Phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/7/2014 | 8:25:46 AM
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020 nhằm phát triển giao thông vận tải theo hướng hiện đại, bền vững, hiệu quả và đảm bảo môi trường, phát huy tiềm năng thế mạnh của đất nước.
|
Đề án cũng nhằm phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính; nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại trên cơ sở sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn...
Nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt
Theo đó, Đề án sẽ thực hiện tái cơ cấu vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, bền vững, phấn đấu đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa đường bộ liên tỉnh đạt khoảng 54,4%, vận tải hành khách đường bộ liên tỉnh đạt khoảng 93,22% so với khối lượng vận tải toàn ngành; phát triển phương tiện vận tải đường bộ theo hướng ưu tiên vận tải công cộng; tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn...
Cùng với đó là tái cơ cấu vận tải đường sắt theo hướng đảm nhận vận tải hàng hóa khối lượng lớn trên chặng đường dài hoặc trung bình, phấn đấu đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh khoảng 4,34%, vận tải hành khách khoảng 3,4% khối lượng vận tải toàn ngành; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đặc biệt tại các ga, đầu mối vận tải; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt theo hướng tập trung ưu tiên nâng cấp, hiện đại hoá tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có...
Xây mới một số cảng chính
Về lĩnh vực đường thủy nội địa, tiến hành tái cơ cấu theo hướng chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (khoáng sản, xi măng, vật liệu xây dựng…), vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, vận tải chuyển tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; tăng thị phần đảm nhận của vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển. Đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh bằng đường thủy nội địa đạt khoảng 32,38%, vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 0,17% khối lượng vận tải toàn ngành; phát triển phương tiện thủy nội địa theo hướng cơ cấu hợp lý; đồng thời, nâng cấp và xây dựng mới một số cảng chính, bến hàng hoá và hành khách ở đồng bằng Sông Cửu Long, đồng bằng Sông Hồng để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách...
Đồng thời, tái cơ cấu vận tải đường biển theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải biển tuyến Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hoá dầu; tăng thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu biển quốc gia từ 25%-30%; phát triển vận tải hành khách ven biển, hải đảo; tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm...
Nâng thị phần hàng không giá rẻ
Về hàng không, tái cơ cấu vận tải hàng không theo hướng nâng thị phần hàng không giá rẻ, có khả năng cạnh tranh, đảm nhận vận tải hành khách và vận tải hàng hoá mà vận tải hàng không có ưu thế; tiếp tục phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới; tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế lên khoảng 45,86%. Đối với thị trường nội địa vận tải hành khách chiếm thị phần khoảng 3,23%, tập trung cho các tuyến Bắc - Nam; thị phần vận tải hàng hóa chiếm khoảng 0,04%; mở thêm các đường bay đến châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ La Tinh và châu Phi; phát triển đội tàu bay theo hướng cơ cấu hợp lý, tăng tỷ lệ sở hữu tàu bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam...
(Theo Chinhphu)
Các tin khác
YBĐT - Trong chặng đường lịch sử vẻ vang của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, biết bao người con của quê hương Yên Bái đã vượt qua gian khổ, hy sinh, chiến đấu anh dũng để giành lại nền độc lâp cho tổ quốc. Trở về cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những người lính năm xưa, nay tiếp tục là những tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ an ninh trật tự tại địa phương.
YBĐT – Ngày 24/7, đồng chí Phạm Duy Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra tiến độ thi công đường Hoàng Thi giai đoạn II tại huyện Yên Bình. Cùng đi có lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, lãnh đạo huyện Yên Bình.
Trong năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phấn đấu hoàn thành 83 cây cầu đã được phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. Các cầu còn lại sẽ được lần lượt hoàn thành trong quý 1 và đầu quý 2 năm 2015.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2014 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 4,94% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 12 năm 2013, CPI tăng 1,62%.