Cơ bản khống chế dịch cúm gia cầm
- Cập nhật: Thứ tư, 19/3/2014 | 9:01:27 AM
YBĐT - Giáp ranh là hai tỉnh Lào Cai, Phú Thọ dịch - nơi đã bùng phát dịch, tỉnh Yên Bái đã tập trung huy động tổng lực chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch cả bên ngoài lẫn bên trong, vì vậy, thời kỳ “cao điểm” đã qua, đàn gia cầm trên địa bàn vẫn sạch bệnh.
Cán bộ thú y huyện Văn Chấn phun thuốc khử trùng tiêu độc tại các điểm chợ.
|
Có thể nói, đến giờ phút này, nhờ sự cố gắng cao độ của các cấp, các ngành chức năng, dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế.
Cuối năm 2013 bước vào đầu năm 2014, cúm gia cầm H5N1 bùng phát mạnh tại 24 tỉnh, thành trong cả nước làm hàng chục ngàn con gia cầm bị chết và tiêu huỷ. Không chỉ đối với gia cầm, đã có 3 người tử vong do cúm H5N1. Đến hết tháng 2, Yên Bái vẫn chưa để xảy dịch, nhưng tại Lào Cai và Phú Thọ - những địa phương giáp ranh đã có dịch nên nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương luôn rình rập. Quyết tâm không để dịch xâm nhập địa bàn, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chủ tịch UBND tỉnh đã có 2 công điện trước và sau dịp tết Nguyên đán yêu cầu các địa phương, các ngành và các hộ chăn nuôi áp dụng khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Nguyên trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở gia cầm cũng như ở người, đồng thời thường xuyên đi kiểm tra, nắm bắt tình hình phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Ngành nông nghiệp - lực lượng thường trực đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các huyện có lượng gia cầm lớn. Và để ngăn không cho dịch vào địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo và thành lập 5 chốt kiểm dịch ở: Mù Cang Chải, Trấn Yên, Văn Chấn, thành phố Yên Bái và Yên Bình. Các chốt này ứng trực 24/24h kiểm soát tất cả gia súc, gia cầm vận chuyển vào địa bàn tỉnh, đồng thời phun thuốc khử trùng, tiêu độc đối với tất cả các phương tiện từ tỉnh ngoài vào địa bàn.
Tại các địa phương, cùng kiện toàn, thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện và tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc tại các chợ, khu buôn bán, chăn nuôi với diện tích hàng ngàn mét vuông. Không chỉ ở các điểm công cộng, các hộ chăn nuôi cũng thực hiện phun thuốc chuồng trại, cơ sở chăn nuôi của gia đình với phương châm “mỗi hộ chăn nuôi là một pháo đài phòng dịch.
Ngành nông nghiệp đã huy động toàn bộ cán bộ thú y vào cuộc, trong đó 182 thú y viên cơ sở đến từng nhà, rà từng thôn để tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch và giám sát dịch bệnh; yêu cầu các hộ chăn nuôi phải nhốt gia cầm ở nơi cố định, nuôi nhốt riêng từng loại gia cầm, không để gà thả rông, vịt chạy đồng, thường xuyên rắc vôi bột xung quanh chuồng trại cũng như phun thuốc khử trùng tiêu độc.
Cán bộ khuyến nông huyện Văn Yên hướng dẫn người dân cách cho gia cầm ăn và phòng chống dịch bệnh.
Tại các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi chủ động thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Trong vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân chấp hành không tiêu thụ, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm mắc bệnh; không ăn tiết canh gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín, khi tiếp xúc phải có găng tay và các đồ bảo hộ lao động...
Một trong những giải pháp quan trọng phòng dịch đợt này, đó là việc quyết liệt kiểm soát thị trường, không có ngoại lệ trong vận chuyển buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, hạn chế thấp nhất buôn bán, vận chuyển gia cầm. Tỉnh cũng đã chủ động cấp kinh phí cho các ngành chuyên môn, các địa phương để phun thuốc khử trùng tiêu độc và mua sắm trang thiết bị vật tư cho phòng chống dịch với kinh phí hàng tỷ đồng.
Trong đó, Chi cục Thú y đã cấp 6.625 lít thuốc sát trùng RTD - IODNE và hàng ngàn găng tay, khẩu trang cho lực lượng thực hiện phòng chống dịch. Đã tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc đồng loạt ở 1.873 thôn, bản; 76 chợ; 19 điểm buôn bán, 58 cơ sở giết mổ gia cầm và 10 cơ sở ấp trứng.
Là hai địa phương có nguy cơ mắc dịch cao nên ngay từ đầu thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ đã chủ động cấp kinh phí, phun khử trùng tiêu độc 36 cơ sở chăn nuôi tập trung, 2.297 hộ chăn nuôi gia đình, 112 cơ sở giết mổ, 11 chợ với tổng diện tích phun 444.354 m2. Với số lượng gia cầm tương đối lớn, từng xảy ra dịch cúm gia cầm năm 2005 và 2008 nên Trấn Yên cũng rất chủ động công tác phòng chống dịch. Ngoài việc thành lập chốt kiểm dịch tại xã Minh Quân, huyện còn tiến hành tiêu độc khử trùng ở tất cả 22 xã, thị trấn với 233 thôn bản và 15 chợ cũng như tất cả các điểm giết mổ.
Từ chủ động trong công tác phòng chống dịch, bệnh cúm không xuất hiện ở Yên Bái. Trong khi đó, hai địa phương giáp tỉnh là Phú Thọ và Lào Cai có dịch cũng đã được khống chế và qua 21 ngày không tái bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, đánh giá đến thời điểm ngày 18/3, Yên Bái đã cơ bản khống chế dịch cúm gia cầm xâm nhập địa bàn. Kết quả này là tổng hợp giải pháp từ chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, ngành nông nghiệp, các địa phương, đặc biệt là có sự chủ động cao của các hộ chăn nuôi và người dân.
Dù thành công trong phòng chống không để xảy ra dịch cúm gia cầm, tình hình dịch bệnh tại các địa phương có dịch đã tạm thời lắng dịu, song theo ông Đặng Bình Nguyên - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh: bà con không được chủ quan, lơ là, việc phòng chống dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu. Trong đó, cần hạn chế thấp nhất việc buôn bán, gia cầm không rõ nguồn gốc; các hộ chăn nuôi cũng không nên tái đàn vào thời điểm hiện tại và vẫn phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch như thời gian vừa qua.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, cây thảo quả đã mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải. Mỗi héc-ta thảo quả cho thu hoạch từ 2 đến 2,5 tạ quả, giá bán ra thị trường từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng/kg quả khô. Nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định và khá giả nhờ trồng loại cây này.
Ngày 18/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu và phát triển Logistics tổ chức lễ công bố bộ chỉ số ngành logistics (dịch vụ vận chuyển, giao nhận, kho bãi).
YBĐT - Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều năm nay, người dân xã Nga Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã biết khai thác lợi thế mặt nước ao, hồ, đầm để phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
YBĐT - Năm 2014, ngành thuế Yên Bình (Yên Bái) được giao thu cân đối ngân sách 100 tỷ đồng, đây là nhiệm vụ tương đối khó khăn trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp, thiên tai, thời tiết khó lường, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị.