Quyết tâm bảo vệ đàn gia súc
- Cập nhật: Thứ ba, 24/12/2013 | 2:38:24 PM
YBĐT - Với kinh nghiệm nuôi trâu nhiều năm, hơn ai hết, gia đình anh Hà Văn Bảy ở thôn Bản Hốc, xã Đồng Khê (Văn Chấn) đã nhận thức rõ việc bảo vệ, chăm sóc con trâu duy nhất của gia đình có ý nghĩa rất lớn.
Người dân huyện Văn Chấn đã chủ động tiêm phòng để bảo vệ đàn trâu trước mọi dịch bệnh.
|
Con trâu không chỉ đảm bảo sức cày kéo cho sản xuất nông nghiệp mà còn là tài sản lớn của nhà anh. Chưa hết năm nhưng anh đã chủ động tiêm phòng đầy đủ, dự trữ sẵn nguồn thức ăn trong cả mùa đông này. Nhanh tay căng nốt những tấm bạt xanh để chắn gió cho trâu, anh Bảy cho hay: “Gia đình tôi nuôi trâu lâu năm rồi. Trời rét dưới 150C, tôi cũng quây chuồng, phủ bạt và cho trâu ăn tại chuồng. Nhiều năm nay, gia đình tôi không thả trâu ra ngoài đồng khi trời lạnh”.
Chia tay gia đình anh Bảy, chúng tôi ngược xã vùng cao Nậm Lành - một trong những địa phương có đàn trâu, bò nhiều nhất huyện Văn Chấn. Đồng chí Bàn Thị Náy - Phó chủ tịch UBND xã Nậm Lành phấn khởi cho biết: “Toàn xã hiện có 1.493 con đại gia súc, trong đó đàn trâu 1.465 con. Nhờ tuyên truyền, vận động thường xuyên nên nhiệm vụ này đã thực sự ngấm vào mỗi người dân. Vài năm nay, đồng bào Dao xã Nậm Lành đã biết tận dụng toàn bộ rơm khô để dự trữ làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Ngay sau khi gặt xong vụ lúa mùa, khuyến nông viên cơ sở của xã đã hướng dẫn các hộ dân làm cây rơm. Nguồn thức ăn đã chủ động từ trước nên trước ảnh hưởng của thời tiết, nhiều ngày mưa thất thường trong tháng 12 cũng không ảnh hưởng đến việc chăm sóc đàn đại gia súc của đồng bào. Bây giờ, người dân chỉ giúp nhau gia cố, sửa chữa, che chắn chuồng trại để tránh rét cho đàn vật nuôi”.
Tùy vào điều kiện thực tế của từng vùng, từng gia đình, nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động, nâng cao ý thức chống đói, chống rét cho “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Riêng đối với các xã vùng Mường Lò, hàng nghìn héc-ta ngô đông đã trở thành nguồn thức ăn lớn của đàn gia súc trong mùa đông này. Đang chia những lá ngô xanh cho con trâu của gia đình, chị Phùng Thị Mến, thôn Ao Luông, xã Sơn A nói: “Cùng với cây rơm được chuẩn bị trong vụ mùa, những thân ngô, bẹ ngô được gia đình tôi sử dụng làm thức ăn cho trâu, bò. Do vậy, gia đình yên tâm về thức ăn cho đàn gia súc”.
Theo số liệu thống kê, huyện Văn Chấn hiện có đàn trâu trên 19.200 con, đàn bò trên 4.500 con, đàn lợn trên 88.500 con. Chủ động thức ăn cho gia súc, huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân tăng diện tích trồng cỏ voi, làm cây rơm. Huyện đã trích kinh phí hỗ trợ nhân dân làm cây rơm với mức hỗ trợ 300.000 đồng cho một cây rơm đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, toàn huyện đã có 599 cây rơm làm thức ăn dự trữ cho gia súc vào mùa đông. Văn Chấn cũng đã chỉ đạo ngành thú y duy trì tốt công tác tiêm phòng.
Trong năm 2013, huyện đã tiêm phòng cho đàn trâu, bò trên 36.600 liều tụ huyết trùng, trên 31.700 liều lở mồm long móng, tiêm phòng cho đàn lợn trên 27.000 liều, tiêm phòng dại cho đàn chó trên 26.000 liều, 50.000 liều phòng bệnh Newcastle cho đàn gà và cấp 3 đợt thuốc sát trùng trên 26.000 lít cho các hộ dân tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi.
Ông Hà Kim Bằng - Phó trưởng Trạm Thú y huyện Văn Chấn cho biết: “Cán bộ của Trạm đã tuyên truyền, vận động người dân biết phòng chống một số bệnh trong mùa đông cho đàn gia súc. Chúng tôi đã tổ chức các đợt tiêm phòng dịch bệnh lở mồm long móng từ đầu tháng 9 và hướng dẫn nhân dân cách dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông”.
Chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến cơ sở ngay từ đầu mùa đông cùng với tuyên truyền, vận động người dân chuẩn bị đầy đủ thức ăn dự trữ, sửa chữa và làm mới chuồng trại sẽ góp phần bảo vệ đàn gia súc của Văn Chấn một cách tốt nhất.
Nguyễn Nghĩa
Các tin khác
Sáng nay, 24-12, tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu.
Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ GTVT 2 phương án nâng cấp đường sắt bắc - nam, nhằm khai thác có hiệu quả tuyến đường hiện có trước khi nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt đôi khổ 1,435 m.
Do sản xuất thua lỗ, năng lực điều hành hạn chế, thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường... trong năm 2013 đã có đến 60.737 doanh nghiệp Việt Nam giải thể hoặc ngừng hoạt động.
Tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư vẫn tích cực triển khai các dự án của mình tại Việt Nam.