Thủ tướng yêu cầu cổ phần hóa thêm doanh nghiệp Nhà nước

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/2/2014 | 8:09:47 AM

Số đơn vị được cổ phần hóa trong vòng 2 năm tới sẽ không dừng lại ở 500, theo yêu cầu từ người đứng đầu Chính phủ. Nhà nước cũng sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ vốn ở nhiều doanh nghiệp.

Lãnh đạo Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Lãnh đạo Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Yêu cầu cấp bách về việc cổ phần hóa một lần nữa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại khi kết luận hội nghị Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước ngày 18/2. Sự kiện còn có sự tham dự của 2 Phó Thủ tướng, cả chục vị “tư lệnh ngành”, giới chuyên gia cũng như đại diện của nhiều doanh nghiệp lớn. Trong số các tập đoàn, tổng công ty, không ít đơn vị cử cả chủ tịch lẫn tổng giám đốc tham dự hội nghị này, khác hẳn thông lệ hàng năm. Điều này phần nào cho thấy sự trông chờ của giới doanh nghiệp vào những quyết sách sắp tới.

Ngay trong phần phát biểu khai mạc, thông điệp xuyên suốt được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là cổ phần hóa sẽ trở thành giải pháp trọng tâm của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Từng đặt ra mục tiêu bán vốn 500 doanh nghiệp đến năm 2015 nhưng theo nhà điều hành, con số 480 đơn vị còn lại mà Nhà nước giữ 100% vẫn còn quá lớn. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu “bổ sung thêm vào danh sách nói trên theo hướng giảm mạnh số doanh nghiệp giữ 100% cổ phần, giảm hơn nữa tỷ lệ Nhà nước chi phối tại những doanh nghiệp đã, đang cổ phần hóa”.

Giao thông là ngành tiên phong thực hiện chỉ đạo này khi Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị bổ sung Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) vào diện cổ phần hóa ngay trong năm 2014, thay vì sau năm 2015 theo lộ trình. “Sau khi sáp nhập từ ba tổng công ty Bắc – Trung – Nam, ACV đã thành một doanh nghiệp rất mạnh. Tuy nhiên, thời gian tới do phải thực hiện nhiều dự án lớn như sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài… nên ACV cần một nguồn lực lớn hơn nhiều. Cổ phần hóa là cách tốt nhất để huy động nguồn lực thực hiện các dự án này”, ông Thăng lý giải.

Bộ trưởng Thăng cũng khẳng định, phải cổ phần hóa sâu hơn nữa, tiếp tục giảm tỷ lệ cổ phần chi phối của Nhà nước trong các doanh nghiệp trong các lĩnh vực không cần thiết. Lý do được ông nêu ra là một khi Nhà nước còn quyền chi phối, các thành phần khác sẽ không mấy mặn mà. “Như khối doanh nghiệp xây lắp, thậm chí cổ phần hết, Nhà nước không cần giữ cổ phần nữa”, vị tư lệnh ngành lấy ví dụ.

Ở vị trí doanh nghiệp, Chủ tịch Bia Sài Gòn - Phan Đăng Tuất bày tỏ ông không muốn có mặt tại hội nghị này năm sau với tư cách lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước nữa. Từng trở thành người “có” 42.000 tỷ đồng chỉ sau một đêm (nhận quyết định làm Chủ tịch Sabeco), nhưng với vai trò lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, ông cũng thấm thía việc doanh nghiệp khó có sức bật để cạnh tranh. “Con đường duy nhất là phải cổ phần hóa, để Nhà nước làm bệ đỡ chứ không can thiệp vào chuyện kinh doanh của doanh nghiệp”, vị lãnh đạo này khẳng định.

Trong khi đó, Phó chủ tịch TP HCM - Lê Mạnh Hà cũng khẳng định quyết tâm đẩy nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công ích như môi trường, chiếu sáng… vốn có lộ trình cổ phần hóa giai đoạn sau 2015 lên trước thời hạn. “Cũng không nên xếp các đơn vị loại này vào danh mục Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần. Tôi không thấy lý do nào để Nhà nước cần nắm cả, vì tư nhân làm rất tốt, còn doanh nghiệp Nhà nước thì lại sai phạm nhiều”, ông nói.

Với tư cách là đơn vị chủ trì Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết sẽ hoàn chỉnh quy định tỷ lệ Nhà nước nắm cổ phần cho từng khối doanh nghiệp. “Với khối ngân hàng thương mại và Tập đoàn Bảo Việt thì cổ phần Nhà nước không thấp hơn 65%. Các doanh nghiệp khác sẽ tỷ lệ này tối đa không quá 65%. Điều này cũng là nhằm thúc đẩy thị trường tài chính phát triển”, ông nói.

Chia sẻ quan điểm này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết các doanh nghiệp sẽ cơ bản được cổ phần hóa hết. Nhà nước chỉ giữ 100% vốn ở một số lĩnh vực như quốc phòng an ninh, năng lượng hay những địa bàn mà các thành phần kinh tế khác không làm hoặc không đủ sức làm.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp được cổ phần đều làm ăn có lãi nhờ công khai minh bạch, ngăn chặn được được tiêu cực. “Vì vậy, càng phải quyết liệt cổ phần hóa. Giờ chỉ cần quyết tâm và trách nhiệm”. Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, ngay với các ngành Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, như Bia Sài Gòn, thì dù bán bao nhiều cổ phần đi nữa, nhất định không được để mất thương hiệu Việt.

“Cổ phần hóa là giải pháp trọng tâm của tái cơ cấu, là con đường phải làm. Nhưng bên cạnh đó phải làm đồng bộ các giải pháp khác như nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Đó là việc của lãnh đạo doanh nghiệp, không ai làm thay được. Cùng với đó là trách nhiệm từng bộ trưởng, chủ tịch phải được đề cao. Làm được hay không nằm trong những giải pháp này”, Thủ tướng chốt lại.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

YBĐT - Ngày 18/2, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm đã tổ chức Hội nghị trực tuyến dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Tại điểm cầu Yên Bái có sự tham gia của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Nguyên cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Chấn trao đổi các phương án bảo vệ và phát triển rừng với các tổ quản lý bảo vệ rừng xã Gia Hội.

YBĐT - Trong những năm qua, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng, nhờ vậy, diện tích tăng lên theo mỗi năm, người dân đã và đang sống được bằng nghề rừng.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân và doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.

YBĐT - Ngày 18/2, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã tổ chức hội nghị gặp mặt các đơn vị sản xuất kinh doanh trên điạ bàn và khen thưởng cho các doanh nghiệp doanh nhân tích cực đóng góp ngân sách cho nhà nước.

Giá vàng đảo chiều đi xuống.

Sau khi tăng vọt lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2013, sáng nay, giá vàng trong nước đã đồng loạt đi xuống khi giá vàng thế giới giảm hơn 5 USD/ounce. Theo đó, khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường duy trì ở mức 3 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục