Ngô vàng ấm bản

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/12/2013 | 4:42:39 PM

YBĐT - Những ngày cuối năm đến với huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng ngợp mắt bởi những nương ngô vàng bạt ngàn thay thế những nương lúa, nương sắn kém hiệu quả và đồi hoang hóa. Trên các bản người Mông, ngô tẽ phơi vàng trên các phên, liếp, ngô bắp treo lúc lỉu trên bờ giậu, hiên nhà.

Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu kiểm tra vùng ngô đồi tại xã Bản Công.
Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu kiểm tra vùng ngô đồi tại xã Bản Công.

Đợi ở thôn Km 14 và Km 17, nơi có ngô nối ngô, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu Giàng A Hành dẫn chúng tôi thăm những nương ngô trồng mới. Mất chừng 30 phút đi bằng ô tô gầm cao và xe máy trên các triền đồi, chúng tôi đi giữa những nương ngô rộng mênh mông cao lút đầu người trên những triền đất dốc. Trạm Tấu xác định ngô là cây chủ lực nằm trong chương trình hành động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phấn đấu đến 2015 sẽ gieo trồng 3.110 ha. Huyện cũng hình thành các vùng trồng ngô tập trung có diện tích trên 300 ha/2 vụ ở các xã: Xà Hồ, Bản Mù, Trạm Tấu, Pá Hu, Tà Xi Láng.

Chương trình hành động đã được các chi, Đảng bộ nghiên cứu học tập đến từng đảng viên, Đảng bộ các xã, thị trấn đều xây dựng chương trình hành động cụ thể phù hợp với thực tế xã mình để triển khai. Ngành nông nghiệp tham mưu xây dựng kế hoạch chi tiết từng năm để tổ chức thực hiện nên đã mang lại kết quả khả quan. Chỉ riêng năm 2013 này, Trạm Tấu trồng 2.484 ha ngô xuân, 976,5 ha ngô hè thu, đặc biệt đã chuyển đổi 321 ha đất trồng lúa nương và sắn kém hiệu quả sang trồng ngô, đưa diện tích chuyển đổi từ năm 2010 đến nay đạt gần 800 ha.

Có được kết quả trên là do Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các xã trọng điểm giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn. Huyện còn phân công trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể phụ trách xã, thôn, bản phối hợp với UBND các xã, thị trấn xuống tận thôn, bản tuyên truyền, vận động nhân dân, báo cáo tiến độ sản xuất hàng tháng, hàng quí.

Tránh tư tưởng cán bộ huyện đề ra mà không làm, huyện phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy là người địa phương có đất trực tiếp trồng ngô làm mẫu cho dân học tập, làm theo. Ngành nông nghiệp cũng thể hiện rõ vai trò của mình trên “mặt trận hàng đầu”.

Qua anh Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện được biết, Phòng đã phối hợp với UBND các xã rà soát diện tích trồng ngô tới từng hộ, lựa chọn các địa điểm dự kiến chuyển đổi trên cơ sở dễ làm trước, khó làm sau, lấy tinh thần tự giác gương mẫu của cán bộ, đảng viên đi trước, phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách đến từng xã, thôn, bản bám sát địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ công tác của huyện thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động theo phương châm “3 cùng” giúp dân.

Đặc biệt, Phòng đã xây dựng các mô hình thâm canh ngô trên đất dốc để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Năm 2010, Phòng xây dựng mô hình thâm canh ngô Bioseed 9698 tại 2 xã Trạm Tấu và Tà Xi Láng. Năm 2011, thực hiện 22 mô hình thâm canh ngô lai trên đất chuyển đổi từ lúa nương sang trồng ngô tại 11 xã. Năm 2012, phối hợp với các nhà phân phối, sản xuất giống ngô thực hiện mô hình thâm canh ngô lai mới tại các xã: Bản Công, Bản Mù, Xà Hồ, Trạm Tấu để tuyển chọn giống có ưu thế vượt trội bổ sung vào cơ cấu giống.

Nhờ thực hiện tốt việc tuyển chọn mà Trạm Tấu đang có bộ giống thích hợp gồm: Ag59, C919, NK54, Bioseed 9698, B21, DK9955, DK6919, NK66 có năng suất cao, chống đổ tốt, chịu hạn, thích ứng với điều kiện thời tiết địa phương. Ngô sau khi thu hoạch lá vẫn xanh, giúp nhân dân có thể tận dụng làm thức ăn gia súc.

Cùng với hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân thâm canh bền vững trên đất dốc, cán bộ nông nghiệp còn hướng dẫn người dân thu hoạch bắp vào thời điểm ngô chín 85% trở lên để tận dụng lá xanh nuôi trâu, bò; gốc chặt cao, xếp thân ngô làm đường đồng mức chống xói mòn.

Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện hướng dẫn các xã đầu tư mua máy tẽ ngô có động cơ bố trí ở mỗi điểm sản xuất ngô tập trung ít nhất một máy phục vụ các hộ dân giảm bớt công lao động. Đáng mừng là cây ngô ở Trạm Tấu đã trở thành hàng hóa, sản phẩm ngô sau thu hoạch làm ra bao nhiêu tư thương đặt mua hết với giá từ 4.500 đồng đến 6.000 đồng/kg ngô hạt, tương đương với giá thóc.

Nhắc đến hộ có thu nhập cao từ trồng ngô không thể kể hết. Xã Trạm Tấu có hộ ông Mùa A Páo, Vàng A Sinh ở thôn Tấu Giữa, Mùa A Dê ở thôn Tấu Trên, Sùng A Ninh ở thôn Mo Nhang; xã Pá Hu có hộ Thào A Lồng ở thôn Cang Dông; xã Tà Xi Láng có hộ Vàng A Kê, Hờ A Cá ở thôn Làng Mảnh; xã Xà Hồ có hộ Hờ A Su ở thôn Đầu Cầu …

Cùng anh Giàng A Khua - cán bộ địa chính xã đi thăm nương ngô của gia đình. Nhà anh có 9 khẩu với 4 lao động chính trồng 5 ha ngô, 3 năm trở lại đây năm nào ngô cũng cho gia đình thu về khoảng 100 triệu đồng, sau trừ chi phí vốn, vật tư phân bón vẫn lãi 50 triệu đồng. Anh nghĩ mình là cán bộ địa chính xã càng phải gương mẫu chuyển đổi diện tích lúa nương, sắn kém hiệu quả sang trồng ngô để bà con thấy có thu nhập cao mà làm theo. Vì cái hay là trồng ngô đồi được hai vụ, còn trồng lúa nương và sắn chỉ được một vụ. Cây ngô đồi đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo và làm đổi thay cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây.

Hộ ông Mùa A Dê ở thôn Km 14+17 từ làm lúa, nuôi trâu, và giờ lại thêm trồng ngô, cuộc sống gia đình ngày thêm khấm khá. Ngồi bên bếp lửa ấm cúng trò chuyện quanh việc làm ăn của gia đình mình, ông cho biết, hàng năm, ngoài thu 9 tấn thóc 2 vụ, ông còn nuôi một đàn trâu chục con và 2 con bò, vừa qua, bán 5 con thu 90 triệu đồng. Ngoài ra ông còn trồng 2 ha ngô mỗi năm thu từ 18 - 20 triệu đồng/năm 2 vụ. Nhờ có thêm thu nhập mà mới đây gia đình mua được xe ô tô tải trị giá 240 triệu đồng phục vụ vận chuyển thóc, ngô sau thu hoạch của gia đình và bà con trong xã đi tiêu thụ.

Chúng tôi rời Trạm Tấu khi ngô đồi đang dậy sắc vàng trên các bản người Mông báo hiệu một mùa vàng no ấm, nhờ một chủ trương đúng, hợp lòng dân.

 Minh Đức

Các tin khác
Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đường tránh ngập thành phố Yên Bái.

YBĐT - Khi chọn lựa đầu tư vào Yên Bái, đánh giá về môi trường đầu tư thuận lợi của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, tuy là một tỉnh miền núi còn khó khăn nhưng Yên Bái có hạ tầng giao thông rất tốt, mạng lưới giao thông hoàn chỉnh kết nối với các tỉnh, thành đều thuận lợi, đây là điều kiện hết sức quan trọng để doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa.

Sự góp mặt thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn làm cho thị trường vốn trở nên sôi động hơn.

YBĐT - Năm 2013 đã qua với nhiều thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội. Nền kinh tế đang dần thoát khỏi suy thoái và phục hồi ngày càng rõ nét hơn, lạm phát được kìm chế, kinh tế vĩ mô giữ ổn định.

Nhân dân thôn Sơn Trung tích cực làm đường mới đón xuân.

YBĐT - Xuân này, xã Mai Sơn (Lục Yên) đón nhận nhiều niềm vui khi tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, nhiều trục đường liên thôn, liên bản đã được kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân.

Đồng chí Dương Văn Thống (thứ 2, phải sang) - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông tại huyện Văn Chấn.

YBĐT - 11 tháng của năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái đã trồng cải tạo 604 ha chè, đạt 120% kế hoạch (Văn Chấn 388 ha, Trấn Yên 116 ha và Yên Bình 100 ha) bằng các giống Shan, Bát Tiên, LDP1, LDP2. Sản lượng chè búp tươi thu hái đạt 88.000 tấn, bằng 96,7% kế hoạch, chế biến khoảng 19.500 tấn chè khô các loại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục