Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chè
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/3/2014 | 2:55:59 PM
YBĐT - Những ngày này, đi trên các vùng chè từ Yên Bình, Trấn Yên, vào Văn Chấn và đến xã vùng cao Suối Giàng, tới Phình Hồ Trạm Tấu, nông dân, doanh nghiệp đang hối hả, tấp nập bên những nương chè. Người làm cỏ, người bỏ phân, người thu hái chè xuân.
Chè Shan tuyết - đặc sản của Yên Bái.
|
Niên vụ sản xuất, kinh doanh chè 2014 đã bắt đầu và được dự báo là vẫn còn những khó khăn nhất định nhưng cũng có nhiều thuận lợi đối với doanh nghiệp sản xuất căn cơ. Tuy chưa vào chính vụ song nông dân cũng như doanh nghiệp đang hối hả bước vào niên vụ mới với niềm tin một vụ chè bội thu.
Sau những ngày rét đậm, rét hại, từ đầu tháng ba trở lại đây Yên Bái liên tục có mưa. Mưa nhiều làm ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp nhưng với sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất chè thì lại là một thuận lợi. Chẳng thế mà những đồi chè khô cằn, héo hon hôm nào nay đâm chồi, nảy lộc xanh mướt.
Những ngày này, đi trên các vùng chè từ Yên Bình, Trấn Yên, vào Văn Chấn và đến xã vùng cao Suối Giàng, tới Phình Hồ Trạm Tấu, nông dân, doanh nghiệp đang hối hả, tấp nập bên những nương chè. Người làm cỏ, người bỏ phân, người thu hái chè xuân.
Kết thúc năm 2013, sản xuất, kinh doanh chè của Yên Bái đã đạt con số hơn 95.000 tấn chè búp, chế biến được 24.000 tấn chè thành phẩm, giá trị thu nhập đạt trên 400 tỷ đồng. Năm 2014 này, toàn tỉnh phấn đấu thu hái đạt 97.000 tấn chè búp tươi, chế biến đạt trên 25.000 tấn chè thành phẩm, cuộc sống người làm chè ổn định.
Những con số đó không phải là quá lớn đối với một tỉnh có trên 12.500ha chè, người dân có thâm niên làm chè và trên 100 cơ sở chế biến chè nhưng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay rất cần sự vào cuộc tích cực của các ngành, các địa phương, doanh nghiệp chè và nông dân đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như chế biến. Bởi vốn dĩ điểm yếu nhất trong sản xuất, kinh doanh chè những năm qua là người trồng chè thiếu đầu tư chăm sóc, thu hái không theo phẩm cấp, năng suất thấp, chất lượng không đáp ứng chế biến.
Doanh nghiệp với dây chuyền máy móc cũ kỹ, lạc hậu, chế biến chạy theo số lượng... dẫn đến chế biến chất lượng chưa cao, giá bán thấp. Do đó, cần tập trung vào đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi vừa đáp ứng cho chế biến vừa nâng cao thu nhập.
Hiện vẫn chưa có doanh nghiệp chế biến nào đưa ra giá thu mua nguyên liệu ổn định, nhưng theo dự báo của giá chè thế giới, khả năng giá thu mua của năm 2014 cũng chỉ cao hơn chút đỉnh và tùy theo chất lượng nguyên liệu. Theo các chuyên gia kinh tế, với giá thu mua bình quân 4.000 đồng/kg búp thì người làm chè mới tạm ổn, nếu thấp hơn thì rất khó khăn, bởi giá vật tư phân bón đều tăng hơn so cùng kỳ.
Không chỉ giá vật tư mà công thu hái, làm cỏ, chăm sóc cũng tăng. Các yếu tố đó đòi hỏi người làm chè phải tích cực đầu tư, thâm canh thật tốt để tăng năng suất, bù vào giá thu mua. Qua thực tế cho thấy, ngoài sản xuất chè truyền thống, hiện nay cũng đã có nhiều hộ dân ở huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình đang sản xuất khá thành công và cho hiệu quả kinh tế cao từ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sản xuất chè theo tiêu chuẩn này là một hướng đi đúng đắn trong xu thế phát triển hiện nay. Chỉ có tích cực chăm sóc, đầu tư tăng năng suất, chất lượng cũng như việc thu hái đảm bảo phẩm cấp mới là lựa chọn tối ưu hiện nay và lâu dài. Đối với sản xuất công nghiệp cũng vậy, các doanh nghiệp đã và đang đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền máy móc. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành ký kết hợp đồng tiêu thụ với người dân trong vùng nguyên liệu và cung ứng phân bón, vật tư cho người làm chè.
Theo dự báo, thị trường tiêu thụ năm 2014 “dễ thở” hơn nhưng lại đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao hơn, chè sạch hơn. Với cơ cấu sản phẩm chè đen vẫn là chính nhưng các doanh nghiệp cũng nâng cao giá thu mua nguyên liệu và đòi hỏi chất lượng cao hơn. Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ đều khẳng định chỉ mua nguyên liệu đảm bảo chất lượng, phẩm cấp.
Song song với việc đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc của các doanh nghiệp, các ngành chức năng cũng cần kiểm tra, rà soát, đánh giá tất cả các doanh nghiệp và chỉ cho hoạt động đối với các doanh nghiệp đảm bảo các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một vấn đề mấu chốt để tạo nên một niên vụ chè thành công là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè cần liên doanh, liên kết chặt chẽ với người dân vùng nguyên liệu cũng như các doanh nghiệp để vừa có nguyên liệu ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè Yên Bái vừa không bị các doanh nghiệp lớn hay các đối tác khác ép giá.
Làm tốt những vấn đề này cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các doanh nghiệp và người dân niên vụ chè năm 2014 sẽ hy vọng giành nhiều thắng lợi.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Tháng 3, thời tiết khu vực đèo Khau Phạ đặc biệt hanh khô cộng với ảnh hưởng của gió Lào, nguy cơ cháy rừng cực cao. Trạm Kiểm lâm Cao Phạ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã nâng mức độ cảnh báo cháy rừng lên mức nguy hiểm.
Công ty APR Energy (trụ sở tại Mỹ) đã giới thiệu tại Việt Nam giải pháp lắp đặt nhà máy điện công suất từ 20-500 MW (Megawatt) chỉ trong khoảng 60 ngày. Trong khi đó, để xây dựng một nhà máy nhiệt điện/thủy điện có công suất tương tự phải mất vài năm.
YBĐT - Chỉ tính riêng năm 2013 đã có hàng nghìn lượt người ở các xã, các thôn bản vùng giáp ranh thuộc hai huyện Mù Cang Chải, Văn Yên (Yên Bái) được học tập các văn bản, các quy định của Nhà nước về công tác BVR, PCCCR.
YBĐT - Thông qua những buổi tuyên truyền, vận động, người dân đã hiểu rõ vai trò của rừng: rừng không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có chức năng phòng hộ, cân bằng sinh thái, môi trường.