Tiếp tục phục tráng gạo nếp tan Tú Lệ
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/3/2014 | 10:20:50 AM
YBĐT - Nếp tan Tú Lệ đã là một sản phẩm có tiếng vang xa khắp cả nước. Tuy nhiên Yên Bái nói chung, Văn Chấn nói riêng lại chưa khai thác tốt điều này để mang lại hiệu quả kinh tế.
Gạo nếp Tú Lệ được tư thương thu mua tự do nên dễ bị trà trộn.
|
Trong hai năm 2007 - 2008, nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc đã phục tráng được giống nếp Tú Lệ thông qua chọn dòng với 150kg giống siêu nguyên chủng. Việc bảo tồn và phục tráng quần thể đã sản xuất được 3 tấn giống xác nhận cung cấp cho sản xuất tại xã Tú Lệ (Văn Chấn) và 2 xã lân cận là Cao Phạ, Nậm Có (Mù Cang Chải); xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác giống nếp Tú Lệ đạt năng suất cao (đạt trên 4 tấn/ha, tăng so với đối chứng từ 14% - 18%) mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Nếp Tú Lệ là một giống lúa bản địa mang tính đặc trưng cao ở Tú Lệ với nhiều đặc tính quý: độ dẻo cao, dẻo lâu, thơm, ngậy, ngon và chịu đựng tốt với các yếu tố bất thuận của địa phương. Trước đây, nếp Tú Lệ đã được trồng trên toàn bộ diện tích của xã với 161ha. Hiện, diện tích này giảm xuống còn vài chục héc-ta.
Ông Lò Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Tú Lệ cho biết: “Hiện nay, chất lượng nếp Tú Lệ không còn như trước mà nguyên nhân chính có thể là biến đổi di truyền do giao phấn tự nhiên với các giống lúa cải tiến; do thay đổi trong quản lý dinh dưỡng cây trồng, lẫn tạp cơ giới với các giống khác. Bên cạnh đó, nếp Tú Lệ còn bị giảm chất lượng “oan” do chính những người tiêu thụ nó khi hiện tượng trộn gạo nếp khác cùng với nếp Tú Lệ đang phổ biến tại Yên Bái”. Tuy chất lượng giảm nhưng nhu cầu tiêu thụ gạo nếp này vẫn khá cao và đang vượt ra khỏi địa bàn tỉnh.
Việc phục tráng nếp tan Tú Lệ không phải chỉ dựa vào Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc thực hiện đề tài khoa học phục tráng nếp tan Tú Lệ mới đây. Thực tế từ nhiều đời nay, khi cây lúa nếp xuất hiện ở Tú Lệ thì người dân bản địa đã có cách bảo tồn nguồn gen của riêng mình và đặc biệt hiệu quả.
Ông Hoàng Văn Soàn - Phó chủ tịch UBND xã Tú Lệ cho biết: “Từ xa xưa, cây lúa nếp chỉ là loại cây dại trên rừng được các cụ phát hiện đem về trồng. Qua nhiều đời, nó trở thành cây lương thực không thể thiếu của người dân Tú Lệ và được trồng trên tất cả các cánh đồng. Thời gian qua đi, cứ khi nào thấy lúa có hiện tượng thoái hóa, các cụ khôi phục bằng cách ngắt những bông cái hạt to, đều để làm giống cho vụ sau. Nếu vụ sau chưa đạt thì tiếp tục thực hiện vài vụ liên tiếp. Từ đó đến nay, nguồn gen của giống lúa nếp Tú Lệ vẫn được bảo quản một cách nguyên bản”. Tuy nhiên, câu chuyện về cây lúa nếp Tú Lệ còn rất nhiều điều phải bàn.
Đối với một xã nghèo như Tú Lệ, đời sống người dân chủ yếu dựa vào canh tác lúa nước thì nhu cầu về lương thực là cấp bách nhất. Trong khi đó, các giống lúa nếp thời gian sinh trưởng rất dài, từ 5 đến 6 tháng. Quan trọng hơn, lúa nếp Tú Lệ lại là giống cảm quan, chỉ khi có sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm thì nếp Tú Lệ mới trỗ, thời gian thích hợp nhất là tháng 7, do đó chỉ có thể cấy được một vụ. Trong khi đó, các giống lúa lai thời gian canh tác ngắn hơn nhiều, có thể canh tác 2 vụ và năng suất cao hơn gấp rưỡi, thậm chí gấp hai lần. Theo Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Viện thì đây chính là nguyên nhân dẫn đến diện tích canh tác lúa nếp đang giảm mạnh.
Nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc trong quá trình phục tráng gạo nếp tan cũng đã xác định được vùng phân bố sản xuất giống nếp Tú Lệ cho năng suất, chất lượng cao phục vụ để mở rộng diện tích gồm các xã: Tú Lệ, Cao Phạ và Nậm Có với tổng diện tích khoảng 600ha.
Nghiên cứu đã xác định được giống lúa ngắn ngày BT13, AYT77, DT122 đạt năng suất cao, có thể gieo cấy trong vụ xuân thay thế giống địa phương, đảm bảo thu hoạch kịp thời cho gieo cấy nếp Tú Lệ ở mùa chính vụ. Trên cơ sở nghiên cứu đó, Văn Chấn cần tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư cho các xã này phát triển và mở rộng diện tích lúa nếp; cần hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và quy chế sử dụng nhãn hiệu này có hiệu quả. Địa phương cần xây xựng chỉ dẫn địa lý để quảng bá sản phẩm đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư sâu vào chế biến tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng tốt.
Nếp tan Tú Lệ đã là một sản phẩm có tiếng vang xa khắp cả nước. Tuy nhiên Yên Bái nói chung, Văn Chấn nói riêng lại chưa khai thác tốt điều này để mang lại hiệu quả kinh tế. Phát triển vùng lúa nếp đặc sản cần phải được các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn quan tâm hơn nữa để nếp tan Tú Lệ thực sự là thương hiệu của đất Tú Lệ, thương hiệu của Yên Bái.
Anh Dũng
Các tin khác
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm khoảng 1% trong phiên thứ Năm (27/3), xuyên thủng mốc 1.300 USD/ounce lần đầu tiên kể từ giữa tháng 2, khi tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2013 tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng trong vai trò chống lại rủi ro.
Sáng 27/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng ký quyết định thành lập Tổ kiểm tra và công bố số đường dây nóng xác minh nghi án nhận hối lộ của công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản JTC. Bộ Công an cử 3 cán bộ tham gia điều tra nghi án nhận hối lộ này.
Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó trưởng ga Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu đi lại rất cao của người dân trong dịp lễ 30/4 và 1/5, Công ty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội sẽ tăng 17 đôi tàu trong thời gian này.
YBĐT - Hiện nay, xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tập trung chỉ đạo nhân dân dần xóa bỏ 88ha lúa nương năng suất, chất lượng thấp sang trồng ngô cho giá trị kinh tế cao hơn; vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp ngày công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông liên thôn, đời sống nhân dân những năm gần đây đã có nhiều cải thiện đáng kể.