Động lực cho vùng cao Văn Yên
- Cập nhật: Thứ hai, 21/7/2014 | 2:52:10 PM
YBĐT - Theo Quyết định 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc, huyện Văn Yên có 10 xã khu vực III và 39 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng II. Trên địa bàn có 12 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó: đồng bào Dao 23% dân số (đứng thứ 2 sau người Kinh 56%), người Tày trên 15%, người Mông gần 4%.
Sự đầu tư của Nhà nước giúp người dân được tiếp cận nhiều hơn với khoa học kỹ thuật tập trung phát triển sản xuất.
|
Với sự tham mưu của Phòng Dân tộc Văn Yên, hàng năm, UBND huyện sớm có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, địa phương thực hiện các chương trình, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) như: Chương trình 135, chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo theo Quyết định 102, hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng, dự án định canh định cư, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ con em hộ nghèo vùng ĐBKK đi học...
Ông Lý Văn Ngọc - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Yên trao đổi: “Việc triển khai các chương trình, dự án và chính sách dân tộc luôn được sự chỉ đạo sát sao của Ban Dân tộc tỉnh và Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND. Chúng tôi xác định, mỗi chương trình, dự án, chính sách dân tộc đều phải được thực hiện đúng tiến độ, quy trình. Mục đích là đảm bảo chất lượng, hiệu quả để các chính sách, các dự án đều mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào”.
Phòng Dân tộc cùng các ngành và chính quyền cơ sở luôn chú trọng, phối hợp thực hiện đảm bảo kịp thời theo đúng chế độ, chính sách, đối tượng thụ hưởng. Đối với dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, 6 tháng đầu năm đã triển khai 16 công trình với tổng kinh phí được giao gần 11 tỷ đồng. Trong đó, 4 công trình chuyển tiếp từ năm trước đã cơ bản hoàn thành, 6 công trình khởi công mới do huyện làm chủ đầu tư và 6 công trình do xã làm chủ đầu tư. Ngoài ra, còn có 4 công trình được duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư có số vốn 520 triệu đồng. Các công trình cơ bản triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trên địa bàn, bộ mặt nông thôn vùng đặc biệt khó khăn từng bước phát triển.
Ông Hà Đức Anh - Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Văn Yên khẳng định: “Nguồn đầu tư của Chính phủ cho xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS của huyện. Nhất là các thôn, bản có đường giao thông kiên cố đã giúp việc đi lại, giao lưu hàng hóa của bà con được thuận lợi. Qua đó, người dân vùng cao cũng tiếp thu thêm kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nuôi trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước giảm nghèo bền vững".
Năm 2013, huyện Văn Yên được đầu tư xây dựng 11 công trình cơ sở hạ tầng ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng nguồn vốn 10 tỷ 227 triệu đồng (4 công trình huyện làm chủ đầu tư, 7 công trình xã làm chủ đầu tư), trong đó có 9 công trình giao thông, 1 công trình thủy lợi và xây dựng 1 nhà văn hóa thôn. Ngoài các công trình có mức đầu tư lớn do huyện làm chủ đầu tư thi công chuyển tiếp sang năm nay, hầu hết các công trình do xã làm chủ đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất.
Bà Phạm Thị Hương - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hợp cho biết: “Làng Lớn là một trong 5 thôn đặc biệt khó khăn của xã, có trên 100 hộ dân, chủ yếu là người Tày. Năm vừa qua, thôn được đầu tư xây dựng nhà văn hóa trị giá gần 400 triệu đồng. Bà con chúng tôi phấn khởi, tích cực tham gia làm mặt bằng và các công việc phụ góp phần sớm đưa nhà văn hóa vào sử dụng. Nguồn vốn thực hiện tốt, đã làm cho các sinh hoạt của thôn và đời sống tinh thần của đồng bào được nâng lên”.
Bằng các nguồn vốn, đến hết năm nay sẽ có 4/5 thôn đặc biệt khó khăn của xã Tân Hợp xây được nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Ngoài các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình thuộc Dự án định canh định cư ở các xã: Châu Quế Hạ, Lang Thíp, Phong Dụ Thượng đang tiếp tục được bố trí vốn, sớm hoàn thành để người dân cư trú, tập trung làm ăn, nâng cao đời sống. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135 của Chính phủ được phân bổ cho 8 xã và 12 thôn, bản ĐBKK. Tổng vốn đầu tư lên tới 3 tỷ đồng sẽ phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến ở các địa phương trong 6 tháng cuối năm 2014.
Cùng với các chương trình, dự án đầu tư, việc thực hiện các chính sách dân tộc được triển khai kịp thời theo quy định. Đến hết tháng 6, Văn Yên đã thanh toán cho gần 5.000 hộ đồng bào DTTS, hộ chính sách và hộ nghèo chưa được sử dụng điện lưới trên 575 triệu đồng. Trên cơ sở phê duyệt danh sách 30.611 khẩu thuộc hộ nghèo ở 24 xã, huyện đã phân bổ kinh phí hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg cho 23.223 khẩu (5.848 hộ) với số tiền trên 2,1 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ học sinh hộ nghèo đi học thuộc Chương trình 135 giai đoạn II, chính sách cấp phát báo - tạp chí, chính sách đối với người có uy tín trong cộng đồng được thực hiện đầy đủ. Hàng chục hộ DTTS nghèo được vay vốn theo Quyết định 54/2012/QĐ-TTg giúp đồng bào có thêm nguồn vốn bổ sung cho sản xuất. Trên 44 ngàn thẻ bảo hiểm y tế đồng bào DTTS được cấp đúng đối tượng, kịp thời để người dân thuận lợi khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe từ cơ sở…
Kết quả đạt được trong thực hiện chính sách dân tộc ở Văn Yên đã tạo động lực quan trọng để đồng bào các dân tộc trên địa bàn ổn định cuộc sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh, đẩy mạnh chăn nuôi. Mỗi khu dân cư tiếp tục bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần các DTTS, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chung sức hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho năm 2014 và những năm tiếp theo.
Quang Tuấn
Các tin khác
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã quyết định nối lại việc cung cấp vốn cho các dự án mới sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho Việt Nam sau một thời gian tạm ngừng để xử lý vụ nhà thầu Nhật Bản hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam.
YBĐT - Phát huy lợi thế về diện tích đất đồi rộng, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Trạm Tấu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống cho người dân.
Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có văn bản số số 2865/ĐKVN-VAQ khuyến cáo và đề nghị các tổ chức, cá nhân khi sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và mua xe nên quan tâm tới các quy định về: kết cấu, kích thước giới hạn của thùng hàng xe tự đổ, xe xi téc, xe tải (thùng hở, kín, có mui, đông lạnh, bảo ôn) và chiều dài toàn bộ xe tự đổ để có phương án thiết kế, sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu phương triện cũng như có quyết định đúng đắn khi mua phương tiện.
Sau 10 ngày tạm ngừng để khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe, kể từ 9h sáng 20/7, hầm đường bộ Đèo Ngang chính thức được thu phí trở lại đối với các phương tiện đi qua.