SRI - nền tảng “3 giảm, 3 tăng”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/2/2014 | 8:31:11 AM

YBĐT - Sản xuất lúa theo phương pháp SRI có thể không mới, nhưng để người dân tin về hiệu quả từ đó áp dụng đại trà đòi hỏi phải có thời gian. Đây là mô hình đơn giản, có thể áp dụng với hầu hết các khu vực có địa hình, thổ nhưỡng khác nhau, nếu áp dụng đúng, trung bình mỗi ha sẽ giảm chi phí trên 6 triệu đồng.

Đồng chí Hồ Đức Hợp (thứ 4 phải sang) - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn kiểm tra mô hình gieo cấy lúa SRI tại Bản Tèn, xã Phù Nham.
Đồng chí Hồ Đức Hợp (thứ 4 phải sang) - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn kiểm tra mô hình gieo cấy lúa SRI tại Bản Tèn, xã Phù Nham.

Với diện tích trên 4000 ha ruộng, trung bình mỗi năm nông dân Văn Chấn phải sử dụng trên 240 tấn lúa giống các loại và trên 2.800 tấn phân vô cơ, cùng nhiều  vật tư khác. Chi phí giống, phân bón và vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao là nguyên nhân ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập,  việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đang được Văn Chấn đẩy mạnh, mà nổi lên trong đó là phương pháp  gieo cấy lúa cải tiến SRI.

 Sau tết Nguyên đán, không khí lao động sản xuất trên cánh đồng Mường Lò tấp nập như ngày hội. Dù thời tiết năm nay không được thuận lợi nhưng các hộ nông dân vẫn huy động hết nhân lực ra đồng cày, cấy  cho kịp thời vụ. Sắn quần, xỏ ủng cấy Chủ tịch UBND huyện Hồ Đức Hợp bì bõm  lội ruộng kiểm tra  việc triển khai cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI - phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào của nông dân.

Trong niềm vui những ngày đầu xuân, chị Hoàng Thị Mến, một nông dân thôn bản Tèn, xã Phù Nham chia sẻ: “ Đã biết đến phương pháp gieo cấy SRI, nhưng đây là năm đầu tiên gia đình được cán bộ khuyến nông hướng dẫn  và giám sát chặt chẽ quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo mạ, đến  cấy lúa. Trước đây còn phân vân, giờ áp dụng đúng quy trình, thấy giống  giảm, công giảm, giờ chỉ chờ xem thu hoạch tăng bao nhiêu thôi”.

Với diện tích  trên 290 ha lúa nước, những năm qua Phù Nham là một trong những xã đi đầu trong xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn và ứng dụng khoa học kỹ thuật ( KHKT) vào sản xuất. Hiện gần 80% diện tích lúa nước trong xã đã được sử dụng phân viên nén dúi sâu và áp dụng phương thức cấy tiết kiệm mạ. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật của phương thức gieo cấy SRI thì mới đạt khoảng 30% diện tích.

Theo ông Hoàng Tuấn Vân,  Phó chủ tịch UBND xã thì hiệu quả của mô hình đã được kiểm chứng bằng thực tiễn, nhưng để thay đổi thói quen sản xuất đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con nông dân là vấn đề. Xã đang phối hợp với các ban, ngành của huyện tuyên truyền vận động nhân dân, từng bước thay đổi thói quen, tập quán canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Là địa phương có diện tích lúa nước lớn, trước đây việc gieo cấy của nông dân Văn Chấn thường theo phương thức truyền thống, bà con nông dân thường gieo mạ dầy, xúc và cấy 4 -5 rảnh/ khóm. Với mật độ 45 - 50 khóm/1m2  thì mỗi ha ruộng nước cần trung bình 30 kg thóc giống và trên 700kg phân bón vô cơ,  2 lít thuốc trừ sâu trong mỗi vụ.

Tính toán, tổng chi phí đầu vào là trên 20 triệu đồng/ ha, chi phí đầu vào cao, vì vậy nông dân có thu nhập thấp.  Để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm qua được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, huyện Văn Chấn  đã triển khai nhiều mô hình, phương pháp sản xuất mới để nâng cao hiệu quả  sản xuất.  Phương pháp gieo mạ khay, sử dụng máy gieo xạ theo hàng, gieo mạ che phủ nilon… được áp dụng đã góp phần giảm chi phí nhân công, thóc giống.

Tuy nhiên, trong số các mô hình ứng dụng  phương pháp canh tác mới, mô hình gieo cấy lúa theo phương pháp SRI cho hiệu quả vượt trội, vì nó giảm đáng kể chi phí nhân công, thóc giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc sản xuất theo phương pháp SRI trên cánh đống mẫu lớn sẽ  làm “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất, đó là: giảm lượng thóc giống, giảm nhân công, giảm phân bón và thuốc trừ sâu; sẽ tăng sản lượng, tăng giá trị và tăng thu nhập.

Điều này đã được minh chứng qua triển khai mô hình gieo cấy lúa theo phương pháp SRI tại các xã, thị trấn khu vực Mường Lò, kết quả so sánh thực tiễn cho thấy, lượng giống đã giảm từ 40 - 50 %, công cấy giảm 1/3 và chi phí phân bón, thuốc trừ sâu giảm  30%, như vậy chi phí  sản xuất giảm đi rất nhiều.

Trước hiệu quả rõ ràng, chủ trương của Văn Chấn là nhân rộng mô hình, cụ thể vụ đông  xuân này tiếp tục xây dựng trên 30 ha mô hình tại các xã , trong đó tập trung  ưu tiên trên các mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn.  Và từ  hiệu quả của SRI, nhân dân trên địa bàn đã tự áp dụng thực hiện cấy được trên 200 ha.

Về chuyên môn, bà Hoàng Thị Hải Yến, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết : Đây là mô hình đơn giản, có thể áp dụng với hầu hết các khu vực có địa hình, thổ nhưỡng khác nhau, nếu áp dụng đúng, trung bình mỗi ha sẽ giảm chi phí trên 6 triệu đồng. Tuy nhiên, để đạt tiêu chí “ 3 giảm, 3 tăng” theo SRI, mạ đem cấy phải là mạ non,  có từ 2 -3 lá, mật độ cấy phải đảm bảo 25 - 32 khóm/1m2 cấy 1-2 rảnh/khóm. Trước khi cấy cần bón đủ phân chuồng và lân, cầy bừa kỹ trước khi cấy và cần cấy vuông mắt sàng để phát huy hiệu quả tối đa trong chăm sóc cũng như quá trình quang hợp của cây.

Nhẩm tỉnh, chỉ riêng việc áp dụng đại trà trên 2000 ha ở khu vực cánh đồng Mường Lò , mỗi năm nông dân Văn Chấn cũng tiết kiệm trên 12 tỷ đồng, đấy là chưa kể giá trị tăng năng xuất, sản lượng.  Tuy nhiên, vấn đề  đặt ra là làm sao để thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác truyền thống của nông dân.

Vì vậy, ông Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Chủ trương của huyện là phát triển nông nghiêp hàng hóa  và xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Để đạt được mục tiêu này việc ứng dụng KHKT và đưa cơ giới hóa vào sản xuất  đóng vai trò then chốt. Trong việc ứng dụng KHKT, huyện đang chú trọng mở rộng mô hình gieo cấy lúa cải tiến theo phương pháp SRI. Đến nay các xã, thị trấn trên địa bàn đã chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật cho bà con nông dân, từng bước đưa phương pháp  này vào sản xuất đại trà”.

Sản xuất lúa theo phương pháp SRI có thể không mới, nhưng để người dân tin về hiệu quả từ đó áp dụng đại trà đòi hỏi phải có thời gian. Từ ưu việt của phương pháp này, cùng sự quan tâm của chính quyền các cấp và khát khao nâng cao thu nhập của người nông dân ngay trong vụ xuân này, tin rằng  SRI sẽ nhanh chóng được ứng dụng rộng dãi, trở thành nền tảng trong việc đổi mới sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn nói riêng và Yên Bái nói chung.  

Trần Van

Các tin khác

Bộ Xây dựng vừa yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình triển khai các dự án BĐS, thị trường bất động sản.

Năm 2013, 17 trong tổng số 18 tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước hoạt động có lãi, vốn nhà nước tiếp tục được bảo toàn. Tỷ lệ nợ nằm trong giới hạn cho phép.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT vừa có công văn yêu cầu các Sở GTVT, Cục Quản lý đường bộ siết lại trách nhiệm chủ đầu tư dự án trong việc kiểm soát, ngăn chặn xe quá tải trọng cho phép khi thi công.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng về phòng chống dịch cúm gia cầm.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các yêu cầu nêu tại Công điện

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục