Tìm hướng thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 30/7/2014 | 2:40:30 PM
YBĐT - Trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Tú Lệ (Văn Chấn) luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tu sửa kênh mương thủy lợi, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Trong đó, xã đặc biệt quan tâm đến việc tăng diện tích gieo trồng và tìm hướng đi cho sản phẩm gạo đặc sản nếp tan Tú Lệ cùng với phát triển chăn nuôi theo hướng bán trang trại.
Ông Hoàng Văn Sơn ở thôn Nà Lóng chăn nuôi trâu sinh sản.
|
Với diện tích tự nhiên trên 2.800ha, trong đó diện tích rừng chiếm trên 1.300ha, chủ yếu là rừng tự nhiên và rừng trồng bảo vệ, phòng hộ đầu nguồn nên nguồn thu từ kinh tế rừng của Tú Lệ không đáng kể. Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn thấp, phần lớn không có ngành nghề phụ nên kinh tế chủ lực của trên 1.200 hộ dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và một phần chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì vậy, phát triển sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi luôn được Đảng ủy, chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm hàng đầu để ổn định đời sống.
Tú Lệ được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho vùng thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước đặc biệt phù hợp với cây lúa đặc sản nếp tan Tú Lệ, có giá trị kinh tế cao. Song dân trí thấp, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật của nhân dân còn hạn chế trong khi cây lúa nếp tan đòi hỏi lịch gieo cấy, kỹ thuật chăm sóc tốt nên chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Theo kinh nghiệm của người dân bản địa, lịch gieo cấy cây lúa nếp tan đem lại năng suất và chất lượng cao nhất thường bắt đầu gieo mạ khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 và cấy vào cuối tháng 4, đầu tháng 5, thu hoạch vào cuối tháng 8, đầu tháng 9. Nếu gieo cấy theo khung lịch đó thì những chân ruộng cấy nếp tan chỉ cấy được một vụ/năm. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, chủ yếu bán buôn, bán lẻ trên khắp thị trường nên nhân dân cũng chưa mạnh dạn đầu tư chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa mà vẫn chỉ sản xuất mang tính tự cung, tự cấp là chính.
Đồng chí Hoàng Văn Soàn - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Trong trồng lúa, mấy năm gần đây, ngoài vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, tăng sản lượng trên một đơn vị diện tích thì địa phương cũng cố gắng tìm một hướng đi ổn định, bền vững cho sản phẩm đặc sản gạo nếp tan. Bên cạnh đó, xã cũng khuyến khích nhân dân tích cực gieo trồng rau sạch và chăn nuôi lợn theo hướng bán công nghiệp để có sản phẩm cung cấp, tiêu thụ ngay tại thị trường địa phương".
Với diện tích lúa nước trên 160ha, trong đó có 150ha cấy được hai vụ, nếu sản xuất lúa thường thì một năm cấy hai vụ, sản lượng tăng gấp đôi; còn nếu cấy chuyên canh lúa nếp làm hàng hóa thì chỉ cấy được một vụ, đồng nghĩa với sản phẩm giảm một nửa. Nhưng khi quy ra giá trị thì như hiện tại, lúa nếp tan giá bán dao động từ 18.000 - 22.000 đồng/kg, lúa thường chỉ bán được 5.000 - 6.000 đồng/kg. Như vậy, lúa nếp giá cao gấp trên 3 lần so với giá lúa thường. Vì thế, nếu tìm được đầu ra ổn định và bền vững cho sản phẩm lúa nếp tan để nhân dân yên tâm đầu tư chuyên canh theo hướng sản xuất lúa hàng hóa thì thu nhập sẽ tăng lên đáng kể.
Hiện nay, bên cạnh cây lúa, nhờ các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã giúp nhiều hộ nông dân nghèo có vốn để đầu tư chăn nuôi trâu, bò và lợn, đem lại thu nhập ổn định. Điển hình như các hộ: Lý Văn Ứn, Lò Văn Xiên ở thôn Nà Lóng chăn nuôi trâu; Cầm Ngọc Hương ở thôn Búng Xổm, ông Hoàng Văn Sơn ở thôn Nà Lóng chăn nuôi tổng hợp... Ông Hoàng Văn Sơn cho biết: "Từ đồng vốn vay ở ngân hàng, gia đình tôi đầu tư mua giống trâu và bò về nuôi. Hiện nay, tôi đã có 5 con trâu, 4 con bò và nuôi 2 con lợn nái cùng với trên 50 con lợn thương phẩm/năm, đem lại thu nhập tương đối ổn định, giúp gia đình vươn lên thoát khỏi hộ nghèo".
Có hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ dân trí sẽ giúp Tú Lệ khơi dậy được ý chí và sức mạnh nội lực trong nhân dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần giảm đáng kể hộ đói nghèo qua từng năm.
Châu Á
Các tin khác
Sau thời hạn 1 năm thực hiện bình ổn giá sữa, Cục Quản lý giá sẽ có đánh giá tổng kết báo cáo Chính phủ.
YBĐT - Ngày 29/7, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Yên Bái đã tiến hành đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2014. Đồng chí Tạ Văn Long – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh dự và chủ trì hội nghị (ảnh).
YBĐT - Thực tế, chè Bảo Hưng, nhất là chè của thôn Trực Thanh đã và đang được người "nghiền" trà tin dùng và ghi nhận bởi chè sạch, chè ngon nhưng khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn rất nhỏ lẻ, hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái.
Theo Tổng Cục Thống kê, quá trình sàng lọc, đào thải doanh nghiệp đang diễn ra khá mạnh trong cả nước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký của cả nước trong 7 tháng là 37.612 doanh nghiệp, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2013.