Ngày mùa ở Tà Ghênh
- Cập nhật: Thứ tư, 9/7/2014 | 9:25:02 AM
YBĐT - Ngày mùa, cả cánh đồng lúa Tà Ghênh xã Xà Hồ (Trạm Tấu) rộng trên 70ha trải thảm vàng như mật ong, nắng chói chang trên những thửa ruộng bậc thang uốn quanh triền núi như một chiếc khăn lụa vàng cuốn quanh người khổng lồ.
Đồng bào Mông xã Xà Hồ thu hoạch lúa xuân.
|
Người dân Trạm Tấu vẫn thường ví Tà Ghênh - Xà Hồ lúc chiêm mùa gối vụ như một bức tranh sơn thủy hữu tình bởi sự đan xen của lúa chín, mạ non, suối trong với tiếng máy tuốt giòn giã, tiếng trâu lội bì bõm và dáng người gánh những bó lúa vàng nặng bông trĩu hạt.
Anh Thào A Chu ở thôn Suối Giao cười tít mắt khi kể về vụ lúa nhà mình.
Anh Chu bảo, cán bộ xã đo cho mấy lần nhưng chẳng nhớ nổi diện tích lúa, cứ Nhà nước cấp giống, xã gửi lịch gieo cấy là làm theo. Nhà có sẵn 1 con trâu đực to khỏe nên chủ động cày bừa, chẳng biết có phải tốt số hay không mà lúa không mấy khi có sâu hại, có chăng cũng lác đác, phun cho mấy bình là chết "nhăn răng" hết lượt nên vừa rồi gặt khoảng 1/3 số diện tích ấy đã được 37 bao thóc.
Anh chia sẻ: "Gặt đến đâu là mình cày bừa làm vụ mùa luôn đến đó. Bây giờ, ở những thửa ruộng làm 1 vụ đã cấy xong, lúa tốt rồi, còn những chân ruộng này phơi thóc khô là cũng có mạ cấy xong thôi". Rồi anh Chu mời chúng tôi lên bản Suối Giao nhà anh ăn cơm mới: "Cách có 30 phút đi xe máy thôi, đường ngon lành rồi chứ như ngày trước, lưng cõng con, tay dắt theo con trâu đi nửa ngày mới đến ruộng thì cũng chẳng dám mời".
Hẹn anh Chu dịp khác, chúng tôi gặp chị Chớ Thị Sua ở thôn Tà Ghênh đang phải nhờ 10 người đi gặt hộ. Người vác, người tuốt lúa, người gặt, ai cũng cười hết cỡ. Chị Sua bảo, nếu không có nhà chị ở đây thì cánh đồng lúa này giảm bớt nửa sự ồn ào. Chị cũng bảo, lúa Nhị Ưu 838 nhà chị năm nay đầu mùa cấy xong tự dưng vàng ệch ra làm chị mất ăn mất ngủ. Lo lắng vì 5.000m2 lúa mà giở chứng là đói cả năm, thế là chị báo xã tìm ra bệnh của nó, phun cho mấy bình thuốc thấy xanh trở lại. Mưa nắng thất thường cũng không sao nên nay đã gặt 1 nửa diện tích thấy năng suất còn cao hơn năm trước, chị Sua đoán chắc do giống Nhà nước cấp tốt nên không mấy khi bị mất mùa.
Chị Sua cho biết: "Diện tích ruộng nhà mình cấy 1 năm 2 vụ nên ngoài đảm bảo đủ thóc cho gia đình còn để chăn nuôi lợn, gà. Vụ mùa này đã gieo mạ, nhờ người gặt thật nhanh, xong là cấy luôn để đảm bảo đúng khung thời vụ".
Chị nhớ lại hơn 10 năm trước, nhà chị không cấy lúa xuân, cấy 1 vụ, lại có 5 cái miệng ăn nên đói nghèo cứ quẩn quanh. Được cán bộ khuyến nông về bản hướng dẫn làm lúa xuân, chị làm thử thấy lúa xuân đúng là hợp với đất, với nước Tà Ghênh nên từ ngày ấy, chị làm lúa 2 vụ. Đời sống đã thay đổi hẳn, có lương thực ăn còn chăn nuôi được gia súc, từ số vốn ban đầu ít ỏi nay gia đình đã có 3 con trâu bò, 3 con lợn, kinh tế chưa hẳn đã giàu nhưng không còn cảnh vay nợ thóc như trước nữa. Chị Sua cũng nói: "Rơm khô thì phải để làm thức ăn cho trâu, bò chứ để không nó phí đi. Mấy năm nay, năm nào cũng làm cây rơm dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông thấy đỡ vất vả mà trâu, bò lại không bị chết rét".
Cũng ở cánh đồng rộng nhất huyện này, nhà chị Phàng Thị Mảy ở Sáng Pao thì buồn hơn những nhà khác vì năm nay lúa đầu mùa bị sâu đục thân, rồi rầy nâu nó hại, nỗ lực lắm thì mới giữ được năng suất bằng năm trước. Chị Mảy khoát tay chỉ tràn ruộng nhà mình, tôi đếm cũng được đến 20 thửa rộng hẹp khác nhau.
Nói đến vụ mùa, chị Mảy chia sẻ: "Nhà mình cấy hết diện tích này đấy, vụ mùa cũng cấy Nhị Ưu 838 thôi. Mình ăn gạo này quen rồi nên không muốn đổi giống. Với lại giống lúa này chịu sâu bệnh tốt, lại có khả năng chịu hạn tốt hơn giống địa phương nên mình cấy rất yên tâm." Chị Mảy quyết tâm lắm cho cái vụ mùa này: "Cùng làm ruộng mà thấy năng suất nhà mình kém hơn cũng thấy tức nên quyết tâm vụ này chăm sóc tốt hơn. Với lại gia đình đảng viên nên phải gương mẫu đi đầu trong sản xuất chứ".
Vụ xuân này, xã Xà Hồ gieo cấy 168,9ha lúa, giống Nhà nước cấp đủ cấy cho 152ha, còn lại người dân tự mua giống về cấy. Xà Hồ là xã thành công với khai hoang ruộng nước nên diện tích năm sau luôn cao hơn năm trước. Phó chủ tịch UBND xã Mùa A Hồ phấn khởi lắm: "Cách đây hơn 12 năm, cánh đồng Tà Ghênh một vụ bỏ hoang, cuộc sống người dân khó khăn trăm bề. Nay cấy 2 vụ cùng thành công của chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cuộc sống của người dân ổn định hơn. Vụ xuân này cũng vậy, cán bộ xã không phải vất vả về thôn bản rát cổ, bỏng họng như ngày trước nữa mà triển khai lịch gieo cấy là trưởng thôn cùng người dân thực hiện theo. Vụ xuân này, năng suất ước đạt 43 tạ/ha, như vậy là được mùa".
Phó chủ tịch Hồ cũng cho biết: "Vụ mùa này, xã gieo cấy 177ha, trong đó có 25ha người dân chỉ cấy 1 vụ vì không có nước. Diện tích 1 vụ này đã cấy xong, hiện nay người dân thu hoạch lúa xuân, gặt đến đâu cày bừa đến đó để đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất". Anh cho biết thêm, xã đã nhận đủ giống vụ mùa 30kg/ha. Để vụ mùa thắng lợi, xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo sản xuất gồm 18 thành viên, Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo đã họp và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng thôn bản để đôn đốc người dân gieo cấy vụ mùa đúng khung lịch thời vụ, phấn đấu năng suất vụ mùa đạt trên 38 tạ/ha.
Lòng người đã thuận lúa xuân được mùa người dân Tà Ghênh thêm niềm tin bước vào vụ mới với ước mong mưa nắng thuận hòa để tiếp tục có mùa vàng bội thu.
Phương Thùy
Các tin khác
YBĐT – Ngày 8/7, Cục Thuế tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và đề ra một số giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quyết định giảm giá vé tất cả các tàu Thống Nhất và áp dụng chương trình giảm giá đặc biệt đối với khách mua vé trước 30 ngày trở lên.
YBĐT - Năm 2014, Mù Cang Chải được tỉnh giao thu 25,5 tỷ đồng, HĐND huyện giao chỉ tiêu phấn đấu thu 27,7 tỷ đồng, nhưng đến ngày 26/6, toàn địa bàn đã thu được 25,8 tỷ đồng, đạt và vượt kế hoạch năm.