) và sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tiếp theo.
Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Nokia tại Việt Nam dự kiến được xây dựng trên diện tích 70 ha, dự kiến chính thức đi vào hoạt động từ năm 2012. Dự kiến đến năm 2012, nhà máy sẽ đi vào hoạt động với 80% công suất, năm 2013 là 92% và cuối năm 2014 sẽ đi vào hoạt động ổn định với 95% công suất, tương đương khoảng 45 triệu sản phẩm/quý.
Đến giữa năm 2011, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có công văn chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Ninh xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư thành lập Công ty TNHH Nokia Việt Nam, với mục tiêu chính là sản xuất, gia công và lắp ráp điện thoại di động tại khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh.
Tuy vậy, kế hoạch đưa nhà máy sản xuất điện thoại tại Việt Nam của Nokia vào hoạt động đã bị chậm một năm so với kế hoạch.
Nhà máy Nokia Việt Nam được khánh thành trong bối cảnh hãng điện thoại Phần Lan đã trải qua biến động lớn. Đó là việc hãng điện thoại nhiều năm giữ vị trí “bá chủ” và là thương hiệu lựa chọn của người tiêu dùng trên toàn cầu, đã chính thức “bán mình” cho hãng phần mềm Microsoft. Cụ thể, Nokia đã bán mảng điện thoại di động cho Microsoft với giá hơn 7 tỷ USD hồi tháng 9 mới đây.
Hiện thỏa thuận mua bán trên đang trong quá trình hoàn tất về mặt thủ tục pháp lý. Nếu nhà máy sản xuất điện thoại Nokia Việt Nam cũng nằm trong mảng di động mà Nokia Phần Lan “bán mình” thì, biết đâu nhà máy Nokia Việt Nam có thể sẽ phải đổi tên thành nhà máy điện thoại mang thương hiệu… Micorsoft.
(Theo VnEconomy)
Các tin khác
Đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, Thông tư số141/2013 của Bộ Tài chính áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5%.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 141/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 92/2013/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Bộ Tài chính vừa có Thông tư số 141/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 92/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
YBĐT - Do thiếu sự quản lý, không có liên kết, thu hái non và bị tư thương ép giá nên làm giảm hiệu quả kinh tế của sản phẩm quả sơn tra. Giá mỗi cân quả sơn tra bà con thu hái bán chỉ trên dưới 10.000 đồng nhưng các tư thương mua về bán lại với giá cao gấp ba, bốn, thậm chí 5,6 lần.