Khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế, xã hội địa phương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/2/2014 | 2:49:23 PM

YBĐT - Thời gian qua, ngành KH&CN Yên Bái được Bộ KH&CN, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, chứng nhận cúp vàng Vì sự nghiệp xanh Việt Nam. Sở KH&CN Yên Bái vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, nhiều tập thể, cá nhân được nhận cờ và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các cấp.

Đồng chí Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (phải) kiểm tra đề tài khoa học Các biện pháp kỹ thuật phòng, chống mối phá hoại chè Shan Suối Giàng.
Đồng chí Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (phải) kiểm tra đề tài khoa học Các biện pháp kỹ thuật phòng, chống mối phá hoại chè Shan Suối Giàng.

Cách đây 55 năm, ngày 4/3/1959, thừa lệnh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Sắc lệnh số 016-SL thành lập Ủy ban Khoa học Nhà nước. Từ đó, Phòng Quản lý Đo lường của tỉnh Yên Bái ra đời. Năm 1976, sau khi sáp nhập 3 tỉnh Nghĩa Lộ, Yên Bái, Lào Cai, Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập.

Đến năm 1980, đổi tên thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn. Năm 1991, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách ra thành Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai và Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Yên Bái. Đến năm 1993, đổi tên thành Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Từ năm 2003, đến nay được đổi tên thành Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Yên Bái.

Khi mới thành lập, từ một phòng với 3 cán bộ, sinh hoạt chung với Văn phòng UBND tỉnh, đến nay, Sở KH&CN đã có 74 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó có 6 thạc sỹ,49 cán bộ, viên chức có trình độ đại học; 7 phòng chức năng và 2 đơn vị trực thuộc. Là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, sở hữu trí tuệ… ngành đã không ngừng phấn đấu xây dựng và trưởng thành, từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết của Chính phủ, năm 2013, ngành KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển KH&CN của tỉnh Yên Bái đến năm 2020, phê duyệt Đề án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013-2020, Đề án Đổi mới tổ chức và hoạt động Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Yên Bái... Đây là những nội dung quan trọng trong định hướng hoạt động KH&CN của tỉnh những năm tiếp theo.

Hoạt động nghiên cứu triển khai là nhiệm vụ được ưu tiên trong công tác quản lý KH&CN địa phương. Bởi vậy, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của hoạt động này, Hội đồng KH&CN đã thường xuyên được kiện toàn từ tỉnh đến các ngành và cơ sở, phương thức làm việc đảm bảo đúng Luật KH&CN. Trong năm 2013, các hội đồng khoa học đã xét duyệt, tuyển chọn, trình UBND tỉnh quyết định cho triển khai thực hiện 70 đề tài, dự án khoa học, dự án xây dựng mô hình nông - lâm nghiệp.

Trong đó, chủ yếu là các dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông - lâm nghiệp (40 dự án, chiếm 63% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học dành cho nghiên cứu triển khai các đề tài, dự án khoa học), nhiều dự án đã được nghiệm thu và có kết quả khả quan, có khả năng nhân rộng trong sản xuất như: ứng dụng quy trình sản xuất, chăn nuôi gà an toàn sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn đồi tại thành phố Yên Bái, áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính, xây dựng mô hình trồng ngô nếp lai đơn Fancy 111 tại thị xã Nghĩa Lộ, mô hình trồng cây súp lơ xanh, cà chua vụ đông trên đất 2 vụ lúa tại thị xã Nghĩa Lộ…


 
Đồng chí Ngô Văn Dụ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (thứ 3, phải sang) cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái; Sở khoa học - Công nghệ thăm quan Dự án xây dựng mô hình nhân giống và phát triển hoa lan Hồ điệp theo hướng sản xuất hàng hóa tại Yên Bái.

Công tác quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và sở hữu trí tuệ tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực. Năm 2013, đã tiến hành điều tra, khảo sát hiện trạng công nghệ, tình hình đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tại 45 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; cấp 4 chứng chỉ nhân viên bức xạ, 15 giấy phép sử dụng thiết bị X-quang, tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin số liệu tại 23 cơ sở sử dụng nguồn bức xạ, thiết bị X-quang trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn 10 tổ chức, cá nhân thủ tục hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và đăng ký hỗ trợ bảo hộ địa danh Văn Yên cho sản phẩm quế huyện Văn Yên tại nước ngoài.

Công tác thông tin KH&CN tiếp tục được duy trì, nhằm phổ biến kịp thời các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về KH&CN. Đã thông tin kịp thời các thành tựu tiến bộ KHCN trong và ngoài nước, các điển hình tiên tiến, thu hút trên 100 cán bộ tham gia mạng lưới cộng tác viên; xuất bản 2.000 cuốn tập san, 12 trang trên Báo Yên Bái, 4 chương trình trên đài truyền hình, 6.000 bản tin KH&CN, 2.000 tập lịch phục vụ sản xuất, được nhiều đối tượng độc giả đồng tình ủng hộ.

