Đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc
- Cập nhật: Thứ hai, 21/7/2014 | 9:51:06 AM
YBĐT - Phát huy lợi thế về diện tích đất đồi rộng, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Trạm Tấu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống cho người dân.
Anh Tráng A Dơ ở thôn Mông Đơ, xã Bản Mù chăm sóc đàn gia súc của gia đình.
|
Những ngày này lên huyện Trạm Tấu sẽ thấy không khí tấp nập của người dân làm vụ mùa. Trên con đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện, không khó để thấy những đàn gia súc từ 5 - 10 con béo khỏe, bụng căng tròn.
Cách đây 5 - 7 năm, ở đây chăn nuôi nhiều trâu, bò nhưng vì tập quán thả rông gia súc của đồng bào Mông nên trâu, bò bị bệnh và chết đói, chết rét vào mùa đông rất nhiều, có năm toàn huyện chết đến vài trăm con. Trâu, bò chết nhiều, người dân chán nản không muốn nuôi nhưng người vùng cao không có con trâu làm sức kéo thì không làm ruộng được, rồi nuôi trâu, bò khi có công việc bán đi cũng được một khoản tiền lớn… Vì vậy, huyện đã tuyên truyền, động viên người dân chăn nuôi nhưng phải biết áp dụng khoa học, không thả rông, tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp, trồng cỏ voi, dự trữ thức ăn trong mùa đông… Nhờ thế, đàn gia súc lớn nhanh hơn, ít bệnh tật hơn và người dân có ý thức hơn trong việc chăn thả.
Hiện nay, toàn huyện có tổng đàn trâu hơn 6.080 con, đàn bò 3.118 con, đàn lợn 14.198 con. Mỗi năm, Trạm Tấu tăng thêm 1,5% đàn trâu, 2% đàn bò và 3,5% đàn lợn. Để đạt được những con số đó là sự đánh đổi bao nhiêu vất vả, công sức của quá trình nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán chăn nuôi cho người dân.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu chia sẻ: "Đối với người dân vùng cao, chăn nuôi gia súc chỉ sử dụng sức kéo; nuôi lợn, gà cũng chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình chứ chưa có ý thức phát triển chăn nuôi để tạo nguồn thu nhập. Chính vì vậy, huyện xác định để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc phải kết hợp vừa tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo".
Đưa chăn nuôi gia súc thực sự trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, huyện cụ thể hóa thông qua các nghị quyết về phát triển chăn nuôi. Quá trình thực hiện đã góp phần hình thành các mô hình chăn nuôi theo hướng phát triển kinh tế hộ, từng bước xóa bỏ tập quán thả rông, hình thành thói quen làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn cho gia súc.
Trên đường đến với Bản Mù là xã có phong trào chăn nuôi gia súc phát triển, chúng tôi gặp Tráng A Dơ ở thôn Mông Đơ đang chăn thả 3 con trâu, 2 con bò của gia đình bên bãi cỏ ven đường. Dừng xe trò chuyện với Dơ được biết, gia đình anh có 4.000m2 đồi để trồng ngô và gần 6.000m2 ruộng lúa. Nhà có 11 người, lương thực đủ ăn, không bị đói. Ngoài nuôi 5 con trâu, bò, anh còn nuôi lợn và gà.
Hỏi về việc chăn nuôi trâu bò, anh cho biết: "Mùa này nhiều cỏ lắm, trâu, bò ăn thoải mái. Mọi hôm, mình cho bọn trẻ đi chăn nhưng hôm nay nó ốm nên mình đi. Những ngày mưa không đi chăn được thì mình lấy lá ngô, chặt cỏ voi về cho ăn, cán bộ bảo nên mình trồng nhiều cỏ lắm. Mùa này không cần cho ăn rơm, đến mùa sau mới mang rơm về nhà để cho trâu, bò ăn trong mùa đông". Nghe Dơ nói vậy cũng biết người dân đã thay đổi được tập quán chăn thả và đã biết bảo vệ khối tài sản có giá trị cả trăm triệu đồng. Có vậy mà vừa qua, nhà anh Dơ mới có trên chục triệu đồng từ việc bán bò để làm nhà.
Phong trào chăn nuôi đại gia súc phát triển với trên 900 con trâu, gần 800 con bò, những năm qua, chính quyền xã Bản Mù luôn vận động người dân chăm sóc tốt đàn gia súc, dự trữ thức ăn, phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. Ông Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Ngoài làm lúa, ngô, dân chỉ trông vào chăn nuôi để phát triển kinh tế. So với đầu nhiệm kỳ, đàn gia súc tăng 220 con, tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại đạt trên 80%, xã có gần chục héc-ta trồng các giống cỏ voi, VA06, cỏ Guatamela. Thời gian tới, xã lấy chăn nuôi gia súc làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế".
Cùng với việc tăng đàn bằng việc sinh sản tự nhiên, những năm qua, huyện Trạm Tấu còn được các chương trình, dự án đầu tư cho chăn nuôi như Chương trình 30a, Dự án bò nghèo… đã hỗ trợ cho người dân mua hàng nghìn con trâu, bò giống. Bên cạnh đó, người dân cũng được hỗ trợ trồng cỏ, làm cây rơm… Tuy nhiên, để chăn nuôi gia súc phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, thực sự xóa đói giảm nghèo cho người dân thì thông qua các chương trình hỗ trợ này, các cấp chính quyền cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, không để tình trạng nhập con giống bừa bãi, không rõ nguồn gốc, con giống đã ủ mầm bệnh về làm lây sang đàn gia súc của địa phương như trường hợp ở xã Trạm Tấu vừa qua.
Hồng Duyên
Các tin khác
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có văn bản số số 2865/ĐKVN-VAQ khuyến cáo và đề nghị các tổ chức, cá nhân khi sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và mua xe nên quan tâm tới các quy định về: kết cấu, kích thước giới hạn của thùng hàng xe tự đổ, xe xi téc, xe tải (thùng hở, kín, có mui, đông lạnh, bảo ôn) và chiều dài toàn bộ xe tự đổ để có phương án thiết kế, sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu phương triện cũng như có quyết định đúng đắn khi mua phương tiện.
Sau 10 ngày tạm ngừng để khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe, kể từ 9h sáng 20/7, hầm đường bộ Đèo Ngang chính thức được thu phí trở lại đối với các phương tiện đi qua.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) vừa ban hành văn bản chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện tiếp cận cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.