Thời gian qua, ngành KH&CN Yên Bái được Bộ KH&CN, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, chứng nhận cúp vàng Vì sự nghiệp xanh Việt Nam. Sở KH&CN Yên Bái vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, đồng chí Giám đốc Sở được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, nhiều cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và ngành, Đảng bộ Sở KH&CN liên tục được công nhận là “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”…
Hoạt động quản lý Nhà nước về KHCN tại các huyện, thị xã, thành phố bước đầu đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Công tác phối hợp trong quản lý Nhà nước trên địa bàn về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ đã dần vào nền nếp, các chương trình, dự án, đề tài KHCN được triển khai trên địa bàn đã có sự phối hợp quản lý tốt hơn từ khâu đề xuất đến tổ chức triển khai và sử dụng kết quả của các đề tài, dự án khoa học khi kết thúc.

Hoạt động thanh tra KHCN tiếp tục đi vào nền nếp và ổn định. Năm 2013, Sở đã chủ trì 4 cuộc thanh tra chuyên đề về đo lường chất lượng hàng hóa đóng gói sẵn, về kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy, về tiêu chuẩn chất lượng và sở hữu công nghiệp đối với  đồ chơi trẻ em; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và Bộ KH&CN tiến hành thanh tra, kiểm tra 4 cuộc trên các lĩnh vực quản lý liên quan, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Công tác quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được chú trọng và đẩy mạnh; triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 đối với 67 cơ quan hành chính Nhà nước theo quy định; hoạt động của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN từng bước khẳng định được vai trò, duy trì và tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, nhất là trong sản xuất nông - lâm nghiệp, đưa các tiến bộ kỹ thuật, các giống cây, con mới và thử nghiệm các mô hình mới vào trong sản xuất...


 
Đồng chí Vũ Xuân Hợi (bên trái) - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao nhãn hiệu chứng nhận Suối Giàng - Yên Bái cho sản phẩm chè của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Phát huy những thành quả đã đạt được, phấn đấu đạt được những thành tích cao hơn trong thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức ngành KH&CN Yên Bái tiếp tục phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 1/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh.

Trọng tâm là triển khai thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển KHCN của tỉnh Yên Bái đến năm 2020. Đồng thời, triển khai kịp thời Luật KH&CN (sửa đổi) năm 2013; tăng cường hơn nữa hoạt động quản lý Nhà nước về KHCN, đổi mới phong cách làm việc, công tác quản lý, điều hành của ngành, tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành liên quan, tạo sự gắn kết, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ trong hoạt động, để đạt được chất lượng, hiệu quả cao trong công tác chuyên môn.

Triển khai có hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tập trung ưu tiên trong lĩnh vực phát triển nông - lâm nghiệp, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; tiếp tục đổi mới công tác xây dựng ngành, xây dựng bộ máy và không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước yêu cầu mới.

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành KH&CN Yên Bái nguyện không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. Đồng thời cũng mong rằng, ngành KH&CN Yên Bái tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền để không ngừng phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những tồn tại, hoàn thành xuất sắc vai trò là động lực phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Vũ Xuân Hợi (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái)

Các tin khác
Vốn ODA từ Nhật Bản là nguồn tài chính quan trọng cho Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng.

Tổng số tiền viện trợ phát triển (ODA) mà Nhật Bản dành cho Việt Nam đến nay là 1,64 tỷ USD, cao gấp đôi nước đứng thứ hai trong danh sách.

Ngày 27-2, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết: Sau hơn ba năm triển khai Nghị định số 99/2010/NĐCP ngày 24-9-2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay, toàn quốc đã có 34 tỉnh, thành phố lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh, tạo ra nguồn thu khoảng 2.850 tỷ đồng. Riêng năm 2013, số thu toàn quốc đạt 1.068 tỷ đồng.

Giá truyền tải điện được phê duyệt chỉ chiếm 5,5% giá bán điện bình quân, nên doanh thu chỉ đủ bù đắp chi phí.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có tờ trình gửi Bộ Công Thương đề nghị nâng giá truyền tải điện từ 83,3 đồng/kWh hiện nay lên 86,4 đồng/kWh để có vốn thực hiện đầu tư xây dựng.

Thi công đường cao tốc Hà Nội

Dự án là công trình giao thông trọng điểm, một trong những Dự án đường cao tốc đầu tiên được triển khai theo hình thức BOT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục